Nhiều tỉnh, thành Nam bộ mưa cả ngày vì áp thấp nhiệt đới

19/09/2024 06:15 GMT+7

Trong ngày áp thấp nhiệt đới vào Biển Đông, thời tiết TP.HCM đảo ngược thành sáng mưa chiều nắng so với thông thường là sáng nắng chiều mưa. Nhưng nắng hiếm hoi, nhanh chóng còn mưa chiếm chủ đạo, từ sáng sớm tới chiều tối vẫn tầm tã.

Hôm qua 18.9, TP.HCM mưa từ lúc 5 giờ sáng, nặng hạt dần và lan rộng khắp nơi. Mưa như trút nước suốt nhiều tiếng liên tục khiến sinh hoạt của nhiều người bị đảo lộn.Theo ghi nhận của Thanh Niên, do mưa to kết hợp triều cường nên nhiều tuyến đường ở một số khu vực trũng thấp như: Q.8, H.Bình Chánh, TP.Thủ Đức… bị ngập nặng, khiến nhiều người trễ giờ làm việc; học sinh, sinh viên đến trường muộn. Khoảng 13 giờ 30 trời hửng nắng nhẹ nhưng thời tiết đa phần vẫn âm u.

Nhiều tỉnh, thành Nam bộ mưa cả ngày vì áp thấp nhiệt đới- Ảnh 1.

Mưa to kéo dài suốt buổi sáng 18.9 khiến sinh hoạt của người dân TP.HCM bị đảo lộn

ẢNH: CHÍ NHÂN

Đến 17 giờ, mây đen lại kéo đến che kín bầu trời và mưa to trên toàn thành phố. Người dân lại tan ca trở về nhà dưới trời mưa to, kẹt xe và ngập nước ở nhiều nơi.

Không chỉ TP.HCM, mưa cũng xuất hiện trong buổi sáng 18.9 tại nhiều địa phương khác ở khu vực Nam bộ như: Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Phước… Đặc biệt tại tỉnh Bình Phước, mưa lớn từ ngày 17 kéo dài đến rạng sáng 18.9 gây ngập cục bộ một số nơi ở các huyện Bù Gia Mập và Bù Đăng.

Mưa lũ tiếp tục phức tạp, triều cường cao

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 4 khiến khu vực Tây nguyên và Nam bộ tiếp tục có có mưa vừa, mưa to và giông, cục bộ có nơi mưa rất to. Đợt mưa hiện nay có thể tiếp tục kéo dài đến ngày 20.9.

Do ảnh hưởng của mưa bão kéo dài khiến mực nước lũ trên sông Đồng Nai, La Ngà đang lên nhanh và vượt báo động 2 tại một số trạm. Các khu vực trũng thấp của các huyện Định Quán, Tân Phú thuộc tỉnh Đồng Nai và vùng ven sông La Ngà có khả năng ngập lụt, sạt lở bờ sông.

Trong khi đó, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho biết: Lượng nước lũ trên sông Mê Kông do ảnh hưởng mưa lớn từ bão số 3 (Yagi) đang dịch chuyển từ Thái Lan và Lào xuống khu vực Campuchia làm mực nước lũ tại trạm Kratie tăng mạnh trong những ngày qua và sẽ tiếp tục tăng trong các ngày tới. Ngày 21 - 22.9, sự kết hợp giữa lũ thượng nguồn và triều cường khiến mực nước lũ tại Tân Châu đạt mức từ 3,1 - 3,2 m, thấp hơn báo động 1 khoảng 0,3 m; tại Châu Đốc đạt 2,9 - 3 m, xấp xỉ báo động 1. 

Dù lũ thượng nguồn sông Cửu Long chỉ xấp xỉ báo động 1, nhưng mực nước các trạm vùng giữa phổ biến ở mức từ báo động 2 - 3 tại các địa phương như: Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, các huyện ven sông và giữa 2 sông của tỉnh Đồng Tháp; các khu vực trung tâm vùng bán đảo Cà Mau như TP.Vị Thanh, TP.Ngã Bảy của tỉnh Hậu Giang; các huyện Phước Long, Hồng Dân của tỉnh Bạc Liêu; TX.Ngã Năm, H.Mỹ Tú của tỉnh Sóc Trăng; các huyện Trần Văn Thời, Thới Bình, TP.Cà Mau của tỉnh Cà Mau có nguy cơ bị ngập.

Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, khuyến cáo: Hiện tại dải hội tụ nhiệt đới có trục qua khu vực Trung bộ vẫn đang hoạt động mạnh. Trên khu vực biển ngoài khơi của Philippines vẫn còn nhiều ổ mây giông mạnh có thể sẵn sàng phát triển thành áp thấp nhiệt đới, thậm chí bão và đi vào Biển Đông. Chính vì vậy, khi bão số 4 đi qua chúng ta cũng không được chủ quan vì thời tiết vẫn tiếp tục diễn biến xấu. "Hiện tại đang bước vào mùa cao điểm mưa bão. Cùng với xu hướng La Nina đang mạnh lên nên từ đây tới tháng 11 thời tiết, mưa bão rất phức tạp, mọi người nên chủ động phòng tránh thiên tai", bà Lan nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.