Nhiều thay đổi về chấm thi THPT quốc gia

12/02/2019 08:39 GMT+7

Sau những sai phạm nghiêm trọng trong chấm thi THPT quốc gia năm ngoái ở một số địa phương, Bộ GD-ĐT dự kiến sửa quy chế thi, giao vai trò chủ trì chấm thi trắc nghiệm cho các trường ĐH thay vì các sở GD-ĐT như quy chế hiện hành.

Bộ GD-ĐT mới công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi để lấy ý kiến góp ý (đến hết ngày 31.3) với không ít thay đổi quan trọng tập trung nhiều vào khâu coi và chấm thi.

Không bố trí thí sinh tự do ngồi riêng

Kỳ thi năm 2018 xảy ra sai phạm nghiêm trọng, trong đó có một số hội đồng thi dành riêng cho thí sinh (TS) tự do. Chính vì vậy, một trong những điều chỉnh của dự thảo quy chế thi là TS tự do, TS giáo dục thường xuyên được bố trí dự thi tại một số điểm thi cùng với TS giáo dục THPT là học sinh lớp 12 trong năm tổ chức thi và do giám đốc sở GD-ĐT quyết định.
Tại các điểm thi đó, việc lập danh sách để sắp xếp phòng thi (không phân biệt TS tự do, giáo dục thường xuyên…) được thực hiện theo quy định.

Camera an ninh giám sát chấm thi

Điểm thi chiếm 70% tổng điểm xét tốt nghiệp
Thay vì điểm thi và điểm xét học bạ lớp 12 đều chiếm trọng số 50 - 50 như các năm gần đây, dự kiến từ năm 2019, tổng điểm các bài thi sẽ chiếm tỷ lệ 70% trong tổng số điểm xét tốt nghiệp, 30% còn lại là điểm trung bình cả năm lớp 12 cộng với điểm ưu tiên (nếu có).
Về bảo quản, sử dụng đề thi và bảo quản bài thi tại điểm thi, theo dự thảo, đề thi và bài thi phải được bảo quản trong các tủ riêng biệt. Tủ đựng đề thi, tủ đựng bài thi phải đảm bảo chắc chắn, được khóa và niêm phong (nhãn niêm phong phải có đủ chữ ký của trưởng điểm và phó trưởng điểm là người của trường ĐH, CĐ phối hợp), chìa khóa do trưởng điểm thi giữ.
Khi mở niêm phong, phải có chứng kiến của công an và những người ký nhãn niêm phong đồng thời, lập biên bản ghi rõ thời gian mở, lý do mở, tình trạng niêm phong, biên bản phải có đủ họ và tên, chữ ký của trường điểm thi và những người chứng kiến.
Khu vực bảo quản đề thi, bài thi của TS có lực lượng công an trực và bảo vệ 24 giờ/ngày, đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ.
Phòng bảo quản đề thi, bài thi phải đảm bảo an toàn, chắc chắn; có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày, thời gian tối thiểu lưu dữ liệu của camera thực hiện theo văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế này. Có ít nhất 1 công an trực, bảo vệ 24 giờ/ngày và 1 cán bộ làm nhiệm vụ tại điểm thi của trường ĐH, CĐ (phó trưởng điểm thi hoặc thư ký) thường trực đêm tại phòng trong thời gian đề thi, bài thi được lưu tại điểm thi.
Phòng chứa bài thi, tủ, thùng hoặc các vật dụng đựng bài thi phải an toàn, chắc chắn, phải được khóa và niêm phong, trên nhãn niêm phong phải có đủ chữ ký của người giữ chìa khóa và thanh tra. Chìa khóa của tủ, thùng hoặc các vật dụng đựng bài thi do một cán bộ thư ký làm nhiệm vụ tại ban chấm thi (trắc nghiệm, tự luận) giữ, chìa khóa cửa phòng chứa bài thi do trưởng ban chấm thi (trắc nghiệm, tự luận) giữ; khi đóng, mở phải có sự chứng kiến của công an và thanh tra.
Phòng chứa bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm, tự luận phải có các thiết bị phòng chống cháy, nổ; có camera an ninh giám sát, ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày, thời gian tối thiểu lưu dữ liệu của camera thực hiện theo văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế này; có công an bảo vệ, giám sát 24 giờ/ngày.

Trưởng ban chấm thi trắc nghiệm là lãnh đạo trường ĐH

Đối với chấm bài thi trắc nghiệm, Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm tại các hội đồng thi. Sở GD-ĐT địa phương chịu trách nhiệm chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, tài chính; hệ thống máy tính, máy quét ảnh và các thiết bị phụ trợ đáp ứng các yêu cầu theo hướng dẫn hằng năm của Bộ, phối hợp với lực lượng công an, bảo vệ đảm bảo an ninh, an toàn cho việc chấm thi trắc nghiệm.
Trưởng ban chấm thi trắc nghiệm là lãnh đạo trường ĐH đảm nhiệm. Trưởng ban điều hành công tác chấm thi trắc nghiệm và chịu trách nhiệm trước trưởng ban chỉ đạo thi về thời gian, quy trình và chất lượng chấm thi.
Tổ trưởng tổ chấm bài thi trắc nghiệm là phó trưởng ban chấm thi trắc nghiệm thường trực đảm nhiệm, các thành viên là cán bộ kỹ thuật của trường ĐH và không quá 2 cán bộ kỹ thuật được huy động từ các sở không thuộc địa phương có bài thi được chấm (nếu trường ĐH có yêu cầu). Cán bộ kỹ thuật phải am hiểu sâu về công nghệ thông tin và phần mềm chấm thi trắc nghiệm.

