Hàng hóa dồi dào, nhiều khuyến mại
Từ cuối tuần qua, các siêu thị tại Hà Nội bắt đầu nườm nượm khách hàng đến mua sắm. Rút kinh nghiệm từ những mùa trước, các siêu thị đã chuẩn bị kế hoạch tết từ rất sớm nên hàng hóa phong phú, dồi dào, không xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa hay cảnh xếp hàng dài chờ thanh toán.
Bà Nguyễn Ngọc Dung, Giám đốc vận hành Hệ thống siêu thị Vinmart miền Bắc, cho biết năm nay Vinmart chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ tết trị giá khoảng 1.800 tỉ đồng và cam kết đến ngày 30 tết vẫn đủ lượng hàng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Ngoài các mặt hàng thường xuyên bán tại siêu thị, Vinmart bổ sung thêm nhiều mặt hàng thời vụ tết như bánh kẹo, ô mai, mứt tết, các loại đặc sản, giỏ hàng… với lượng cung dồi dào. Chương trình “Sắm tết đủ đầy, vui vầy ấm áp” với nhiều mặt hàng giảm giá lên đến 50%.
|
Ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long, cho hay tổng lượng hàng hóa phục vụ tết Nguyên đán tăng 30% so với năm 2019. Hầu hết các mặt hàng bán tại siêu thị trong dịp tết không có biến động về giá, do siêu thị đã làm việc với các nhà cung cấp từ rất sớm để đảm bảo nguồn cung dồi dào. Cùng với các chương trình khuyến mại, trong 40 ngày trước tết, siêu thị triển khai chương trình “khóa giá” đối với hơn 10.000 sản phẩm hàng tiêu dùng.
Trong dịp tết Canh Tý, siêu thị này đã mở rộng diện tích trưng bày các đặc sản vùng, miền đến từ các địa phương trên cả nước. Big cũng ưu tiên các mặt hàng “made in Việt Nam” có mức giá phù hợp với người tiêu dùng, trong đó các loại bánh kẹo đóng hộp phục vụ tết của các thương hiệu nổi tiếng trong nước như Kinh Đô, Trung Nguyên, Vinamit, Bibica, Hải Hà, Vinabico… chiếm hơn 95%.
Phó tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Tiến Vượng cho biết, tổng lượng hàng hóa đưa ra thị trường của Hapro dịp tết ước đạt 768 tỉ đồng. Trong đó, lượng hàng hóa các đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trong dịp tết khoảng 250 tỉ đồng.
Nhằm đem lại tiện ích cho khách hàng, các siêu thị và cửa hàng của Hapro còn mở các quầy phục vụ sơ chế mâm cỗ tết, chuẩn bị mâm ngũ quả, cỗ cúng… với nhiều mức giá khác nhau.
Kéo dài thời gian phục vụ khách hàng
Theo các siêu thị, cao điểm của mùa mua sắm tết bắt đầu từ hôm nay 26 đến 29 tháng Chạp (20 - 23.1). Từ hôm nay, các siêu thị đã bắt đầu đầu tăng cường nhân lực, kéo dài thời gian phục vụ khách mua sắm. Tuy nhiên, nếu như các năm trước, các siêu thị mở cửa đến 24 giờ, thậm chí có một số siêu thị mở cửa xuyên tết phục vụ khách hàng, thì năm nay không có siêu thị nào mở cửa xuyên tết.
Đại diện Vinmart cho biết, hệ thống 45 siêu thị Vinmart tại Hà Nội sẽ mở cửa phục vụ từ 9 giờ 30 đến 22 giờ hàng ngày. Một số siêu thị lớn ở các khu chung cư sẽ mở sớm hơn: từ 7 giờ 30 sáng. Các cửa hàng tiện ích mở cửa từ 6 giờ đến 23 giờ. Tất cả các siêu thị và cửa hàng tiện ích đều đóng cửa từ 12 giờ trưa 30 tết (24.1), sau đó sẽ mở cửa trở lại vào 9 giờ 30 ngày mùng 4 tết (28.1) để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Vinmart cũng bố trí thêm 20 - 30% quầy thanh toán và thu ngân di động.
|
Tương tự, tại các siêu thị của Big C cũng sẽ kéo dài thời gian mở cửa bán hàng: từ 23 đến 29 tết mở cửa từ 7 giờ đến 23 giờ. Riêng ngày 30 tết, các siêu thị sẽ mở cửa từ 6 giờ sáng đến 14 giờ chiều. Ngày khai trương siêu thị mở cửa từ 10 giờ mùng 2 tết (26.1).
Từ 27 tết, các siêu thị Lotte cũng mở cửa sớm hơn 30 phút so với ngày thường (từ 7 giờ 30 phút) phục vụ khách hàng và sẽ đóng cửa nghỉ tết vào 12 giờ trưa 30 tết. Siêu thị mở cửa lại vào 12 giờ ngày 2 tết.
So với các hệ thống siêu thị khác, hệ thống siêu thị Aeon đóng cửa muộn nhất nhưng mở lại sớm nhất. Từ 30 tết, trung tâm thương mại đóng cửa lúc 6 giờ chiều, còn siêu thị đóng cửa đến 20 giờ tối. Từ 12 giờ trưa mùng 1 tết siêu thị và trung tâm thương mại mở cửa trở lại đến 9 giờ tối. Từ mùng 2 đến mùng 5 tết mở cửa từ 9 giờ sáng đến 10 giờ tối.
Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, xu hướng người dân chuyển sang mua sắm qua kênh thương mại điện tử ngày càng tăng, sức mua tại các siêu thị cũng không lớn như các năm trước. Trong khi người dân vẫn có tâm lý sắm tết sớm, tích trữ hàng hóa ăn tết nên hầu như không có ai mua sắm trong ngày đầu tiên của năm mới.
Do đó, việc rút ngắn thời gian bán hàng và mở cửa muộn hơn so với các năm trước cũng là cách tiết kiệm chi phí điện, nước, lương cho nhân viên.
Bình luận (0)