Trong khi đó, nhiều trường vẫn kiên trì việc không sử dụng kết quả học tập này trong xét tuyển đầu vào.
Mới đây, một trong những nội dung được đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa thay mặt cử tri tỉnh này kiến nghị Bộ GD-ĐT, đó là cần "nghiên cứu bỏ xét tuyển đại học (ĐH) bằng học bạ, bởi hiện nay đang nảy sinh nhiều tiêu cực trong việc "làm đẹp" học bạ và "chạy điểm" ở các nhà trường".
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn có văn bản trả lời, trong đó nhắc lại quy định tại luật Giáo dục ĐH cho phép các cơ sở đào tạo tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh. Phần trả lời bằng văn bản của Bộ trưởng cũng cho rằng: "Dù điểm học bạ có được sử dụng cho việc xét tuyển ĐH hay không, trách nhiệm của các nhà trường là phải có biện pháp bảo đảm tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả học tập của người học".
VÌ SAO GIẢM CHỈ TIÊU XÉT HỌC BẠ?
Theo đúng tinh thần tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh, hiện nay hầu hết các trường ĐH đều sử dụng đồng thời nhiều phương thức. Riêng xét tuyển học bạ, bên cạnh những trường dành tỷ lệ chỉ tiêu chủ yếu thì một số trường có xu hướng giảm chỉ tiêu xét học bạ trong năm 2023.
Dù vẫn sử dụng 4 phương thức tuyển sinh ổn định như trước đó nhưng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM điều chỉnh tỷ lệ chỉ tiêu giữa các phương thức. Trong đó, 2 phương thức giữ ổn định chỉ tiêu gồm xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT 50% và điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM 10% tổng chỉ tiêu. Riêng phương thức xét học bạ dựa vào kết quả học tập năm lớp 12, trường này dành khoảng 20% chỉ tiêu (thay vì 30% như năm trước). Thay vào đó, trường chuyển số chỉ tiêu đã giảm này sang phương thức tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng của trường.
Lý giải việc điều chỉnh này, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết việc xét tuyển dựa vào học bạ THPT có đặc điểm là mức độ đánh giá không đồng đều người học. Do đó, trường chuyển chỉ tiêu sang ưu tiên xét tuyển - phương thức xét căn cứ không chỉ kết quả học tập mà còn các tiêu chí kết hợp khác như: thành tích học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố, đạt giải kỳ thi Olympic, chứng chỉ quốc tế…
Cùng xu hướng này, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng giảm khoảng 10% chỉ tiêu xét dựa vào học bạ so với năm ngoái (năm nay chỉ tiêu xét học bạ chiếm 30% tổng chỉ tiêu). Chia sẻ về điều chỉnh này, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông trường này, cho biết: "Thực tế các năm trước điểm số học bạ của nhiều trường cao chót vót. Thống kê cho thấy có nhiều học sinh thi tốt nghiệp THPT chỉ khoảng 6 - 7 điểm/môn, nhưng điểm trung bình môn học tương ứng trong học bạ tới 8 - 8,5 điểm. Việc điều chỉnh này cũng nhằm phù hợp với xu hướng chung của nhiều trường là xét tuyển chủ yếu bằng điểm thi tốt nghiệp và điểm kỳ thi đánh giá năng lực".
Không nằm ngoài xu hướng này, năm 2023 Trường ĐH Tài chính - Marketing cũng giảm chỉ tiêu xét tuyển dựa vào học bạ, từ 60% xuống còn 50% tổng chỉ tiêu.
KIÊN ĐỊNH KHÔNG XÉT HỌC BẠ
Trong khi đó, không ít trường ĐH vẫn không sử dụng điểm học bạ để xét tuyển. Đến thời điểm này, Trường ĐH Y dược TP.HCM chưa chính thức công bố phương án tuyển sinh năm 2023. Nhưng theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo, phương thức xét tuyển cơ bản giữ ổn định như năm 2022 và không sử dụng điểm học bạ để xét tuyển. Trước đó, những năm gần đây trường ĐH này chỉ xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, với 2 phương thức: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế.
GS-TS Ngô Minh Xuân, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cũng cho biết dù chưa có kế hoạch tuyển sinh chính thức nhưng năm 2023 chủ trương của trường vẫn kiên định không sử dụng điểm học bạ trong xét tuyển đầu vào. Ông Xuân cho biết, căn cứ xét tuyển duy nhất được sử dụng nhiều năm là kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, do tính khách quan, sự đồng đều và đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành khoa học sức khỏe.
"Trường từng xét đặc cách một số thí sinh qua học bạ do các em này không thể tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT do ảnh hưởng của Covid-19, nhưng việc xét tuyển cũng gặp khó khăn do điểm học bạ khá cao", ông Xuân cho hay.
Phương án tuyển sinh năm 2023 của Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng cho thấy đơn vị này đặc biệt chú trọng kết hợp các tiêu chí trong một phương thức xét tuyển. Trong đó, kết quả học tập THPT được đưa vào sử dụng nhưng chỉ là một tiêu chí kết hợp trong các phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi đánh giá năng lực, văn bằng chứng nhận chuyên môn (áp dụng cho ngành y học cổ truyền).
Chia sẻ về việc này, PGS-TS-BS Phạm Anh Vũ Thụy, Trưởng phòng Đào tạo sau ĐH, phụ trách phòng Đào tạo ĐH của Khoa Y, cho biết do đặc thù ngành nghề đào tạo nên khoa có xu hướng kết hợp nhiều tiêu chí thay vì sử dụng đơn lẻ từng tiêu chí trong xét tuyển. Điều này nhằm nâng cao chất lượng người học.
Những trường ĐH có nhiều thí sinh quan tâm khác cũng có xu hướng tương tự khi xem điểm học tập THPT là một trong các tiêu chí đánh giá. Chẳng hạn, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM bắt đầu áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí tới tối đa 90% tổng chỉ tiêu. Trong đó, điểm học tập THPT là một trong các căn cứ đánh giá bên cạnh kết quả thi đánh giá năng lực, điểm thi tốt nghiệp và các năng lực khác (chứng chỉ, giải thưởng).
Bình luận (0)