Hằng trăm ý kiến "tố" trường hà khắc
Chị H.G chủ nhân của tâm thư gây bão cộng đồng mạng trong thời gian qua cho biết, sau khi chị chia sẻ trên Facebook cá nhân đã nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ của cộng đồng mạng đặc biệt là các cựu phụ huynh, học sinh của trường này. Trong số đó có hàng trăm bình luận công khai "tố" trường hà khắc như thế nào. Đồng thời chị cũng nhận được rất nhiều thư riêng của phụ huynh và học sinh trong đó chia sẻ những góc khuất mà nhiều người chưa biết bên trong ngôi trường này. "Chính tôi cũng bất ngờ với những chia sẻ đó! Tôi cảm động vì đa phần đã lên tiếng, đứng về lẽ phải để có một nền giáo dục tốt hơn, nhân văn hơn", chị Giang chia sẻ.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, một bà mẹ có con cách đây gần 2 năm phải chuyển khỏi Trường Lương Thế Vinh kể lại, khi chị cho con xem tâm sự của bà mẹ H.G thì con chị đã thốt lên: "Con không muốn nhớ lại nữa". Mẹ cậu bé chia sẻ: "Đọc bài viết của phụ huynh H.G trên mạng xã hội mà tôi như đọc lại chính nỗi lòng của mình cách đây mấy năm. Đúng là “chưa vơi nụ cười đã rơi nước mắt”!
Chị kể, hồi đó vẫn còn phải thi vào lớp 6 chứ chưa cấm như bây giờ, học sinh phải trải qua một kỳ thi rất khắc nghiệt và việc đỗ vào trường của con khiến cả nhà vui mừng khôn xiết. Nhưng chỉ sau một học kỳ thì cả con và gia đình đều thấy “có gì đó không ổn”. Con nhà chị, vốn là một cháu học sinh có thế mạnh về môn toán, nhưng vì chuyển từ tiểu học lên THCS chương trình học quá nhiều khác biệt nên cháu gần như bị sốc. Tuy nhiên, thay vì có những biện pháp giáo dục giúp học sinh đầu cấp làm quen, bắt nhịp được với chương trình ở cấp học mới thì cô lại liên tục nhận xét tiêu cực...Không những thế, cháu phải học theo kiểu nhồi nhét kiến thức với rất nhiều bài tập, kể cả dịp nghỉ lễ tết cô giáo cũng giao tới 50 bài toán...
Những lời chê trách cộng với việc học nhồi nhét khiến cháu ngày càng tự ti và lực học giảm sút hẳn... rồi cô giáo thỉnh thoảng lại mời phụ huynh đến với thái độ căng thẳng, yêu cầu gia đình nên tính đến phương án chuyển trường cho con.
|
Chị tâm sự: "Thời gian đó tôi rất buồn, suy nghĩ rất nhiều, thấy con từ một câu bé vui vẻ, thích học, hay cười mà giờ cứ “rúm ró” lại vì tự ti, vì áp lực học hành khiến tôi mất nhiều đêm không ngủ vì suy nghĩ có cho con chuyển trường hay không?. Dù nỗ lực từ phía gia đình thế nào thì con chị vẫn ngày càng sợ học và học kém đi; cô giáo than phiền về con ngày càng nặng nề hơn…
Hết năm lớp 7, chị và gia đình quyết định chuyển con sang môi trường mới, và chỉ sau một học kỳ, cô giáo chủ nhiệm trường mới nói về con đầy tự hào khi con là một trong những học sinh top đầu của lớp về các môn khoa học tự nhiên…
Ám ảnh với bản kiểm điểm
Không chỉ có phụ huynh "bộc lộ" tâm tư của mình, nhiều người là cựu học sinh của ngôi trường danh tiếng này cũng cho biết không muốn nghĩ đến quãng thời gian học ở đây vì nó quá "khủng khiếp". Anh A.K.V một cựu học sinh của trường này tâm sự: "Chính mình là nạn nhân của trường. Không muốn kể nhưng năm lớp 6 thi vào trường, vào được lớp chọn A1 và điểm số cao top của lớp. Niềm vui của mình chưa được bao lâu thì sốc thật sự. Đi học thì nặng nề, ở lớp thì buồn chán. Mà cũng không hiểu lý do gì một học sinh giỏi, điểm cao và thấy mình cũng ngoan mà tuần 7 ngày, 3 ngày thiếu bài. Có lẽ lúc đó mình quá bé và mất tập trung. Vậy là cứ mỗi lần như vậy, cô chủ nhiệm lại bảo mẹ mình gọi điện và mình viết bản kiểm điểm. Thật sự sợ hãi và ám ảnh tới tận bây giờ"...
