Nhiều trẻ gặp hội chứng ‘hậu Covid-19’, đừng chủ quan khi thấy những triệu chứng này

30/11/2021 18:14 GMT+7

Ngay cả khi đã hết bệnh hoàn toàn, trẻ vẫn có thể gặp phải các triệu chứng như đau đầu, mất ngủ, uể oải, giảm trí nhớ, vận động khó khăn… nên cần được điều trị theo dõi lâu dài hậu Covid-19 .

Chủ đề khám tầm soát, kiểm tra sức khoẻ của trẻ hậu Covid-19 thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhất là các bậc cha mẹ.

BS CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, một trong những bệnh viện tuyến đầu trong điều trị Covid-19 đã có những chia sẻ với Phóng viên Báo Thanh Niên về vấn đề này:

Thưa bác sĩ, gần đây nhiều người có nhắc đến các tác động của Covid-19, đặc biệt là với trẻ em ngay cả khi trẻ đã hết bệnh. Bác sĩ có lưu ý gì với các bậc cha mẹ về hội chứng hậu Covid-19?

Tùy theo từng trường hợp, những trẻ mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ được điều trị ở nhà thì có thể khỏi sau 2 - 3 tuần. Còn trẻ nhập viện trong nhóm nhẹ sẽ được điều trị trong 1 - 2 tuần, nhóm trung bình có thể nằm viện 2 - 4 tuần; còn nhóm nặng có thể kéo dài từ 1 - 1,5 tháng.

Khi trẻ được xuất viện về nhà, phụ huynh cần theo dõi con khoảng 2 tuần nữa. Trong khoảng thời gian sau khi khỏi bệnh, một số trẻ có thể gặp các triệu chứng được gọi là “hội chứng hậu Covid-19” (hoặc “long Covid-19”, tức Covid-19 kéo dài) như: đau đầu, uể oải, mệt, đau cơ, đau khớp… thậm chí đi lại khó khăn. Chẳng hạn, trước đây các em có thể leo cầu thang, chạy nhảy nhanh nhẹn nhưng lại bị hụt hơi, mau mệt sau khi điều trị Covid-19.

Ngoài ra, trẻ còn gặp một số triệu chứng khác như hay quên, nhận thức bị ảnh hưởng, viết chữ xấu đi, hoạt động thể lực bị ảnh hưởng, ho kéo dài kèm đàm nhớt, hồi hộp, vã mồ hôi…

Những triệu chứng này không phải biểu hiện hết ở một người, mà tuỳ trường hợp có em bị cái này, em bị triệu chứng khác.

BS CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố

BV nĐtp

Thậm chí, có những trẻ dù khi mắc Covid-19 triệu chứng rất nhẹ nhưng sau khi hết bệnh lại xuất hiện một số triệu chứng như là: sốt, đỏ mắt, đỏ da, tim đập nhanh, đầu ngón tay bị sưng, phát ban… khiến cho trẻ rất khó chịu.

Đây là những trường hợp chịu tác động chậm của virus SARS-CoV-2. Những tác động chậm này không phải do virus gây ra trực tiếp mà do những phản ứng gây viêm khi trẻ mắc Covid-19 trước đó. Nghe rất đơn giản, nhưng có những trường hợp trẻ khi chuyển nặng phải lọc máu, điều trị lâu dài, phải dùng kháng sinh liều cao…

Tỷ lệ trẻ có hội chứng hậu Covid-19 chiếm từ 6 - 15% trong tổng số trẻ mắc bệnh. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, virus có thể tấn công lên não, hệ thống nội mạc mạch máu não, gây tình trạng tăng đông, huyết khối dẫn tới giảm tưới máu được cho các vùng vỏ não phụ trách trí nhớ, hành vi, chữ viết... dẫn đến rối loạn và tác động sâu đến trẻ.

Sau khi nhiễm SARS-CoV-2, một số trẻ có biểu hiện phản ứng viêm mạnh sau đó. Chính vì vậy, nhiều trẻ không có triệu chứng trong lúc bị bệnh nhưng sau 2 - 6 tuần, trẻ có thể lại bị sốt cao, đau bụng, tiêu chảy, đỏ da, lưỡi đỏ, các ngón tay chân sưng nhẹ, hồng ban, tim đập nhanh, mạch vành có thể dãn, còn gọi là hội chứng viêm đa hệ thống. Đây là hội chứng đặc trưng chỉ có ở trẻ em, chưa ghi nhận ở người lớn.

