Nhiều thương hiệu thời trang Việt âm thầm biến mất

23/11/2024 06:06 GMT+7

Mua sắm qua sàn thương mại điện tử, trên nền tảng online nở rộ cộng thêm nhiều nhãn hàng thời trang tầm trung, có trường vốn tốt đổ bộ vào VN khiến nhiều nhãn thời trang Việt teo tóp dần, dẫn đến quyết định đóng cửa.

Cạnh tranh không nổi với hàng Trung Quốc giá rẻ

Ngày 30.11 tới đây, thời trang Lep', thương hiệu "made in Vietnam", sẽ chính thức đóng cửa sau hành trình 8 năm phát triển với 17 chi nhánh trên cả nước. Từng có lượng khách hàng khá lớn khi trang Facebook của nhãn hàng này có 1 triệu người theo dõi và 866.000 lượt thích. Trong hai ngày 21 và 22.11, chi nhánh trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) và Cách Mạng Tháng 8 (TP.HCM) đã chính thức ngừng hoạt động.

Nhiều thương hiệu thời trang Việt âm thầm biến mất- Ảnh 1.

Trong khi các thương hiệu thời trang ngoại đang phát triển mạnh, các nhãn hàng thời trang Việtlại phải đóng cửa, thu hẹp

ẢNH: TẤN ĐẠT

Trong thông báo đăng trên mạng xã hội vào giữa tháng 11 này, chị Nguyễn Ngọc Trâm - Tổng giám đốc Lep' - thừa nhận "đây chưa bao giờ là một quyết định dễ dàng", nhưng bản thân cảm thấy kiệt sức và không thể tiếp tục theo kịp sự phát triển chóng mặt của thị trường thời trang. Hơn nữa, việc điều hành một công ty lớn với hàng trăm nhân viên trong suốt nhiều năm đã khiến chị "từ một cô gái mộng mơ dễ thương trở thành một người phụ nữ cau có và cạn kiệt năng lượng".

Trước đó, cuối tháng 7, chuỗi 22 cửa hàng thời trang nam Catsa với lịch sử hơn 13 năm cũng bất ngờ tuyên bố đóng cửa từ ngày 25.8. Chia sẻ với PV Thanh Niên, bà Nguyễn Thùy Linh Cát, chủ thương hiệu Catsa, cho biết suốt 13 năm hoạt động, chưa có năm nào công ty bị lỗ. Thậm chí có thời gian, doanh thu của Catsa lên đến cả trăm tỉ đồng một năm, lãi ròng chiếm đến gần 20%. Doanh thu gần nhất của Catsa vào năm 2023 là gần 50 tỉ đồng.

Theo bà Cát, để tồn tại, nhiều nhãn hàng thời trang Việt phải ra sức cắt giảm các chi phí, làm sao để có sản phẩm giá rẻ, cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Tương tự Catsa, 9 cửa hàng thời trang Giian cũng vừa đóng cửa trong năm nay. Chủ thương hiệu nói chính nền tảng thương mại điện tử phát triển nhanh, hành vi tiêu dùng của khách thay đổi liên tục, khiến nhiều chủ doanh nghiệp (DN) thời trang "hụt hơi".

Một thương hiệu thời trang giới trẻ khác là Miêu có tuổi đời 13 năm tại TP.HCM cũng đóng cửa trong năm nay. Thương hiệu Ivy Moda chuyên thời trang nam và nữ, vừa qua cũng ngừng kinh doanh mảng thời trang nam sau 5 năm hoạt động.

Nhìn lại lịch sử, năm 2010 là mốc đánh dấu thời trang nội địa lên ngôi với loạt thương hiệu ra đời có độ phủ sóng nhanh, cửa hàng đều đặt tại các tuyến đường sầm uất nhất. Trong đó, có thể kể đến Ninomaxx, Foci, The Blues (Blue Exchange), Canifa, Việt Thy, Ha Gattini, PT2000, N&M, Nem, Elise, Ivy Moda, Maxx Style… Đến nay, sau hơn 1 thập niên, đa số đã âm thầm biến mất hoặc thu hẹp; chỉ còn một số thương hiệu trụ vững, phát triển quy mô khá tốt như Canifa, Gumac, Yody…

