Trường tiểu học, THCS làm được, nhiều trường THPT đã tiên phong
Khảo sát của PV Thanh Niên cho thấy đa số các trường tiểu học, THCS ở TP.HCM đều không cho học sinh mang điện thoại di động vào trường và cấm học sinh dùng điện thoại trong trường, kể cả giờ ra chơi.
Trường THCS Nguyễn Văn Phú, Q.11 yêu cầu học sinh không được mang điện thoại di động vào trường. Trừ khi nào giáo viên dặn trước học sinh là hôm nay có môn nào dùng điện thoại di động để phục vụ việc học thì các em học sinh được mang vào trường, và chỉ được dùng khi giáo viên cho phép, dưới sự quản lý của giáo viên.
Trường THCS Lý Thánh Tông, Q.8, học sinh không được dùng điện thoại di động trong trường, kể cả đầu giờ vào học hay giờ ra chơi. Hết giờ học, ra khỏi cổng trường thì học sinh có thể sử dụng thoải mái. Học sinh nếu mang điện thoại di động vào trường thì sẽ gửi cho thầy cô giám thị, cuối buổi nhận lại. Khi cần liên lạc với gia đình thì đã có phòng gọi điện thoại trong trường để sử dụng.
Trường học cấm học sinh sử dụng điện thoại, phụ huynh muốn gửi con để 'cai nghiện'
Trường THCS Lương Thế Vinh, Q.1 cũng cấm học sinh mang điện thoại di động vào trường hay sử dụng trong thời gian ở trường. Nếu học sinh mang theo điện thoại di động thì đầu giờ nộp cho giám thị, giáo viên, cuối buổi học sẽ nhận lại.
Trường THPT Thạnh Lộc, Q.12; Trường THPT Trường Chinh, Q.12 là một trong những trường THPT công lập đã cấm học sinh dùng điện thoại di động trong thời gian chính khóa tại trường, kể cả giờ ra chơi.
Thăm dò ý kiến
Nên cấm học sinh dùng điện thoại di động trong trường không?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Trường tư thục ở TP.HCM cấm học sinh "không mang điện thoại vào trường"
Nhiều năm qua, Trường TH-THCS-THPT Lê Thánh Tông, TP.HCM - một trường tư thục năm nào cũng có nhiều học sinh là thủ khoa, á khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT của toàn quốc và TP.HCM - đã yêu cầu học sinh không đem điện thoại vào trong khuôn viên trường vì bất cứ lý do gì, kể cả khi các em trở về khu nội trú. Điều này nằm trong nội quy của trường và gia đình phải cam kết là học sinh chấp hành tất cả các nội quy.
Thầy Đỗ Văn Trị, Hiệu trưởng nhà trường, nói: "Ở nhiều nước trên thế giới, việc cấm học sinh mang điện thoại vào trường, dùng điện thoại di động trong trường rất quyết liệt, cấm tuyệt đối. Họ có phòng máy tính, nếu học sinh muốn tra cứu thông tin, cần sử dụng công nghệ thì có thể dùng trong phòng máy tính, điều này giúp giáo viên có thể hoàn toàn kiểm soát việc thông tin truy cập, nội dung và thời gian sử dụng của học sinh. Bên cạnh đó, khi học sinh được đem điện thoại vào lớp học thật khó để biết các em đang dùng nó vào việc gì", thầy Trị trao đổi.
Hiệu trưởng này cũng thừa nhận khi học sinh cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh thì xu hướng phổ biến nhất là các em vào các trang mạng xã hội để "chat", "comment", xem hình ảnh. Không phải không có những học sinh dùng điện thoại để học nhưng số đó có lẽ không nhiều.
Theo ông Trị, nếu học sinh được sử dụng điện thoại thoải mái trong trường học, ngoài việc bị cuốn theo các cuộc trò chuyện, giao tiếp, quá chú tâm vào các trò chơi điện tử… điều đáng ngại là các em đánh mất dần kỹ năng tập trung, không thể theo dõi bài học, dễ tạo những khoảng trống kiến thức… trong khi yêu cầu số 1 của tiết học là tập trung cho nội dung bài học, kể cả khi thầy cô thuyết giảng hay học trò làm việc nhóm. Do đó, học sinh không dùng điện thoại di động giúp các em tập trung, tiết học sẽ hiệu quả hơn nhiều.
