Nhiều thuận lợi khi tái khởi động điện hạt nhân

17/11/2024 06:13 GMT+7

So với nghiên cứu của VN trong dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận đầu những năm 2000 thì bối cảnh hiện nay đã có nhiều thay đổi theo hướng thuận lợi hơn.

Khởi động trên những kết quả đã có

Nhấn mạnh về tính cần thiết của việc tái khởi động điện hạt nhân (ĐHN), PGS-TS Vương Hữu Tấn, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử VN, phân tích: Muốn phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), bán dẫn, đường sắt tốc độ cao và tiến đến Net Zero, bắt buộc phải có nguồn điện ổn định, công suất lớn để đáp ứng nhu cầu rất cao. Trong bối cảnh đó, ĐHN là lựa chọn tối ưu. Bởi đến năm 2050, điện gió và điện mặt trời chiếm tỷ trọng lớn nhất 63,8%, trong khi thủy điện và điện khí chỉ chiếm lớn nhất 12,7%. 

Theo kinh nghiệm, để bảo đảm ổn định cho điện từ năng lượng tái tạo thì cần dự phòng 20% điện nền. "Trong khi tất cả nguồn điện từ thủy điện và điện khí vào năm 2050 cũng chỉ đủ cho dự phòng 20% công suất từ năng lượng tái tạo. Điện khí ngoài khơi sẽ gặp những khó khăn do giá khí hóa lỏng trên thế giới không ổn định. Vì vậy, việc đặt vấn đề làm ĐHN là hợp lý và hiện tại chúng ta có một số thuận lợi để tái khởi động", ông Tấn nói.

Cụ thể, theo PGS-TS Vương Hữu Tấn, thuận lợi nhất là các tiêu chuẩn an toàn được nâng lên sau tai nạn ĐHN Fukushima ở Nhật Bản và kinh nghiệm triển khai một số dự án ĐHN thế hệ mới trong thực tế. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã xây dựng bộ tiêu chuẩn an toàn mới cho các nhà máy ĐHN, VN phát triển năng lượng tái tạo rất nhanh so với thế giới, các công nghệ lưu trữ điện năng cũng được đầu tư phát triển mạnh, mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 đã được đặt ra và buôn bán chỉ tiêu phát thải CO2 đã được thực thi trên toàn cầu…

"So với các nhà máy điện mới xây, ĐHN có giá phát điện thấp nhất trong các loại hình phát điện carbon thấp. Hơn nữa, 3 chủ thể đóng vai trò quan trọng để quyết định thành công của việc xây dựng và đưa vào vận hành an toàn nhà máy ĐHN đầu tiên của VN đã từng có. Đó là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện chương trình ĐHN quốc gia (NEPIO), ở VN là Ban chỉ đạo nhà nước dự án ĐHN đầu tiên; cơ quan pháp quy hạt nhân, ở nước ta là Bộ KH-CN; và chủ đầu tư, vận hành dự án ở Ninh Thuận là Tập đoàn Điện lực VN (EVN)", PGS-TS Vương Hữu Tấn dẫn chứng.

Nhiều thuận lợi khi tái khởi động điện hạt nhân- Ảnh 1.

Khu vực quy hoạch dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận trước đây

ẢNH: THIỆN NHÂN

Nhiều thuận lợi khi tái khởi động điện hạt nhân- Ảnh 2.

Khu vực quy hoạch dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận trước đây

ẢNH: THIỆN NHÂN

Ông Trần Anh Thái, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án ĐHN Ninh Thuận, cũng đồng tình bởi với ĐHN, chúng ta đã làm rất nhiều việc từ hơn 20 năm trước. Giờ nếu có cơ hội quay lại, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, các nhà quản lý đang rất sẵn. Nếu để chậm nữa, các kỹ sư, chuyên gia này có thể không còn làm việc... Viện Năng lượng nguyên tử VN cũng cho biết hơn 20 năm qua, sau khi dự án tạm dừng, Viện vẫn tiếp tục xây dựng đội ngũ nghiên cứu mạnh về công nghệ ĐHN và phân tích, đánh giá an toàn hạt nhân. Trong thực tế, VN đã có nhiều kết quả trong chuẩn bị và triển khai chương trình ĐHN.

Các chuyên gia của Viện nghiên cứu năng lượng nguyên tử VN đánh giá tái khởi động chương trình ĐHN vào lúc này, chúng ta không phải bắt đầu bằng con số 0 mà từ những kết quả VN đã có trước đây. Đó là hạ tầng phát triển chung và hạ tầng an toàn ĐHN, hệ thống pháp lý… Có 8 địa điểm để xây dựng nhà máy ĐHN đã được quy hoạch, trong đó có 2 địa điểm tại Ninh Thuận được đưa vào nghiên cứu, khảo sát, đánh giá và VN cần kế thừa địa điểm và công nghệ đã được nghiên cứu.

