Hiện nay, nhiều phụ nữ tại Ấn Độ trì hoãn việc sinh con vì nhiều lý do như ưu tiên sự nghiệp hoặc không tìm được đối tượng phù hợp. Bên cạnh đó, đại dịch căng thẳng cũng khiến cơ hội hẹn hò và kết hôn của họ giảm đi đáng kể, theo tờ South China Morning Post đưa tin ngày 8.8.
Vì vậy, ngày càng có nhiều phụ nữ - chủ yếu ở độ tuổi 32-38, đã tìm cách đông lạnh trứng - phương pháp điều trị chủ động, giúp bảo quản lượng trứng dự trữ, đảm bảo khả năng mang thai. Phương pháp này cũng là một phản ứng trước áp lực kết hôn và sinh con từ gia đình và xã hội, dù việc có thai mà không có chồng vẫn là điều cấm kỵ tại nước này.
Ở Ấn Độ, đông lạnh trứng chỉ có trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân với tổng chi phí khoảng 200.000 đến 300.000 rupee (khoảng 60 – 90 triệu đồng) bao gồm nhiều lần siêu âm, xét nghiệm máu, kích thích buồng trứng, lấy trứng và đông lạnh trong khoảng 15 năm.
Theo ông Hrishikesh Pai, Giám đốc y tế của Bloom IVF - bệnh viện chuyên thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm với 9 trung tâm trên khắp Ấn Độ, số lượng phụ nữ chọn đông lạnh trứng đã tăng hơn 25% so với thời điểm trước đại dịch.
Cô Surbhi Kumar (37 tuổi), Giám đốc ngân hàng ở thành phố Delhi, tuy không muốn kết hôn hoặc sinh con, nhưng cô đã đông lạnh trứng của mình sau cái chết của 2 người thân vì Covid-19. Cô nói: “Tôi muốn cảm thấy an toàn về khả năng tự sinh con vào lúc nào đó. Tôi không biết khi nào tôi sẽ sử dụng lượng trứng này nhưng tôi cần có kế hoạch dự phòng”.
Theo ông Anoop Gupta, chuyên gia sinh sản tại trụ sở IVF ở thành phố Delhi, đại dịch đã làm thay đổi quan điểm của phụ nữ độc thân về khả năng sinh sản. Ông nói: “Trong thời kỳ tiền Covid-19, một tháng chúng tôi chỉ đông lạnh trứng của hai người. Nhưng bây giờ con số đó đã tăng đến khoảng 6 người”.
Ngoài ra, trứng có thể được lưu trữ trong nhiều năm và sau đó có thể rã đông, thụ tinh và cấy ghép để mang thai bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, tổ chức cũng đang thiết lập một chương trình trí tuệ nhân tạo, phân tích hình ảnh để xác định số lượng trứng có cơ hội phát triển tốt trong phôi thai nhằm giảm thiểu can thiệp.
Bình luận (0)