Nhiều sinh viên hỏi: ‘Tại sao lại phải tải app Sinh viên Việt Nam?’

31/08/2023 01:40 GMT+7

Đó là ý kiến của Thủ lĩnh sinh viên toàn quốc năm 2022 nêu ra tại Hội nghị lấy ý kiến sinh viên tiêu biểu các thời kỳ, đóng góp dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam.

Chiều 30.8, T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến sinh viên tiêu biểu các thời kỳ đóng góp dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028. 

Hội nghị với sự chủ trì của chị Hồ Hồng Nguyên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Thanh niên trường học T.Ư Đoàn, Phó chủ tịch thường trực T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam; anh Nguyễn Bá Cát, Phó chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam.

Nhiều sinh viên hỏi ‘Tại sao lại phải tải APP Sinh viên Việt Nam?’ - Ảnh 1.

Chị Hồ Hồng Nguyên và anh Nguyễn Bá Cát chủ trì hội nghị

BẢO ANH

Cần có dữ liệu mở về kỹ năng mềm cho sinh viên

Chia sẻ tại hội nghị, bạn Nguyễn Thị Châu Anh (Thủ lĩnh sinh viên toàn quốc năm 2022), cho biết nhiều sinh viên đặt câu hỏi: "Tại sao lại phải tải app Sinh viên Việt Nam để làm việc", bởi hiện nay có rất nhiều app, nên các bạn không muốn tải thêm, mà muốn tích hợp trên một ứng dụng tiện ích hơn, như dịch vụ công, hoặc dẫn về web.

Theo bạn Châu Anh, việc sử dụng app Sinh viên Việt Nam là thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác Hội, sẽ giúp cho việc quản lý sinh viên tốt hơn và có được dữ liệu chính xác đầy đủ hơn. 

Tuy nhiên, tổ chức Hội cần tuyên truyền về lợi ích và các tính năng vượt trội của app. Đồng thời, phải nói rõ lộ trình sử dụng như thế nào, hiện đang ở giai đoạn nào với những tiện ích trong tương lai ra sao, để các sinh viên có động lực sử dụng.

Nhiều sinh viên hỏi ‘Tại sao lại phải tải APP Sinh viên Việt Nam?’ - Ảnh 2.

Các sinh viên tiêu biểu tham gia hội nghị

BẢO ANH

Một số sinh viên khác cũng băn khoăn về việc phải sử dụng app Sinh viên Việt Nam. Trả lời kiến nghị này, anh Nguyễn Bá Cát cho biết, nhiệm kỳ đại hội tới sẽ được lựa chọn chủ đề là Sinh viên tiên phong chuyển đổi số, ứng dụng Sinh viên Việt Nam chính là cốt lõi để thực hiện các hoạt động sinh viên.

“Ở đó, các bạn có thể tương tác, việc xét chọn danh hiệu Sinh viên 5 tốt sẽ được thực hiện trực tuyến trên ứng dụng; các cuộc thi, sân chơi trực tuyến cũng được tổ chức trên app; hồ sơ xét chọn học bổng sinh viên cũng sẽ tổ chức ở đây...”, anh Cát chia sẻ.

Cũng tại kiến nghị của mình, bạn Châu Anh cho biết, hiện nay việc đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên là rất quan trọng. Nếu như trước đây, học một kỹ năng có thể sử dụng 20 - 30 năm, nhưng bây giờ trong thời kỳ 4.0, một kỹ năng mới học được thì 6 tháng sau có khi chỉ còn một nửa giá trị.

“Việc thực hành kỹ năng mềm quan trọng hơn kỹ năng chuyên môn. Đây là không gian để Hội Sinh viên phát huy được khả năng của mình. Hội cần có dữ liệu mở về kỹ năng mềm cho sinh viên. Nếu có một học viện mở cho sinh viên cung cấp những kỹ năng mềm một cách bài bản thì các bạn không phải tự tìm tòi, mò mẫm”, bạn Châu Anh đề xuất.

Có nên khởi nghiệp khi đang ngồi trên ghế nhà trường?

Nêu ý kiến tại hội nghị, bạn Võ Lâm Phúc (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng sinh viên muốn đạt tiêu chí về tình nguyện phải có chứng nhận của cơ quan các cấp trong khi hoạt động tình nguyện rất đa dạng.

“Hiện có nhiều sinh viên tham gia các hoạt động tình nguyện do các tổ chức quốc tế hoặc tổ chức phi chính phủ triển khai. Tình nguyện là tinh thần cống hiến phục vụ cộng đồng. Vậy chứng nhận hoạt động tình nguyện của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ có được công nhận không? Nếu chỉ để các cơ quan cấp huyện trở lên công nhận thì rất hạn chế”, bạn Phúc nêu kiến nghị.

Nhiều sinh viên hỏi ‘Tại sao lại phải tải APP Sinh viên Việt Nam?’ - Ảnh 3.

Sinh viên tiêu biểu các thời kỳ đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam

BẢO ANH

Một đại biểu cũng nêu băn khoăn về việc sinh viên có nên khởi nghiệp khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bởi khởi nghiệp không chỉ cần vốn, mà còn cần nhân lực duy trì, vận hành. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc học. Nên Hội Sinh viên chỉ cần đặt mục tiêu hỗ trợ cung cấp kiến thức liên quan khởi nghiệp, thay vì hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.

Chia sẻ về ý kiến này, anh Nguyễn Bá Cát cho biết, việc khởi nghiệp của sinh viên là một thực tế. “Hội có đồng hành hay không thì sinh viên vẫn khởi nghiệp. Có nhiều sinh viên khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công, nên cần sự đồng hành. Trong 5 đề án của nhiệm kỳ tới, có đề án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, trong đó sẽ cung cấp kiến thức kỹ năng cho sinh viên”, anh Cát cho biết.

Tại buổi góp ý, các sinh viên còn cho ý kiến về các mục tiêu, chỉ tiêu của nhiệm kỳ và các chương trình hỗ trợ sinh viên. Trao đổi về các góp ý này, chị Hồ Hồng Nguyên cho biết, T.Ư Hội Sinh viên sẽ nghiên cứu tiếp thu những kiến nghị phù hợp, để đưa vào Báo cáo chính trị trong Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.