* Một cán bộ Thanh tra Chính phủ bị công an tạm giữ vì tình nghi lừa đảo
Ngày 23.7, Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức họp báo thông báo công tác thanh tra trong quý 2.
Trả lời câu hỏi của báo chí về kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) nêu rất nhiều sai phạm, nhưng vì sao không chuyển sang cơ quan công an để điều tra, ông Ngô Văn Khánh, Phó tổng TTCP, cho biết: “Chúng tôi khẳng định có việc HUD làm trái, buông lỏng quản lý kinh doanh bất động sản cho các đơn vị thành viên với quy mô rất lớn. Chúng tôi làm việc với Bộ Xây dựng nhiều lần, làm việc với cơ quan tố tụng 2 lần về các sai phạm của HUD. Tuy nhiên, để thực hiện theo quy định của thông tư hướng dẫn về việc chuyển vụ việc sang cơ quan tố tụng phải có đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Chúng tôi chưa đánh giá được hết thiệt hại của HUD khi làm việc với cơ quan tố tụng nên chưa thể tiến hành chuyển hồ sơ được”.
|
|
Trả lời báo chí hôm qua, đại diện TTCP xác nhận, ông Nguyễn Tiến Dũng (35 tuổi), ngụ ở P.Trung Liệt, Q.Đống Đa, là cán bộ Phòng Tổng hợp, Cục I thuộc TTCP đã bị Công an TP.Hà Nội bắt giữ từ ngày 7.7 tại một quán cà phê thuộc Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội vì tình nghi liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nguồn tin PV Thanh Niên cho biết ông Dũng và một người khác bị bắt giữ khi đang nhận 100 triệu đồng từ một người dân.
"Qua nắm bắt thông tin ban đầu, chúng tôi nắm được, ông Dũng bị bắt hoàn toàn không liên quan đến hoạt động công vụ. Tuy nhiên sau khi nhận được thông tin từ cơ quan điều tra, TTCP đã ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác", ông Ngô Văn Khánh cho biết.
|
|
|
Kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng vốn tại HUD do TTCP công bố trước đó khẳng định doanh nghiệp nhà nước này đang trong tình trạng bi đát. Các khoản nợ phải trả hơn 6.600 tỉ đồng, khả năng thanh toán nợ khó khăn do mất cân đối dòng tiền, tồn kho nhiều (hơn 4.300 tỉ đồng) thanh khoản chậm; nợ công trình hạ tầng chưa xây dựng và quá hạn bàn giao cho địa phương khối lượng lớn, trị giá hơn 4.500 tỉ đồng; hạch toán kinh doanh không chính xác, ghi nhận thiếu chi phí trước và chi phí dự phòng hơn 1.200 tỉ đồng dẫn đến phản ánh kết quả kinh doanh sai lệch.
Phối hợp phía Singapore thu hồi tài sản Giang Kim Đạt
Theo ông Ngô Văn Khánh, khi cơ quan này tiến hành thanh tra tại Tập đoàn công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) vào năm 2010 thì Giang Kim Đạt, nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH MTV vận tải viễn dương thuộc Tập đoàn Vinashin (Vinashinlines) đã bỏ trốn ra nước ngoài. Tuy nhiên, việc Giang Kim Đạt mang hàng triệu USD ra nước ngoài đòi hỏi cơ quan thanh tra phải quan tâm nghiên cứu, xây dựng quy định và phối hợp với cộng đồng quốc tế để bắt giữ các đối tượng tham nhũng, đặc biệt là ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản tham nhũng ra nước ngoài.
Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng, cho biết vừa qua, TTCP đã có buổi làm việc với cơ quan chống tham nhũng của Singapore về trường hợp Giang Kim Đạt. “Hai cơ quan sẽ tích cực hỗ trợ, giúp đỡ về nội dung này, nhưng hiện nay vụ việc đang trong quá trình điều tra nên phải trông chờ vào cơ quan tố tụng kết luận rồi mới tiến tới bước thu hồi tài sản theo quy định được”, ông Hùng nói và cho biết việc thu hồi tài sản của Giang Kim Đạt ở Singapore cần có cơ chế tương trợ tư pháp, phải có hiệp định ký với Singapore thì mới thu hồi thuận lợi hơn. Hiện nay, VN và Singapore đều đã ký tham gia Công ước về chống tham nhũng của LHQ nên sẽ có nhiều thuận lợi.
Trước đó, ngày 7.7, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã bắt được Giang Kim Đạt sau gần 5 năm truy nã. Bước đầu cơ quan công an xác định, Đạt đã tham ô hơn 18,6 triệu USD thông qua các thương vụ mua, cho thuê tàu biển. Số tiền này đã được các công ty đối tác chuyển vào tài khoản người thân của Đạt tại các ngân hàng trong nước. Sau đó, người thân của Đạt đã dùng tiền này mua hàng chục bất động sản trong nước, bản thân Đạt đã dùng một phần tiền này mua 2 căn hộ tại Singapore, sau đó bán 1 căn. Một trong những căn hộ của Đạt tại nước này có giá lên tới 3,6 triệu USD.
18 người đứng đầu bị xử lý vì tham nhũng
TTCP cho biết trong 6 tháng đầu năm 2015 đã có 18 người đứng đầu bị xử lý vì tham nhũng. Trong đó, ông Ngô Mạnh Hùng cho biết lực lượng công an có 15 trường hợp, 3 địa phương Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Thanh Hóa cùng có 1 trường hợp. “Những người đứng đầu này ở các cấp khác nhau. Ở Quảng Ngãi, Khánh Hòa là cấp xã, Thanh Hóa là một đơn vị công lập; trong khi ngành công an có cả cán bộ công an tỉnh, cấp đội, cấp phòng”, ông Hùng nói.
Trường hợp ông Nguyễn Xuân Sơn có giống Dương Chí Dũng?
Tại cuộc họp báo, PV cũng đặt câu hỏi trường hợp ông Nguyễn Xuân Sơn có giống Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Tổng công ty hàng hải VN (Vinalines) mắc nhiều sai phạm mà TTCP đã chỉ ra, nhưng vẫn được bổ nhiệm giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải từng gây bức xúc trong dư luận? Ông Ngô Văn Khánh cho biết việc thanh tra tại Tập đoàn dầu khí VN (PVN) đã được TTCP thực hiện từ thời điểm 2010, đến năm 2012 đã công bố và đến nay vẫn đang thực hiện đôn đốc giải quyết sau thanh tra. “Đối với việc bổ nhiệm, chúng tôi chắc chắn không thể trả lời cụ thể về những trường hợp này, nhưng với chức năng cụ thể trong ngành thanh tra, chúng tôi thường xuyên được tham khảo, hỏi ý kiến về việc có phát hiện sai phạm, đơn thư tố cáo gì không. Nếu tổ chức nào đó có người đề bạt, mà người đề bạt cần được hỏi liên quan đến sai phạm phát hiện trong hoạt động thanh tra, đơn thư tố cáo thì chúng tôi thực hiện đầy đủ, rõ ràng. Và không phải lúc nào chúng ta cũng phát hiện đầy đủ về những đối tượng trước khi bổ nhiệm”, ông Khánh nói.
Trước đó, ngày 22.7, PVN đã có thông cáo báo chí về việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam đối với ông Sơn. Trong đó, PVN cho rằng ông Sơn bị bắt vì vi phạm pháp luật trong giai đoạn 2008 - 2010, thời điểm đang là Tổng giám đốc Ngân hàng Ocean.
|
Bình luận (0)