tin liên quan
Đừng bắt học sinh tuân theo kỷ luật mà chính mình cũng không làm đượcMới đây, tôi có đọc tâm thư của một phụ huynh khi con phải chịu nhiều áp lực từ môi trường giáo dục của một trường dân lập có tiếng ở Hà Nội. Tôi cũng như nhiều bạn trẻ khác cảm thấy vô cùng “bức bối”.
Chị N.T.L, 27 tuổi, trú ở quận Cầu Giấy, Hà Nội từng học 4 năm tại Trường THCS Lương Thế Vinh chia sẻ, nhiều lần bị căng thẳng, ám ảnh vì những bản kiểm điểm, lời dọa bị đuổi học chỉ vì không sơ vin…
“Tôi phải viết khá nhiều bản kiểm điểm, vì các lỗi như chưa làm đủ bài tập, nói chuyện riêng, đi học muộn… Tuy nhiên không nhiều bằng bạn tôi. Tôi có cảm giác các thầy cô ở ngôi trường này coi ngôi trường là của gia đình mình và áp dụng những biện pháp kỷ luật của riêng thầy cô”, chị N.T.L nhớ lại.
“Tôi đã từng bị đuổi học vì lí do bị cô quản lý bắt được không sơ vin sau giờ học thể dục và đó là tiết cuối, tập xong thì bỏ ra để chuẩn bị về. Tôi cũng nhiều lần phải mời phụ huynh đến trường vì nhiều lỗi khác. Ngày đó chúng tôi còn trẻ con, bị phạt là rất sợ, nhiều lúc căng thẳng, sợ hãi. Tôi nhớ có lần, tôi chỉ trao đổi với cô giáo nhưng nhất quyết bị khép tội “cãi giáo viên” và phải mời phụ huynh lên. Tôi từng bị một giáo viên bịa đặt chuyện gia đình tôi, những tổn thương thầy cô gây ra cho đứa trẻ 14 tuổi tôi không quên.”, chị N.T.L kể.
Chị L. cũng cho hay, cá nhân chị cực kỳ phản đối việc phạt học sinh bằng dọn vệ sinh. “Tôi không chấp nhận cách kỷ luật như vậy. Bây giờ là mấy giờ còn phạt học sinh như vậy, tôi thấy hà khắc và phản cảm”, chị N.T.L nêu ý kiến.
Giáo dục học sinh trước hết phải tôn trọng
Trao đổi về phương pháp giáo dục học sinh nói chung, thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục Hà Nội đồng thời là Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, nơi nổi tiếng vì tiếp nhận mọi học sinh “cá biệt” mà các trường khác không nhận hoặc đuổi ra, cho rằng: “Thứ nhất phải tôn trọng học trò, chấp nhận cả ưu và nhược điểm của chúng. Hai là cho phép học trò lựa chọn những hình thức giáo dục phù hợp. Tiếp đó là không vội vàng kỷ luật học sinh, luôn giải quyết vấn đề một cách khách quan và cuối cùng người thầy phải biết gieo nhu cầu cho học sinh, để chính chúng thấy việc học là cần thiết, học sinh biết giá trị của sự tôn trọng, biết yêu thương hơn”.
Theo thầy Lâm việc giáo dục không thể áp đặt một phương pháp, một biện pháp cứng rắn với tất cả học sinh theo kiểu “quân lệnh như sơn”. Lối giáo dục hà khắc ấy có thể khiến học sinh sợ nhưng tùy từng tính cách mà học sinh sẽ có phản ứng khác nhau, em nào nhút nhát thì sẽ co rúm lại và không dám bộc lộ bản thân nữa; em nào tính cách mạnh thì sẽ tìm cách “bật” lại theo hướng phản ứng tiêu cực…
Tuệ Nguyễn
|
Bình luận (0)