Nhiều sai phạm tại các dự án 'đất vàng' ở Hà Nội

27/07/2021 05:58 GMT+7

Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra 38 dự án ở vị trí 'đất vàng' tại Hà Nội thì có tới 20 dự án vi phạm về trật tự xây dựng, nhiều dự án khác phải điều chỉnh cục bộ nhiều lần...

Ngày 26.7, Phó tổng thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm đã ký ban hành thông báo kết luận thanh tra một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay; việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại Hà Nội (giai đoạn 2003 - 2016).

Liên doanh, liên kết gây thất thoát ngân sách

Theo Thanh tra Chính phủ (TTCP), trong giai đoạn 2003 - 2016, thực hiện Quyết định 86/2010 của Thủ tướng về việc di dời nhà máy trong nội thành phục vụ quy hoạch đô thị, các doanh nghiệp có quyền sử dụng đất cũ phải di dời được phép hợp tác đầu tư với nhà đầu tư khác để thực hiện dự án. Tuy nhiên, UBND TP.Hà Nội không có văn bản hướng dẫn và quy định cụ thể, nên các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khi đưa vị trí đất vào hợp tác liên doanh thành lập pháp nhân mới làm chủ đầu tư để thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất đầu tư dự án kinh doanh, xác định giá trị lợi thế thương mại chưa sát với thị trường.
Kết luận thanh tra cho thấy nhiều doanh nghiệp không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư (tự thỏa thuận theo hình thức hỗ trợ) thu được thấp như: dự án số 1 Phùng Chí Kiên; dự án tại 365A Minh Khai; dự án 167 Thụy Khuê; dự án 69 Vũ Trọng Phụng; dự án 47 Nguyễn Tuân…
Theo TTCP, việc pháp luật không có quy định xác định lợi thế thương mại đối với giá trị quyền sử dụng đất cũng như việc đấu giá khi lựa chọn nhà đầu tư liên doanh, liên kết để chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án, đây là một trong những sơ hở chính sách gây thất thoát ngân sách nhà nước trong quá trình chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện dự án đất ở những vị trí đắc địa.

Ai phá vỡ quy hoạch?

Theo kết luận thanh tra, năm 2011, sau khi Thủ tướng có Quyết định 1259 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, UBND TP.Hà Nội đã tổ chức lập 68 đồ án, bao gồm:
35 đồ án quy hoạch phân khu và 33 đồ án quy hoạch chung. Tuy nhiên, việc triển khai đồ án quy hoạch phân khu quá chậm đã làm ảnh hưởng đến công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị, phá vỡ quy hoạch, gây quá tải cho mạng lưới giao thông và hạ tầng ở một số khu đô thị.
TTCP đã kiểm tra 38 dự án ở vị trí đắc địa thì có tới 20 dự án vi phạm về trật tự xây dựng, nhiều dự án khác phải điều chỉnh cục bộ nhiều lần. Trong đó, Sở QH-KT Hà Nội chấp thuận điều chỉnh tổng mặt bằng và phương án kiến trúc đối với dự án Phát triển nhà Phong Phú - Daewon Thủ Đức tại 378 Minh Khai, không phù hợp với quy hoạch phân khu, làm giảm diện tích đất cây xanh khu đất từ 7.600 m2 xuống còn 2.573,7 m2; tại dự án Tổ hợp khách sạn, thương mại, văn phòng và nhà ở thấp tầng tại 107 Xuân La (Q.Bắc Từ Liêm), TTCP còn phát hiện Bộ Xây dựng từng có văn bản hướng dẫn chủ đầu tư Công ty cổ phần đầu tư An Lộc thuộc đối tượng miễn giấy phép xây dựng đối với khu nhà ở thấp tầng, trái quy định pháp luật.
TTCP còn phát hiện tại dự án nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ, công cộng - Sakura Tower tại 47 Vũ Trọng Phụng (Q.Thanh Xuân) được khởi công trước khi được UBND TP.Hà Nội chuyển mục đích sử dụng đất; trước khi cấp giấy phép xây dựng. Dự án này xây dựng công trình 28 tầng vượt 2 tầng căn hộ ở so với phương án kiến trúc và hồ sơ xin phép xây dựng; xây dựng 2 tầng kỹ thuật không đúng quy hoạch được phê duyệt và đã tự ý chuyển đổi công năng: tầng kỹ thuật giữa tầng 2 và tầng 3 cao 4,5 m, hiện cho thuê làm văn phòng; tầng kỹ thuật giữa tầng 11 và tầng 12 cao 3 m, hiện đã chia phòng thành 14 căn hộ ở đã bán cho khách hàng; xây dựng 78 căn hộ không đúng hồ sơ cấp phép, dẫn đến người mua nhà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, gây bức xúc, ảnh hưởng đến quyền lợi người mua nhà.
TTCP còn phát hiện Sở Xây dựng cấp phép xây dựng theo phương án kiến trúc cho 10 dự án có thêm các tầng kỹ thuật không đúng với quy hoạch đã được phê duyệt. “Trên thực tế, một số chủ đầu tư dự án không sử dụng vào công năng kỹ thuật mà chủ yếu xây dựng để sử dụng vào mục đích kinh doanh làm văn phòng, dịch vụ thương mại và dịch vụ công cộng cho thuê nhưng chưa được UBND TP.Hà Nội và các cơ quan chức năng xác định giá thu tiền sử dụng đất, dẫn đến nhiều chủ đầu tư được hưởng lợi vì không phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, gây thất thu ngân sách nhà nước”, kết luận cho biết.
Theo TTCP, tổng số tiền sai phạm được phát hiện qua thanh tra là 3.974 tỉ đồng, trong đó riêng khoản tiền các chủ đầu tư dự án nợ đọng là gần 2.000 tỉ đồng.
Ngoài việc xử lý về kinh tế, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng tổ chức kiểm điểm trách nhiệm trong việc hướng dẫn và thẩm định một số dự án; giao UBND TP.Hà Nội tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ, đồng thời chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, tham mưu, đề xuất, thiếu kiểm tra, đôn đốc, chậm phát hiện xử lý các sai phạm trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo kết luận thanh tra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.