Nhiều trường ĐH điểm chuẩn sẽ giảm đến 3 điểm

13/07/2018 08:43 GMT+7

Theo đại diện các trường ĐH, dự kiến điểm trúng tuyển vào các ngành sẽ giảm theo các mức khác nhau tùy nhóm ngành đào tạo.

Thông tin này đã được nêu ra trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến của Báo Thanh Niên với chủ đề “Cần làm gì khi biết kết quả thi THPT quốc gia?” tại thanhnien.vn, Facebook/thanhnien.com và YouTube Thanh Niên hôm qua.
[VIDEO] Làm gì khi biết kết quả thi THPT quốc gia?
Y dược giảm nhưng vẫn cao
PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết ngày 17.7 hội đồng tuyển sinh trường họp xác định điểm sàn. Tuy nhiên với phổ điểm thấp hơn, chính sách điểm ưu tiên thay đổi nên điểm chuẩn các ngành sẽ thấp hơn. Trong đó những ngành y khoa, răng hàm mặt và dược học dù điểm chuẩn thấp hơn nhưng vẫn sẽ ở mức cao. Các ngành còn lại dự báo điểm chuẩn cũng sẽ không giảm nhiều.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cũng cho biết điểm chuẩn trường năm nay sẽ giảm hơn năm trước. Dự kiến ngành y điểm xét tuyển có thể giữ nguyên, ngành dược giảm còn 16 điểm. Các ngành khác như du lịch, công nghệ thông tin (CNTT) dự kiến nhận hồ sơ từ 14 - 15 điểm và các ngành khác ở khoảng 13 điểm.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết trường dự kiến điểm nhận hồ sơ ngành dược từ 18 trở lên. Một số ngành như CNTT, công nghệ kỹ thuật ô tô, ngôn ngữ Nhật, ngôn ngữ Anh, marketing, quản trị khách sạn... sẽ ở mức 14 - 15 điểm. Các ngành còn lại dự kiến từ 13 - 14 điểm.
Trong khi đó thạc sĩ Hồ Thanh Tình, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, thì lưu ý ngành y khoa và y học dự phòng chỉ xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia, không xét bằng học bạ.
[VIDEO] Làm gì khi biết kết quả thi THPT quốc gia?- P2
Bao nhiêu điểm đậu ngành báo chí?
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM, cho biết trường dự kiến phân điểm “sàn” thành 3 nhóm và thấp nhất là 16 điểm. Trường đang cân nhắc điểm sàn một số ngành điểm trúng tuyển cao.
Theo ông Hạ, ngành báo chí và truyền thông luôn có nhiều thí sinh (TS) lựa chọn và thường có điểm chuẩn thuộc nhóm cao nhất của trường. Bên cạnh đó, các ngành du lịch, Nhật Bản học, Hàn Quốc học, ngôn ngữ Anh, du lịch và tâm lý học… cũng là những ngành nhiều TS lựa chọn. TS có điểm từ 21 - 22 điểm trở lên thì mới nên nộp hồ sơ. Các nhóm còn lại, TS đạt từ 18 - 20 sẽ tự tin hơn.
Ông Hạ lưu ý: “Thông thường ngành báo chí và truyền thông tổ hợp khối C điểm trúng tuyển luôn cao hơn các tổ hợp còn lại. Dù điểm sử năm nay thấp hơn nhiều so với năm ngoái nhưng tôi tin sẽ không tác động nhiều tới những TS thực sự có khả năng ở tổ hợp khối C. Vì vậy nếu có điểm trên 22 khối khác thì có hy vọng, còn khối C thì không chắc chắn”.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Hạ, TS có hộ khẩu thường trú tại khu vực Tây Nam bộ sẽ có thêm cơ hội học ngành “nóng” tại cơ sở Bến Tre với điểm chuẩn thấp hơn 2 điểm so với cơ sở chính. Cụ thể gồm du lịch, báo chí và truyền thông, ngôn ngữ Anh, Nhật Bản học.
PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, cũng sẽ đưa ra điểm xét tuyển theo các ngành. TS có thể tham khảo điểm chuẩn các ngành của trường năm 2016 để quyết định. Ví dụ, dựa trên điểm chuẩn năm 2016 TS đạt khoảng 21 điểm thì vẫn có cơ hội cao khi nộp hồ sơ vào ngành ngôn ngữ Anh.
[VIDEO] Làm gì khi biết kết quả thi THPT quốc gia?- P3
Kinh tế, bách khoa giảm mạnh?
Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, dự kiến điểm “sàn” sẽ gồm nhiều mức, trong đó thấp nhất là 16 và cao nhất là 18 điểm. “Trong đó nhóm ngành điểm chuẩn có thể cao hơn gồm: kinh doanh quốc tế, kinh doanh thương mại, marketing, quản trị khách sạn, quản trị du lịch và lữ hành (từ 19 - 20). Các ngành còn lại dự kiến điểm chuẩn thấp hơn mức này”, thạc sĩ Đương cho biết.

Thạc sĩ Lương Đình Thành, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết năm nay trường không đặt ra điểm “sàn” nhưng có khuyến nghị với TS về tình hình điểm chuẩn để TS nộp hồ sơ có khả năng trúng tuyển cao nhất. Trong đó các ngành “nóng” như khoa học máy tính, ô tô, điện, xây dựng năm nay điểm chuẩn có thể giảm 3 điểm (năm ngoái điểm chuẩn từ 25 trở lên). Các ngành năm ngoái dưới 25 điểm thì năm nay có thể giảm bớt 2 điểm.
Tiến sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, cũng cho biết với phổ điểm hiện nay các ngành khối A xét tuyển từ 21 điểm trở lên sẽ có biến động lớn theo hướng giảm nhiều. Từ đó cũng sẽ có những biến động về điểm chuẩn các ngành của trường. Cụ thể điểm chuẩn ngành CNTT và các ngành ngôn ngữ sẽ giảm, các ngành khác có thể trong mức từ 14 - 16 điểm.
Tiến sĩ Hồ Viễn Phương, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Kinh tế - tài chính TP.HCM, cho biết: “Với mức từ 18 điểm trở lên TS sẽ có cơ hội trúng tuyển vào trường với các nhóm ngành như: kinh doanh - kinh tế, ngôn ngữ và dịch vụ”.
Trong khi đó, thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, dự kiến điểm chuẩn năm nay cũng bằng hoặc cao hơn không nhiều so với năm 2017. Trong đó ngôn ngữ Anh là ngành được TS lựa chọn nhiều và với mức điểm từ 18 trở lên thì nên nộp hồ sơ.
Đại diện Trường ĐH Kinh tế - tài chính TP.HCM cho biết có 3 ngành được doanh nghiệp tài trợ 50% học phí cho sinh viên trong suốt quá trình học gồm: ngôn ngữ Nhật, công nghệ thông tin, thương mại điện tử.
Riêng Trường CĐ Đại Việt, TS có thể tham gia xét tuyển bằng học bạ và kết quả thi vào các ngành của trường. Sinh viên trúng tuyển nếu ký kết sẽ được cam kết việc làm sau khi ra trường.
[VIDEO] Không học đại học thì làm gì?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.