Trường học phải thay đổi nội quy vì thấy học sinh xao nhãng
Hiệu trưởng một trường THCS tại Q.11, TP.HCM cho biết vài năm trước từng cho học sinh mang điện thoại di động vào trường, sau đó phải thay đổi nội quy, yêu cầu học sinh không mang điện thoại vào trường. "Thay đổi nội quy vì chúng tôi thấy những mặt trái khi học sinh tự do dùng điện thoại di động trong trường, các em xao nhãng, kém tập trung, ít kết nối với nhau hơn", vị này cho hay.
"3 năm trở lại đây nhà trường thực hiện nghiêm quy định cấm học sinh mang và dùng điện thoại trong trường, nhà trường đều trao đổi với phụ huynh và rất được ủng hộ. Bởi phụ huynh cũng cho biết ở nhà rất muốn con cái được "thoát ly" khỏi điện thoại, ipad nhưng khó, nên chỉ khi đến trường con mới được tách ra khỏi cái điện thoại di động thì rất mừng. Nếu để học sinh tự do dùng điện thoại di động trong trường thì các em học không hiệu quả đâu. Các em còn nhỏ, chưa nhận định được cái gì nên dùng, cái gì không nên. Sức hút cái điện thoại mạnh lắm, nếu để học sinh tự do dùng điện thoại di động thì ra chơi mỗi em một góc cầm điện thoại, còn vào lớp là không tập trung nghe giảng", hiệu trưởng này nói thêm.
Để học sinh có thể thuận tiện trong liên lạc với phụ huynh, hiệu trưởng trên cho biết tại trường luôn bố trí 3 điện thoại bàn để học sinh có việc cần có thể liên lạc với phụ huynh. Phòng quản sinh luôn có người trực, từ 6 giờ 30 phút sáng tới 6 giờ chiều, có điện thoại bàn, điện thoại di động để hỗ trợ học sinh. "Tại trường có một số em học sinh mà cha mẹ chưa kịp đón, có nhu cầu đặt xe công nghệ lúc tan học, thì phụ huynh đặt xe cho con, rồi thông báo với thầy cô ở phòng quản sinh biển số xe, các em học sinh nhìn đúng số xe mới lên", vị này thông tin.
'Cấm học sinh dùng điện thoại trong trường, giáo viên cũng không dùng khi đang dạy'
Bạn đọc nK_aHu5y7xGWawBQVraSnA gửi ý kiến về Báo Thanh Niên: "Ủng hộ việc cấm sử dụng điện thoại đối với các em, vì khi đến lớp một số em tập trung vào học thì ít, phần lớn chat chít hoặc chơi game thì nhiều. Việc học bằng điện thoại trên lớp thì môn có môn không, chắc chắn khả năng tự quản của các em rất ít... Có những group lớp, giáo viên tạo ra để liên lạc việc học thì các em vẫn vô tư hồn nhiên vào đó mời nhau chơi game. Quan trọng hơn khi đến lớp giáo viên chỉ giảng sơ qua còn lại các em phải tự tìm hiểu bài trên điện thoại, làm bài cũng trên điện thoại, giáo viên cũng chấm bài bằng cách nhấp chuột chứ không thực tế như trước... Đồng ý với việc con em cần phải tiến bộ nhưng xin hãy giúp cho chúng tiến bộ bằng thực tế, ví dụ như tính nhẩm cũng ra kết quả của bài toán chứ không phải bấm máy tính thì mới biết kết quả".
Bạn đọc Chỉ ngần ấy thôi viết: "Thầy cô nên làm gương để học sinh noi theo. Cần quy định và kiểm tra chặt chẽ đồng thời có biện pháp nghiêm trong việc vi phạm. Và không hẳn nghiêm cấm trong suốt thời gian đến trường".
Độc giả nga ly bày tỏ quan điểm: "Cấm cả thầy lẫn trò luôn... Bên mình đã dễ dãi từ lâu rồi. Ở nước ngoài trong cơ quan làm việc không có vụ nhân viên ngồi lướt mạng xã hội và chỉ dùng điện thoại cho công việc mà thôi".
Bình luận (0)