Trường học thành nơi chăn thả trâu bò
Trường THCS Thạch Bình (xã Thạch Bình, TP.Hà Tĩnh) là một trong số các trường học bị bỏ hoang sau sáp nhập trường của tỉnh Hà Tĩnh.
Trường THCS Thạch Bình bị bỏ hoang, xuống cấp sau sáp nhập |
PHẠM ĐỨC |
Ngôi trường này đang trở thành nơi chăn thả trâu bò của người dân địa phương nên rất nhếch nhác. Theo tìm hiểu của phóng viên, ngôi trường có rộng gần 15.000 m2 này được xây dựng năm 2005, với một dãy nhà 2 tầng gồm 8 phòng học, phòng đa năng và phòng hiệu bộ. Thực hiện việc sáp nhập, từ năm 2016, toàn bộ học sinh Trường THCS Thạch Bình đã được chuyển về học tại Trường THCS Đại Nài (P.Đại Nài, TP.Hà Tĩnh) cho đến nay.
Một người dân ở gần Trường THCS Thạch Bình cho biết, trước đây, ngôi trường được đầu tư với kinh phí nhiều tỉ đồng, đưa vào sử dụng được hơn 10 năm thì phải sáp nhập.
Do bị bỏ hoang và không ai quản lý nên một số trang thiết bị dạy học đã bị người dân vào lấy đi. Nhiều người cũng đưa trâu bò vào đây chăn thả vì không bị ai cấm đoán, nhắc nhở.
“Việc sáp nhập trường theo tôi là một chủ trương đúng, được người dân đồng tình, nhưng việc quản lý, thanh lý cơ sở vật chất trường học dư thừa để tránh lãng phí thì chính quyền địa phương và ngành giáo dục chưa làm được. Như Trường THCS Thạch Bình đây, sau nhiều năm bỏ hoang, nay đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, khiến chúng tôi rất xót”, người dân này phản ánh.
H.Lộc Hà (Hà Tĩnh) cũng là một trong số các địa phương ở Hà Tĩnh hiện đang có nhiều trường học dôi dư bỏ hoang sau sáp nhập. Đơn cử như Trường THCS Đặng Tất (xã Phù Lưu, H.Lộc Hà), sau khi sáp nhập vào Trường THCS Hậu Lộc (xã Ích Hậu, H.Lộc Hà) năm 2015, đến nay ngôi trường cấp 2 có 10 phòng học này vẫn đang để không, cơ sở vật chất bị xuống cấp.
Cách đó không xa, Trường THCS Thịnh Lộc (xã Thịnh Lộc, H.Lộc Hà) sau khi sáp nhập với Trường THCS Bình An Thịnh (xã Bình An, H.Lộc Hà) năm 2013 cũng rơi vào tình trạng không sử dụng đến và cũng hư hỏng, xuống cấp như trường Trường THCS Đặng Tất.
Chuyển đổi mục đích sử dụng
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc sáp nhập trường học tại Hà Tĩnh được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn trước năm 2015, sau khi thực hiện việc sáp nhập đã dôi ra 94 ngôi trường. Giai đoạn sau năm 2015, thực hiện sáp nhập trường học cũng có tới 81 ngôi trường dôi ra.
Theo số liệu thống kê của Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh này có hơn 10 trường học từ bậc mầm non đến THCS dôi ra sau sáp nhập vẫn đang bị bỏ hoang do chính quyền địa phương gặp khó khăn trong việc tìm đơn vị để thuê hoặc chuyển sang mục đích sử dụng khác. Số trường bị bỏ hoang chủ yếu trong giai đoạn sáp nhập trước năm 2015.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Khắc Phong, Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc, cho hay hiện địa phương này đã làm thủ tục xin chuyển đổi khuôn viên Trường THCS Thịnh Lộc làm sân vận động, khu vui chơi giải trí của xã. Còn dãy phòng học thì chưa có phương án xử lý và hiện nay cũng khó để tận dụng vì đã xuống cấp.
Ông Nguyễn Viết Cường, Phó chủ tịch UBND H.Lộc Hà, thừa nhận các trường dôi ra sau sáp nhập được UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép giao chính quyền các địa phương quản lý và làm hồ sơ chuyển đổi mục đích nhằm tránh lãng phí. Tuy vậy, khi chuyển sang mục đích sử dụng khác thì phải bỏ thêm kinh phí xây dựng, sửa sang lại nhằm đảm bảo công năng thì nguồn lực của địa phương không có. Vì thế, công tác đầu tư vào các ngôi trường bị bỏ hoang còn chậm, thậm chí chưa thể thực hiện được triệt để và đồng bộ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trước tình trạng trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh đang giao Sở Tài chính tiến hành rà soát, có phương án tận dụng các trường học bị dôi dư, nhằm tránh bỏ hoang gây lãng phí kéo dài như hiện nay.
Bình luận (0)