Bà Nguyễn Thị Trang, chủ thương hiệu thời trang tuổi trung niên D&T (TP.HCM), thừa nhận: Có nhiều lý do khiến thời trang Việt dần rơi rụng trên thị trường. Thứ nhất là sự du nhập nhiều nhãn hàng thời trang phân khúc trung bình từ các nước châu Âu, châu Á, Mỹ vào VN. Đa số các nhãn này có trường vốn, hệ thống phân phối lớn trên toàn cầu, nên bảo toàn quy mô tốt hơn trong bối cảnh thị trường giảm mua sắm. Trong khi đó, việc mở rộng hệ thống kinh doanh nhanh để chiếm thị phần trước đây của DN nội đã trở thành gánh nặng khi nhu cầu mua sắm giảm mạnh. Không ít DN mất kiểm soát dòng tiền, buộc phải co cụm và cuối cùng là phải bỏ cuộc. Ngoài ra, hàng thời trang giá rẻ từ Trung Quốc được bán trên các nền tảng thương mại điện tử, đến thẳng tay người tiêu dùng không phải nộp thuế, thông qua hệ thống logistics rất nhanh và được Chính phủ nước họ trợ lực. Trong khi đó, DN nội phải đối diện với nhiều rào cản. Một mặt phải đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường, phòng cháy chữa cháy, mặt khác phải đóng thuế đầy đủ, nên rất khó để cạnh tranh với hàng giá rẻ Trung Quốc.

Lý giải vì sao đang ăn nên làm ra lại đột ngột đóng cửa, chủ thương hiệu thời trang Catsa Nguyễn Thùy Linh Cát cho hay: "Tôi không muốn bị cuốn vào cuộc cạnh tranh về giá với hàng Trung Quốc. Để cạnh tranh phải làm hàng theo xu hướng thời trang nhanh thì tác động tiêu cực đến môi trường, xả rác thải thời trang nhanh ra môi trường… Đó là điều tôi không muốn".

Thời trang ngoại liên tục mở rộng

Ngược lại với sự co cụm, rời bỏ cuộc chơi của các thương hiệu thời trang Việt là sự phát triển mạnh của các thương hiệu ngoại. Trong vòng hơn 2 tháng qua, nhãn hàng thời trang Uniqlo (Nhật Bản) đã mở thêm 3 cửa hàng mới tại các trung tâm thương mại Vincom Plaza Imperia (Hải Phòng), Parc Mall (TP.HCM) và Aeon ở Huế, nâng tổng số cửa hàng bán lẻ tại thị trường VN lên 26 cửa hàng sau gần 5 năm. Tương tự, thương hiệu H&M (Phần Lan) sau khi ra mắt cửa hàng đầu tiên tại VN vào năm 2017, đến nay đã có mặt tại 5 tỉnh, thành phố với 13 cửa hàng. Trước làn sóng mua sắm online phát triển mạnh, H&M cũng kịp ra mắt cửa hàng trực tuyến tại thị trường VN cách đây 1 năm rưỡi.

Nhiều thương hiệu thời trang Việt âm thầm biến mất- Ảnh 2.

Cửa hàng thời trang Ivy Moda trên đường Cách Mạng Tháng 8 (TP.HCM) vừa đóng cửa

Ảnh: Ngọc Dương

Sáng qua 22.11, tại cửa hàng Uniqlo trong Trung tâm thương mại Vạn Hạnh Mall (TP.HCM), lượng người vào ra mua sắm tấp nập hơn nhiều so với các cửa hàng thời trang Việt bên cạnh. Một số đơn hàng thanh toán trị giá hàng triệu đồng. Trước đó, vào những ngày cuối tuần, tại các cửa hàng Uniqlo, Zara, Mango, H&M… trên đường Đồng Khởi (Q.1, TP.HCM) hay trong một số trung tâm thương mại luôn có cảnh khách xếp hàng dài chờ đến lượt thanh toán. Không gian thoáng đãng, hàng hóa phong phú, bắt xu hướng là điểm cộng cho các thương hiệu thời trang ngoại này.

Chị Nguyễn Phương Anh (ngụ Q.10, TP.HCM), đang mua sắm tại cửa hàng Uniqlo trong Vạn Hạnh Mall, cho hay gam màu trầm và kiểu dáng đơn giản của hãng thời trang Nhật Bản khiến chị ưng ngay từ khi họ vào VN. Chị nói: "Thời trang nhanh không còn mới tại thị trường VN, đã từng được dự báo sẽ sớm bị đào thải bởi gây tác hại về môi trường. Thế nhưng, là tín đồ trung thành, tôi thấy thời trang nhanh vẫn đang phát triển rực rỡ, chưa có dấu hiệu thoái trào. Trong khi đó, gu thời trang "ăn chắc mặc bền" trong nước đã không theo kịp, bị đào thải trong cuộc chiến cạnh tranh giữa hàng nội và hàng ngoại".

