Quá nhiều lỗi
Ông Phan Văn Trị ở KP.6, P.Phú Đông, TP.Tuy Hòa được Ngân hàng BIDV cho vay gần 18 tỉ đồng để đóng tàu cá vỏ thép (theo Nghị định 67 của Chính phủ). Ông Trị đã ký hợp đồng đóng tàu với liên danh Công ty CP đầu tư phát triển thủy sản Đông Á (gọi tắt là Đông Á) và Công ty TNHH MTV đóng tàu Phà Rừng (gọi tắt là Phà Rừng) với thiết kế tàu lưới chụp. Tháng 9.2016, tàu được đưa về bàn giao cho ông Trị tại cảng cá Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam, H.Đông Hòa, Phú Yên.
Ngày 26.2.2017, tàu cá của ông Trị đi biển chuyến thứ ba thì xảy ra sự cố gãy cây sào chụp lưới trước mũi, làm thiệt lại 71 bóng đèn nên phải đưa vào bờ sửa chữa. Ông Trị bức xúc: “Trong thiết kế, thép tròn dùng làm cây sào chụp phải dày từ 8 - 9 mm nhưng khi xảy ra sự cố, tui kiểm tra lại độ dày thì chỉ có 4,7 mm. Trong thiết kế, cây sào chụp này phải chịu lực nặng của lưới và cá, nhưng hôm đó chỉ kéo lưới không thì nó đã bị gãy”. Đến ngày 16.3.2017, tàu cá của ông Trị tiếp tục ra khơi chuyến thứ tư thì bị sự cố ở cần cẩu, đập vào mặt làm ông Trị bị hỏng mắt phải. Vì liên tục gặp sự cố nên tính chung 4 chuyến biển, tàu cá của ông Trị lỗ gần 600 triệu đồng.
|
Đáng lưu ý, theo phản ánh của ông Trị, trong quá trình đóng tàu, đơn vị đóng tàu thường viện cớ máy móc, chi tiết không có trên thị trường nên đề nghị thay thế loại khác ngoài thiết kế. Điển hình, 3 máy phát điện trên tàu cá của ông theo thiết kế có xuất xứ Hàn Quốc, mỗi máy trị giá gần 900 triệu đồng, nhưng do Công ty Đông Á báo hết hàng nên thay máy phát điện khác không rõ xuất xứ và giá thành. Cũng chính vì thay đổi này nên khi hoạt động thì máy phát điện chỉ chạy vài giờ lại ngừng hoạt động. Kho lạnh trên tàu cũng không hoạt động tốt. Ông Trị ngao ngán: “Kho lạnh phải chia ra từng khay để đưa cá vào, hơi lạnh tỏa ra, nhưng đằng này kho lạnh để trống nên chẳng thể nào đưa cá vào làm lạnh được. Riêng máy móc, kho lạnh trong thiết kế dự toán là hơn 1 tỉ đồng. Thật lãng phí”.
Tàu cá vỏ thép của ông Đỗ Ngọc Tín (ở thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam, Phú Yên), do liên danh Công ty Đông Á và Công ty Phà Rừng đóng, cũng gặp nhiều lỗi và bất cập. Tàu được bàn giao ngày 12.1.2017, đến nay ông Tín đã đánh bắt 2 chuyến nhưng đều lỗ vì trọng tải tàu không đảm bảo theo thiết kế. Ông Tín cho biết Ngân hàng BIDV cho vay hơn 19 tỉ đồng, trong quá trình đóng do các chi tiết trong thiết kế không phù hợp nên ông yêu cầu thay đổi, phải bỏ tiền túi chi thêm hơn 500 triệu đồng cho phù hợp, vì thế chi phí đội lên hơn 20 tỉ đồng. “Vậy mà khi tàu ra khơi đánh bắt vẫn bị sự cố ở tời kéo nên phải về thay đổi lại, chi phí gần 60 triệu đồng. Nhưng hiện tại tôi lo lắng nhất là trọng tải của tàu. Theo thiết kế, tàu chở được hơn 120 tấn nhưng chỉ mới hơn 50 tấn thì tàu đã chìm vượt mực nước đăng kiểm tải trọng. Tàu lắc lư khi sóng chỉ cấp 5 - 6, không tài nào đánh bắt được. Vì hạn chế như vậy nên chuyến biển chỉ đi được hơn 1 tuần là phải vào bờ, chỉ đủ chi phí chuyến biển”, ông Tín than thở.
Bảo hiểm từ chối bồi thường
Tàu cá của ông Trị mua bảo hiểm tại Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, trừ ngư lưới cụ, trị giá 18 tỉ đồng. Sau khi tàu bị sự cố, ông Trị làm đơn yêu cầu chi trả bồi thường bảo hiểm, nhưng Bảo Minh Phú Yên cho rằng sào chụp lưới trước mũi tàu thuộc mục ngư lưới cụ và mục này khách hàng không mua bảo hiểm nên không chi trả bồi thường.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Nhạn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên, khẳng định: “Cây sào chụp là thiết bị trên mặt boong, chứ không phải là thiết bị ngư lưới cụ”. Theo ông Nhạn, việc giám sát kỹ thuật các tàu cá vỏ thép thuộc thẩm quyền của Trung tâm đăng kiểm tàu cá thuộc Tổng cục Thủy sản.
Trả lời Thanh Niên chiều 10.5, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, cho biết đã tiếp nhận thông tin phản ánh của ngư dân về chất lượng kém của tàu vỏ thép. “Sở đã chỉ đạo cán bộ xuống tìm hiểu để bàn giải pháp giúp đỡ bà con ngư dân”, ông Tùng nói.
Bình luận (0)