Nhiều 'ông lớn" tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2022

04/04/2022 19:20 GMT+7

Chiều 4.4, Sở Công thương TP.HCM đã tổ chức hội nghị triển khai Chương trình bình ổn thị trường năm 2022 - Tết Quý Mão 2023 trên địa bàn TP, tiêu chí thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 .

Theo Sở Công thương TP.HCM, nhằm chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng cao, Sở kêu gọi nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất, phân phối… tham gia vào chương trình bình ổn giá thị trường năm nay.

Điểm mới của Chương trình bình ổn thị trường năm 2022 là các doanh nghiệp tham chia thành 3 nhóm: sản xuất, phân phối và hỗ trợ tín dụng

NG.NG

Cụ thể, chương trình bình ổn thị trường chia làm 3 nhóm doanh nghiệp tham gia thông qua 3 hình thức: cung ứng hàng hóa, phân phối hàng hóa và hỗ trợ tín dụng. Năm nay, có 69 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tham gia chương trình bình ổn thị trường trong đó, có các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu mạnh.

Đặc biệt, chương trình tập hợp các đơn vị chủ lực trong các lĩnh vực. Cụ thể, lĩnh vực phân phối có Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, Satra, MM Mega Market, Cental Retail, Aeon Citimart, GS25…. Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm có Vissan với mặt hàng thịt gia súc, thực phẩm chế biến; C.P Việt Nam với mặt hàng thịt gia súc, trứng gia cầm; Sagrifood với mặt hàng thịt gia súc; Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt với mặt hàng trứng gia cầm; Foodcosa, Vinh Phát, Tấn Vương với mặt hàng gạo; Colusa – Miliket, Bình Tây tham gia bình ồn mặt hàng mì, bún, phở khô; Sài Gòn Food có hàng thực phẩm chế biến; San Hà, Long Bình có hàng thịt gia cầm; Phong Thúy, Thảo Nguyên, Phước An, Phú Lộc, Anh Đào, Xuân Thái Thịnh tập trung các mặt hàng rau củ quả; Liên Thành có nước mắm; Cholimex có các mặt hàng gia vị.

Các đơn vị cung ứng các mặt hàng sữa có “ông lớn” Vinamilk, NutiFood, TH Truemilk… Các đơn vị cung ứng chủ lực các mặt hàng phục vụ nhu cầu học tập, giáo dục có Fahasa, Nhân Văn (vừa phân phối vừa tổng hợp), Hami, MR.Vui, LilaMiti (chuyên sản xuất, cung ứng mặt hàng cặp, ba lô, túi xách), Vĩnh Tiến (tập học sinh), Leedo (giày dép)…

Trong lĩnh vực dược phẩm có những doanh nghiệp như: Domesco, OPV, Merap, Tipharco, Imexpharm, Pymepharco, Agimexpharm, Stada, Roussel, Naduphar…

Theo Sở Công thương TP.HCM, giải pháp cấp bách hiện nay là Sở trực tiếp đôn đốc doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường xây dựng phương án tạo nguồn hàng, thu mua, dự trữ… đúng tiến độ, kế hoạch nhằm đảm bảo sản lượng cung ứng ra thị trường đầy đủ, giá bán ổn định để phục vụ người dân. Đặc biệt, Sở sẽ vận động chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và các chi phi khác trong giai đoạn hiện nay để giảm áp lực tăng giá bán đến tay người dùng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.