Còn nhiều thách thức

Dù vậy, còn rất nhiều khó khăn, thách thức đang chờ phía trước và cần sự vào cuộc với quyết tâm cao của hệ thống chính trị.

TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng VN, lưu ý khi dự án ĐHN bị dừng lại năm xưa, chắc chắn sẽ làm mất một phần những gì chúng ta đã làm. Thêm vào đó, trong bối cảnh các nước quay lại mạnh mẽ với ĐHN thì việc sớm tái khởi động của VN sẽ tạo những thuận lợi trong hợp tác quốc tế, lựa chọn đối tác, chuẩn bị kỹ lưỡng cơ sở cho sự phát triển… Sự chậm trễ có thể phải trả cái giá rất đắt.

Nhiều thuận lợi khi tái khởi động điện hạt nhân- Ảnh 3.

Phối cảnh dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận

ẢNH: TTXVN

"Cũng như bao ngành khác, đội ngũ cán bộ là chìa khóa thành công cho chương trình ĐHN. Dự án ĐHN thực hiện lâu, nhiều năm, nhưng đào tạo con người để làm còn cần thời gian lâu dài hơn. Thế nên cần sớm có chủ trương để bắt đầu lại. Vì ĐHN là cần thiết cho VN trong tương lai. Đó không chỉ là điện năng, mà là tiềm lực của một đất nước, đòn bẩy cho nền kinh tế VN", TS Trần Chí Thành nhấn mạnh.

IAEA thống kê có 19 vấn đề về cơ sở hạ tầng quốc gia cần thiết cho phát triển ĐHN. Đó là các cam kết của quốc gia, an toàn, quản lý, đầu tư và thu xếp tài chính, luật pháp, thanh sát hạt nhân, pháp quy, bảo vệ bức xạ, lưới điện, nhân lực, địa điểm, bảo vệ môi trường, kế hoạch ứng phó, an ninh hạt nhân, chất thải phóng xạ, sự tham gia của công nghiệp trong nước… Như vậy, ngoài việc kiện toàn hệ thống pháp lý thì tính an toàn, công nghệ, xử lý chất thải phóng xạ… là những khó khăn được đặt ra khi khởi động chương trình ĐHN. TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN, chỉ rõ có 3 vấn đề khiến người ta băn khoăn liên quan ĐHN. Đó là tính an toàn, xử lý chất thải và giá thành. Với công nghệ lò hạt nhân thế hệ 3 plus và thế hệ 4, mức độ an toàn có thể được khắc phục. Việc xử lý chất thải phóng xạ thì đến nay công nghệ có thể hoàn toàn yên tâm và hậu quả so với xử lý các tấm quang năng điện mặt trời cũng không quá lo lắng. Hơn nữa, giá thành ĐHN có thể rẻ hơn so với điện tái tạo sử dụng pin lưu trữ.

PGS-TS Vương Hữu Tấn cũng nhấn mạnh an toàn trong phát triển ĐHN là mối quan tâm chung của toàn thế giới, không phải câu chuyện của VN. Khi nhắc đến ĐHN, nhiều người ngay lập tức liên tưởng đến các tai nạn của 2 nhà máy ĐHN tại Chernobyl (Ukraine) và Fukushima (Nhật Bản). "Vấn đề là có được bài học và tìm ra nguyên nhân sau mỗi tai nạn để không tái diễn trong tương lai, bởi không có bất kỳ lĩnh vực nào có thể an toàn tuyệt đối cả. Để hạn chế các rủi ro thì công tác đào tạo cán bộ, nâng cao nhận thức về văn hóa an toàn trong các nhà máy ĐHN và có cơ chế quản lý an toàn nghiêm ngặt là hết sức cần thiết", ông Tấn nói.

Trên thế giới, Google (thuộc Tập đoàn Alphabet), Amazon, Microsoft đồng loạt tìm đến ĐHN để cung cấp năng lượng nhằm phát triển AI. Google vừa công bố thỏa thuận mua điện từ các lò phản ứng mô-đun nhỏ và trở thành doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới thực hiện bước đi này nhằm đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng của AI. Google dự kiến sẽ mua tổng cộng 500 MW điện từ 6 - 7 lò phản ứng; khẳng định ĐHN có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu điện của doanh nghiệp sạch và ổn định hơn.

Trước đó, Amazon đã mua một trung tâm dữ liệu chạy bằng năng lượng hạt nhân từ Talen Energy; Microsoft cũng ký thỏa thuận mua điện để giúp khôi phục một tổ máy của nhà máy ĐHN ở Pennsylvania, nơi từng xảy ra vụ tai nạn hạt nhân lớn nhất trong lịch sử Mỹ vào năm 1979.

Theo ước tính của Ngân hàng Goldman Sachs, nhu cầu điện tại các trung tâm dữ liệu ở Mỹ dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần từ năm 2023 - 2030, với khí đốt tự nhiên, gió và năng lượng mặt trời, ĐHN sẽ lấp đầy phần thiếu hụt điện năng của quốc gia này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.