Vậy với những trẻ gặp phải hội chứng hậu Covid-19, phụ huynh cần theo dõi, chăm sóc như thế nào thưa bác sĩ?

Các nghiên cứu của thế giới cho thấy những trẻ từ 13 tuổi trở lên dễ mắc hội chứng hậu Covid-19 hơn, đặc biệt là các trường hợp nặng, nguy kịch đã được đưa vào khoa hồi sức tích cực để điều trị trước đó.

Ở lứa tuổi vị thanh niên, trẻ có những biến đổi về mặt tâm sinh lý và cơ thể. Vì vậy, khi bị tác động thêm của virus SARS-CoV-2, trẻ dễ bị tổn thương tâm sinh lý nặng hơn và có thể để lại di chứng lâu dài.

Với những trường hợp này, phụ huynh cần theo dõi con sát sao và phối hợp với bác sĩ điều trị tiếp tục cho đến khi các con hồi phục hoàn toàn.

Ngay cả khi trẻ đã âm tính sau khi mắc Covid-19, phụ huynh không nên chủ quan, mà phải theo dõi, nắm được các triệu chứng của con để được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ tâm lý, chuyên viên phục hồi chức năng…

Tôi nói như vậy không phải để phụ huynh hoang mang, lo lắng mà chỉ mong muốn nhắc nhở phụ huynh nên theo dõi thêm tình trạng sức khỏe của trẻ hậu Covid-19.

Việc điều trị trẻ mắc hội chứng hậu Covid-19 sẽ như thế nào?

Tùy theo tình trạng của từng em, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định điều trị theo những phác đồ riêng. Có em phải tập vật lý trị liệu về vận động, tập thở, đo nhịp tim hoặc thăm khám đa chuyên khoa...

Thậm chí, khi đi học lại thì phụ huynh cần phải phối hợp thêm với nhà trường để có chế độ học tập, vận động ở trường thích hợp với những em này.

Còn bác sĩ tâm lý sẽ có những biện pháp trị liệu để các cháu không có cảm giác tự ti, tái hòa nhập với bạn bè. Ngoài ra, bên tâm lý trị liệu cũng sẽ có những bài tập theo hệ thống giúp các cháu cải thiện trí nhớ thông qua những hành vi, việc làm của mình… dần dần trí nhớ sẽ được cải thiện.

Đơn vị nào điều trị cho những trường hợp này cũng nên lưu ý phụ huynh và trẻ thực hiện the quy tắc 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng).

Nhiều trẻ em từ độ tuổi 12 - 17 đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19

NGUYỄN LOAN

Tác động của hội chứng hậu Covid-19 có thể kéo dài trong bao lâu thưa bác sĩ?

Thông thường thì hầu hết trẻ trở lại trạng thái bình thường sau khi hết bệnh, còn với những em gặp phải hội chứng hậu Covid-19 thì tùy tình trạng của từng em nhưng theo tôi thì cha mẹ nên theo dõi con ít nhất là 3 tháng sau khi khỏi bệnh. Những trường hợp nặng và có triệu chứng hậu Covid-19 thì nên được theo dõi lâu hơn, từ 6 tháng, thậm chí là một năm.

Thực ra virus SARS-CoV-2 mới xuất hiện nên về chuyên khoa thì chưa khẳng định được là các hội chứng hậu Covid-19 kéo dài trong bao lâu. Tôi cho rằng nhóm trẻ xuất hiện triệu chứng nếu được can thiệp điều trị thì sẽ phục hồi nhanh hơn so với nhóm trẻ không được điều trị.

Trong quá trình triều trị cho trẻ mắc Covid-19 tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố thời gian qua, bệnh viện có ghi nhận bất kỳ trường hợp nào trẻ bị các triệu chứng này hay không?

Chúng tôi có ghi nhận một số trẻ bị hội chứng viêm đa hệ thống hậu Covid-19, riêng bệnh viện Nhi đồng thành phố đã ghi nhận 6 trường hợp. Các bé bị rất nặng.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tiếp nhận một số trường hợp và nhận nhiều thông phụ huynh gọi điện tới nhờ tư vấn khi trẻ điều trị xong Covid-19 gặp khó khăn về vấn đề tâm lý, mất ngủ…

Để cải thiện tình trạng này, ngoài việc theo sát con cái hậu Covid-19, phụ huynh cũng nên khuyến khích con vận động phù hợp, chơi thể thao, hạn chế dùng thiết bị điện thoại, xem TV quá lâu; có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.