Trong các năm 2020, 2021, Bảo tàng tỉnh Bình Định phối hợp với Viện Khảo cổ học đã 2 lần tiến hành khai quật phế tích Châu Thành, kết quả phát hiện được mặt bằng hoàn chỉnh kiến trúc đền thờ “đá thiêng” và nhiều lớp kiến trúc chồng lấn lên nhau. Năm 2022, Bảo tàng tỉnh Bình Định phối hợp với Viện Khảo cổ học tiếp tục khai quật tại phế tích Châu Thành lần thứ ba, kết quả phát hiện rất nhiều vật liệu kiến trúc (đồ đất nung, đồ đá), mảnh tượng, mảnh bia ký, gốm Chăm, gốm Việt, gốm Trung Quốc…
Các hiện vật được phát hiện tại phế tích Châu Thành |
HOÀNG TRỌNG |
Đoàn khảo cổ nhận định khu vực khai quật có nền móng của 3 kiến trúc thuộc các giai đoạn khác nhau. Trong đó, 2 kiến trúc có khả năng là tường bao của công trình đền thờ chính (của công trình tôn giáo) được xây dựng từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 6. Ngoài 2 tường bao, đợt khai quật còn phát hiện các đoạn nền móng đá ong, kết hợp các di vật như gốm, đá trang trí điểm góc có chức năng trang trí vòm cửa và tháp góc, dự đoán được xây dựng khoảng thế kỷ 13.
TS Phạm Văn Triệu, Phó trưởng phòng Khảo cổ học lịch sử, thuộc Viện Khảo cổ học (người chủ trì đợt khai quật phế tích Châu Thành lần thứ 3), cho rằng các kiến trúc xây dựng tại phế tích Châu Thành được kế thừa từ các đền thờ tín ngưỡng bản địa (thờ đá thiêng). Sự hội nhập của văn hóa Ấn Độ đã hình thành nên các cơ sở tôn giáo có quy mô lớn hơn, bên cạnh đó còn có sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa (thể hiện trên các vật liệu kiến trúc) làm nên nét đặc sắc của văn hóa Champa trong thời kỳ đầu hình thành.
Bình luận (0)