Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty G.C Food - công ty nổi tiếng với sản phẩm nha đam chế biến ăn liền và xây dựng mô hình nông nghiệp tuần hoàn khá hoàn chỉnh, khẳng định nông nghiệp ngày nay không chỉ chạy theo mục tiêu duy nhất là sản lượng mà phải tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm. Nông nghiệp tuần hoàn giải quyết bài toán đó. Để làm được điều này đòi hỏi doanh nghiệp (DN) phải tạo ra chuỗi quá trình sản xuất gồm nhiều công đoạn, nhiều bước hơn.
"Nếu chỉ có một bước, nguồn phụ phẩm sẽ là phế phẩm và hoàn toàn không có giá trị gì, đôi khi phải tốn chi phí xử lý môi trường. Nhưng nếu là một chuỗi thì nguồn phụ phẩm của khâu này sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào của khâu tiếp theo, từ đó giúp tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường", ông Thứ nhấn mạnh.
Cũng vì thế, bên cạnh chế biến nha đam và thạch dừa, G.C Food còn phát triển chăn nuôi (cừu, bò), trồng nha đam, táo… và nuôi trùn quế để sản xuất phân bón hữu cơ. Nguồn phế phẩm của quá trình sản xuất nha đam được kết hợp với phân chuồng dùng làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón hữu cơ. Nguồn phân bón này trở lại phục vụ cho chính các vườn cây của công ty.
Theo PGS-TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT: Phụ phẩm trong nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng là nguồn tài nguyên rất có giá trị nhưng thời gian qua chúng ta chưa khai thác tốt. Đây là một sự lãng phí lớn.
Cụ thể hơn, TS Trịnh Quang Khương, Viện Lúa ĐBSCL, dẫn chứng hiện nay các chế phẩm sinh học mang lại hiệu quả cao trong việc xử lý rơm rạ. Nếu toàn bộ số rơm rạ sau thu hoạch của cả nước (ước tính 50 triệu tấn) được xử lý sẽ đem lại hơn 3 triệu tấn phân hữu cơ. Khi đó, người nông dân không phải bỏ tiền mua phân hóa học mỗi năm tới 220.000 tấn đạm, 200.000 tấn lân và 480.000 tấn kali. Chưa kể, việc vùi rơm rạ vào đất có tác dụng bảo toàn nguồn dự trữ dinh dưỡng của đất về lâu dài.
TS Nguyễn Văn Hùng, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế, khẳng định: Việc xử lý nguồn rơm rạ trong quá trình sản xuất lúa gạo là một yêu cầu tất yếu trong xu thế "xanh hóa hạt gạo". Điều này nhằm giúp tận dụng tối đa nguồn tài nguyên, tăng thu nhập cho nông dân và tạo thêm giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho hàng hóa VN trên thị trường thế giới. Quan trọng hơn còn giúp giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, hướng đến mục tiêu đưa phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của VN.
Thực tế thời gian qua, doanh thu từ phụ phẩm trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp gây "choáng" cho nhiều người. Đơn cử như viên nén gỗ, được cấu thành chủ yếu từ gỗ nhỏ, cành ngọn, đầu mẩu gỗ vụn...
Đây những phụ phẩm từ các xưởng xẻ gỗ, ván bóc, xưởng dăm nhưng mang lại doanh thu gần tỉ USD trong năm 2022. Tương tự, đầu tôm, da cá..., những phụ phẩm ngỡ tưởng chỉ bỏ đi nhưng được DN ứng dụng công nghệ cao vào chế biến lại có thể thu về 4 - 5 tỉ USD. Rất ít người biết rằng những "đồ bỏ" này lại có thể là nguyên liệu đầu vào của ngành công nghiệp... làm đẹp.
"Nhà nước cần phát triển các chính sách phù hợp để hỗ trợ DN tận dụng tốt hơn các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu của sự phát triển", TS Bùi Bá Bổng nhấn mạnh.
Ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch VCCI, khuyến cáo người tiêu dùng ngày nay không chỉ cần sản phẩm chất lượng và giá rẻ mà phải đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội. Xu hướng phát triển xanh, bền vững là yêu cầu bắt buộc.
Tuy nhiên, theo ước tính của Tổng cục Thống kê, tổng lượng phụ phẩm trong nông nghiệp của VN hằng năm là gần 160 triệu tấn; trong đó có đến 90 triệu tấn từ ngành trồng trọt và quá trình chế biến nông sản. Phần lớn nguồn phụ, phế phẩm này vẫn chưa được tận dụng tốt. Như đã đề cập, nếu khai thác tốt sẽ không chỉ mang lại nguồn lợi khổng lồ mà còn giúp bảo vệ môi trường, chuyển dịch sang nông nghiệp xanh - xu hướng tất yếu của tiêu dùng trên thế giới
Bình luận (0)