Nhiều trường ĐH đào tạo CĐ nhưng chưa được cấp phép?

08/08/2019 08:10 GMT+7

Danh sách 45 trường đại học được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp giấy chứng nhận hoạt động giáo dục nghề nghiệp được công bố trong văn bản đề nghị dừng tuyển sinh cao đẳng vừa qua, vô tình đã 'tố cáo' nhiều trường đại học trên thực tế tuyển sinh và đào tạo cao đẳng mà chưa hề đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

 

Tuyển sinh hàng loạt ngành

Chẳng hạn, Trường ĐH Nam Cần Thơ không có tên trong danh sách 45 trường được cấp phép nhưng trong mấy năm qua vẫn liên kết với Trường CĐ Miền Nam tuyển sinh và đào tạo các ngành gồm điều dưỡng, dược sĩ, kế toán, tài chính ngân hàng, công nghệ kỹ thuật kiến trúc, kỹ thuật xét nghiệm y học, công nghệ ô tô, quản trị khách sạn…
Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương cũng chưa đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN), nhưng vẫn tuyển sinh và đào tạo các ngành như tiếng Anh thư ký văn phòng, tài chính - ngân hàng, kế toán, dịch vụ pháp lý, tin học ứng dụng, công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, công nghệ kỹ thuật hóa học, dược sĩ.
Trường ĐH Nha Trang cũng xét tuyển CĐ với mức điểm từ 5 - 5,5, các ngành như công nghệ thông tin, tiếng Anh du lịch, quản trị kinh doanh, kế toán, công nghệ kỹ thuật nhiệt, công nghệ thực phẩm…
Tại TP.HCM, một số trường ĐH mặc dù không đăng công khai việc tuyển sinh CĐ trên website và dù chưa có tên trong danh sách được cấp phép nhưng trên thực tế vẫn tổ chức tuyển.

“Xét tuyển nhưng chưa có thí sinh nộp hồ sơ”

Trao đổi với PV Thanh Niên, thạc sĩ Trần Thanh Vũ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương, thừa nhận trường vẫn đào tạo hệ CĐ trong mấy năm qua. “Nhưng năm nay đến thời điểm này vẫn chưa có ai nộp hồ sơ cả”, thạc sĩ Vũ nói. Khi được hỏi trường đã đăng ký hoạt động GDNN theo quy định hay chưa thì ông Vũ cho biết việc này có một người khác phụ trách nên “không rõ”.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ lại cho rằng trường không tuyển sinh CĐ của trường, mà chỉ tuyển qua chương trình liên kết với Trường CĐ Miền Nam. “Chúng tôi chỉ liên kết với Trường CĐ Miền Nam để đào tạo CĐ tại Trường ĐH Nam Cần Thơ hoặc tại Trường CĐ Miền Nam. Trường này đã đăng ký hoạt động GDNN rồi, và đào tạo ở Cần Thơ là do đã được UBND TP.HCM và UBND TP.Cần Thơ đồng ý. Tuy nhiên đến nay cũng chưa có em nào đăng ký học cả”, ông Quang cho hay.
Lý giải về việc vẫn tuyển sinh và đào tạo CĐ, tiến sĩ Quách Hoài Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nha Trang, thông tin: “Thứ nhất, vì năm 2017 chúng tôi tiếp cận được văn bản đề nghị chuyển đổi của Tổng cục GDNN chậm nên khi làm thủ tục thì được tổng cục trả lời là trễ rồi. Năm 2018 chúng tôi làm lại hồ sơ mới hoàn toàn thì tổng cục nói sắp dừng đào tạo CĐ trong trường ĐH. Việc đào tạo CĐ chúng tôi đã làm nhiều năm nay, khi Bộ GD-ĐT còn quản lý. Cho nên chúng tôi tiếp tục tuyển cho đến khi nào có văn bản chính thức của Bộ LĐ-TB-XH về việc dừng đào tạo này”. Ông Nam chia sẻ thêm, năm 2019 trường cũng đã trình hồ sơ đăng ký tới Tổng cục GDNN. Sau khi có các thông báo của tổng cục về việc tuyển sinh CĐ, trường đang xúc tiến làm việc và chờ hướng dẫn tiếp theo của tổng cục về việc này.

Chưa đăng ký mà tuyển sinh là vi phạm

Ông Vũ Văn Hà, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục GDNN, khẳng định: “Từ 1.1.2017, khi Bộ LĐ-TB-XH được giao quản lý hoạt động GDNN, chúng tôi đã gửi ít nhất 3 công văn cho tất cả trường CĐ, trung cấp và trường ĐH có đào tạo CĐ (các ngành ngoài sư phạm), các sở LĐ-TB-XH về việc hướng dẫn các thủ tục chuyển đổi về pháp lý, chương trình đào tạo… Trong đó, Công văn số 134 có hướng dẫn cụ thể về các thủ tục đăng ký hoạt động GDNN”.
Nội dung Công văn 134 nêu rõ: “Đối với trường CĐ, trung cấp và cơ sở giáo dục ĐH không điều chỉnh quy mô, không mở ngành, nghề đào tạo mới thì thực hiện việc chuyển đổi để được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN trình độ CĐ, trung cấp. Văn bản đề nghị chuyển đổi cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN vận dụng theo mẫu quy định tại phụ lục kèm theo Nghị định số 143”.
Để chuyển đổi, các trường phải nộp bản photo giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề hoặc quyết định mở mã ngành đào tạo CĐ do cơ quan có thẩm quyền trước đó đã cấp, kèm danh sách đội ngũ nhà giáo tham gia giảng dạy các ngành, nghề này và chương trình đào tạo của từng ngành, nghề đã được xây dựng, chuyển đổi theo luật GDNN.
“Sau khi Bộ LĐ-TB-XH được Chính phủ giao nhiệm vụ là cơ quan quản lý nhà nước thì việc các trường đăng ký lại hoạt động GDNN và làm các thủ tục chuyển đổi theo luật GDNN là cần thiết cho công tác quản lý. Lúc đầu quy định phải chuyển đổi xong trước 30.5.2017, nhưng một số trường nói gấp quá không kịp nên chúng tôi gia hạn đến 31.7.2017. Ngay cả các trường sau 31.7 chưa làm kịp thì chúng tôi vẫn có văn bản đề nghị lập hồ sơ và chấp nhận luôn. Vì thế không thể nói là do làm trễ mà Tổng cục GDNN không cho đăng ký”, ông Hà thông tin.
Ông Hà nhìn nhận: "Các trường chưa đăng ký hoạt động GDNN mà vẫn đào tạo CĐ là vi phạm quy định và sẽ xem xét xử lý theo Nghị định 79 về vi phạm hành chính trong hoạt động GDNN.
Ông Hà cho biết thêm, trường hợp Trường ĐH Nam Cần Thơ liên kết với CĐ Miền Nam để đào tạo CĐ, nếu việc liên kết do Trường ĐH Nam Cần Thơ chủ trì, thì phải báo cáo với Bộ GD-ĐT và được đồng ý, đồng thời phải đăng ký bổ sung hoạt động GDNN với Tổng cục GDNN theo quy định tại Nghị định 143.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.