Các thương hiệu cao cấp hơn như Nike, CK, Levi's… cũng không ngừng tăng sự hiện diện với các chương trình khuyến mại, giới thiệu mẫu mới thường xuyên. Đặc biệt, tại phân khúc xa xỉ hơn, các thương hiệu Berluti, Dior, Tiffany & Co., Gucci… đều có cửa hàng tại VN, phục vụ nhu cầu thích hàng hiệu của người tiêu dùng.

Một khảo sát gần đây của Nielsen cho thấy VN đứng thứ 3 thế giới về sở thích dùng hàng hiệu, với gần 60% người dân sẵn sàng chi tiền cho các sản phẩm có thương hiệu. Điều này cho thấy sức hút của thời trang cao cấp và cũng là thách thức lớn cho các thương hiệu nội địa trong nỗ lực duy trì và phát triển thị phần. Nielsen dự báo quy mô thị trường thời trang VN đến năm 2028 có thể đạt 6,5 tỉ USD.

Bà Nguyễn Thị Trang, chủ thương hiệu D&T, phân tích: "Thời trang Việt co cụm và mất dần lợi thế trên sân nhà còn một lý do chủ quan nữa là đuối trong cập nhật, thay đổi thiết kế mẫu mã. Thời trang hạng sang hầu hết là nước ngoài, hạng trung đang rơi vào tay nước ngoài với thời trang nhanh, không cầu kỳ tính bền đẹp, mà là sự mới mẻ của mẫu mã và trải nghiệm tại cửa hàng. Quy mô các cửa hàng thời trang như Uniqlo, H&M, Zara… tại các trung tâm thương mại thường rất lớn. Như đã nói, do có trường vốn tốt, họ thuê cả 2 tầng trong trung tâm thương mại, trưng bày hàng hóa rất thoáng, bắt mắt, thu hút mọi ánh nhìn. Trong khi đó, cửa hàng áo quần Việt nằm bên cạnh rất khiêm tốn, không gian nhỏ, đơn điệu, rất khó thu hút khách. Kết quả là dần dần các nhãn hàng ngoại làm chủ sân chơi thời trang Việt lúc nào không hay".

Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM - Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jeans, thừa nhận thị trường thời trang đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ của việc mua sắm và thói quen người tiêu dùng. Các cửa hàng truyền thống đã trở nên ít hiệu quả hơn. Nhiều khách hàng chuyển sang mua online, nên các DN kinh doanh theo mô hình bán hàng trực tiếp nay cũng chuyển sang bán online và livestream nhiều hơn. Chẳng hạn, với Việt Thắng Jeans, công ty liên tục tổ chức bán hàng qua livestream buổi tối, thậm chí giờ khuya từ 0 - 2 giờ sáng hôm sau.

"Thương mại điện tử là kênh bán hàng tiềm năng tại thị trường nội địa. Thời trang Việt đang bắt dần với xu thế đó", ông Phạm Văn Việt nhận xét.

Nhiều thương hiệu thời trang Việt âm thầm biến mất- Ảnh 3.

Sau 8 năm, chuỗi cửa hàng thời trang Lep' tuyên bố dừng hoạt động

Ảnh: Ngọc Dương

Nghịch lý cường quốc dệt may nhưng thời trang thất thế

Đáng nói, thời trang Việt teo tóp trong khi chúng ta là cường quốc xuất khẩu dệt may trên thế giới. Theo Hiệp hội Dệt may VN (Vitas), xuất khẩu hàng dệt may năm nay ước thu về 44 tỉ USD, tăng gần 11,3% so năm ngoái. Năm 2025, toàn ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 47 - 48 tỉ USD.