Mã hóa toàn bộ dữ liệu bài thi trắc nghiệm

Theo dự thảo, các phiếu trả lời trắc nghiệm (bài làm của TS) đều phải được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dụng do Bộ cung cấp.
Ngay khi quét xong toàn bộ bài thi trắc nghiệm của hội đồng thi, toàn bộ dữ liệu ảnh quét (đã được mã hóa) phải được sao lưu ra CD hoặc DVD thành 3 bộ đĩa giống nhau, đóng gói niêm phong và bàn giao 1 bộ đĩa cho chủ tịch hội đồng thi lưu trữ, 1 bộ đĩa ban chấm thi trắc nghiệm lưu trữ, khi sử dụng các bộ đĩa này phải báo cáo ban chỉ đạo thi quốc gia; 1 bộ đĩa gửi về Bộ để quản lý và giám sát đồng thời, gửi tệp dữ liệu ảnh quét dưới dạng mã hóa về Bộ.
Trong quá trình xử lý kỹ thuật, khi mở niêm phong CD chứa dữ liệu chấm bài thi trắc nghiệm của Bộ, phải có sự giám sát của công an và tổ giám sát, lập biên bản mở niêm phong rồi mới tiến hành các bước tiếp theo. Sau khi hoàn thành khâu xử lý kỹ thuật dữ liệu ảnh quét, tổ chấm bài thi trắc nghiệm mới được tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi và từng môn thi thành phần của bài thi tổ hợp.
Ngay sau khi hoàn thành việc chấm toàn bộ bài thi trắc nghiệm của hội đồng thi, phải lưu các tệp dữ liệu xử lý và kết quả chấm thi trắc nghiệm chính thức (được xuất ra từ phần mềm, đảm bảo cấu trúc và yêu cầu theo đúng quy định của Bộ) vào 3 bộ CD hoặc DVD giống nhau, được niêm phong dưới sự giám sát của tổ giám sát, công an và lập biên bản.
Theo đó, 1 đĩa gửi về Bộ, 1 đĩa bàn giao cho chủ tịch hội đồng thi để gộp chung (qua phần mềm chuyên dụng) vào cơ sở dữ liệu kết quả thi cùng với kết quả chấm thi các bài thi tự luận và lưu giữ, 1 đĩa trưởng ban chấm thi trắc nghiệm lưu trữ đồng thời, dùng để chuyển các tệp dữ liệu xử lý và kết quả chấm thi trắc nghiệm chính thức qua hệ thống quản lý thi về Bộ.

Ý KIẾN

Đạo đức là yếu tố quyết định hơn máy móc

Việc gắn camera theo dõi toàn bộ quy trình sử dụng và bảo quản đề, bài thi, đầu tiên nhìn thấy là sự tốn kém về ngân sách mà chưa có câu trả lời chính xác và cụ thể về hiệu quả. Theo tôi, camera chỉ là phương tiện hỗ trợ giám sát sự minh bạch bởi công nghệ này do con người điều hành. Do vậy, khi con người không có ý thức thì gian lận vẫn có thể xảy ra và camera không có tính chất quyết định tính an toàn, nghiêm túc. Điều này có thể chứng minh bằng kết quả thực hiện ở các địa phương như TP.HCM từ nhiều năm qua. Không có bất cứ phương tiện hỗ trợ giám sát nhưng giáo viên và học sinh luôn ý thức thực hiện một kỳ thi công bằng, công khai, minh bạch.
Một kỳ thi nghiêm túc đòi hỏi một quy trình chặt chẽ và đạo đức của những thành viên tham gia thay vì đưa các phương tiện vào nhằm tạo sự an toàn đối với dư luận. Chỉ có như vậy mới tạo niềm tin đối với xã hội.
Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du Q.10, TP.HCM)

Thí sinh thi chung là hợp lý

Dự thảo đưa ra những quy định tại các điểm thi, việc lập danh sách để sắp xếp phòng thi sẽ không phân biệt thí sinh tự do, GDTX hay học sinh phổ thông 12. Đây là điểm mới nhằm tránh việc cố ý thực hiện hành vi tiêu cực trong khâu coi thi và cũng là hợp lý bởi các em cùng học chương trình thì nên cùng thi với nhau.
Việc lắp đặt camera không phải là phương án tối ưu trong vấn đề chống gian lận. Gian lận hay không phụ thuộc vào yếu tố con người và khi đã có ý định thì con người có thể tận dụng mọi tình huống để thực hiện. Điều cần ở đây là quy trình chặt chẽ và lòng tự trọng của thành viên hội đồng thi.
Võ Thị Bình Minh (Hiệu phó Trường THPT Hiệp Bình, Q.Thủ Đức, TP.HCM)

Chấm chéo giữa các địa phương đảm bảo công bằng

Dự thảo quy chế thi lần này đáp ứng những hạn chế còn tồn tại từ những kỳ thi trước. Việc tổ chức chấm chéo bài thi trắc nghiệm giữa các địa phương là phương án đảm bảo sự công bằng và minh bạch. Nếu thực hiện lắp đặt camera nhằm theo dõi toàn bộ quy trình sử dụng và bảo quản đề, bài thi thì cơ quan quản lý cần lưu ý đến việc công tác bảo mật dữ liệu.
Đỗ Vũ Ngọc Trung (Hiệu phó Trường THPT Thủ Đức, Q.Thủ Đức, TP.HCM)
B.Thanh (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.