Năm nay, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, cước vận tải biến động mạnh, thương mại toàn cầu phục hồi chậm… nhưng ngành dệt may VN vẫn giữ được mức tăng trưởng khá. Đến nay, VN vẫn duy trì vị trí thứ 3 thế giới về xuất khẩu hàng dệt may, sau Trung Quốc và Bangladesh. Thuộc top 3 "người khổng lồ" trong xuất khẩu dệt may, nhưng thời trang nội địa VN bao năm qua lại rơi vào tay các thương hiệu ngoại, từ phân khúc cao đến trung cấp. Phân khúc thấp cấp thì hàng Trung Quốc "tung hoành" qua sàn thương mại điện tử.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú bày tỏ sự buồn rầu khi nói đến tình cảnh "người khổng lồ" dệt may nhưng không có các nhãn hàng thời trang nội địa có giá trị cao. Nguyên nhân, theo ông Phú, là DN chỉ lo làm hàng xuất khẩu, còn thị trường nội địa 100 triệu dân lại bỏ quên trong thời gian quá dài. Trong đại dịch Covid-19, khi thị trường xuất khẩu có thời gian dài gặp khó khăn vì đơn hàng giảm sút, một số DN quyết định quay lại thị trường nội địa. Tuy nhiên, để thành công thì không dễ, bởi chúng ta bỏ quên thị trường lớn này quá lâu. Thứ 2, hàng dệt may VN vẫn còn rất yếu để cạnh tranh với hàng ngoại về giá cả, mẫu mã. Bên cạnh đó, quan hệ giữa sản xuất và bán lẻ rất lỏng lẻo. Nhà sản xuất cũng là nhà bán hàng, không kết nối chặt chẽ và đưa được hàng may mặc vào các hệ thống phân phối lớn, trung tâm thương mại. Thứ 3, chi phí sản xuất cao hơn nhiều quốc gia đang cạnh tranh cùng mặt hàng với chúng ta. Trong đó, hệ thống logistics lạc hậu, hạ tầng phân phối trì trệ, giá cả thiếu minh bạch khiến nhà sản xuất thiệt thòi, người tiêu dùng cũng không hưởng lợi nên khiến hàng "made in Vietnam" vốn khó khăn để gầy dựng, lại càng khó hơn.

"Để có thương hiệu thời trang Việt đúng nghĩa, phải khắc phục những điểm yếu, phải tổ chức được phân phối hàng hóa từ sản xuất thẳng đến tay người tiêu dùng, không để người tiêu dùng chịu quá nhiều chi phí vì logistics yếu kém, vì những tầng nấc trung gian, đẩy mạnh chống buôn lậu, hàng giả hàng nhái, có chiến lược hỗ trợ xây dựng tập đoàn sản xuất phân phối đủ mạnh làm chủ sân nhà…", chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nói thẳng.

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Viện Thương mại và kinh tế quốc tế), chuyên gia kinh tế, cho rằng yếu kém của ngành công nghiệp hỗ trợ đã gây thiệt thòi cho ngành thời trang Việt. "Chúng ta chỉ có những thương hiệu thời trang lớn mạnh khi làm chủ được nguyên liệu đầu vào. Hiện việc phát triển công nghiệp hỗ trợ dệt may có thể nói là đang bị "bỏ trống" khi có đến 80% nguyên phụ liệu cho ngành này phải nhập khẩu. Con số hơn 2 tỉ USD mà các DN phải chi mỗi tháng để nhập nguyên liệu như bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu cho các ngành dệt, may, da, giày… cho thấy miếng bánh thị trường rất lớn. Chưa kể, chưa tự chủ được phần nguyên phụ liệu đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc gầy dựng thương hiệu nội địa cũng như khai thác hết lợi thế về giá của sản phẩm khi xuất khẩu. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là với chính sách không kêu gọi các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nỗ lực làm chủ nguyên liệu ngành dệt may đối với VN là rất khó", PGS-TS Nguyễn Thường Lạng nói.

Theo ước tính của Vietdata, đã có hơn 200 thương hiệu thời trang quốc tế xuất hiện tại VN, chiếm hơn 60% thị phần trong nước và có tốc độ tăng trưởng trung bình rất ấn tượng từ 15 - 20%.

Trong suốt 2 thập niên qua, người Việt đã mua sắm quần áo với số lượng nhiều chưa từng thấy nhờ mức sống ngày càng cao và các thương hiệu thời trang đua nhau kích cầu bằng nhiều chiến lược truyền thông, khuyến mại… Nên nhớ, hàng thời trang mới tạo giá trị gia tăng lớn và đó là kênh mình cần khai thác chứ không phải cứ tập trung gia công, bán công lấy lãi. Rất nhiều chiếc áo, đôi giày thương hiệu ngoại bán trong nước và thị trường thế giới là "made in Vietnam". Chúng ta đang trả tiền cao hơn nhiều để mua sản phẩm được sản xuất trong nước của các thương hiệu ngoại. Vậy tại sao không phát triển những nhãn hàng nội địa tốt, có giá tốt? Đó mới là sự phát triển bền vững. Có thể hơi muộn, nhưng cần có chiến lược của ngành trong xây dựng thương hiệu thời trang nội địa.

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.