Phát hiện ung thư vú dù không có biểu hiện bất thường
Cô H.T.T (51 tuổi, Quảng Nam), chị T.T.N (40 tuổi, Đà Nẵng) và chị H.T.T (39 tuổi, Quảng Nam) đều đến Bệnh viện Gia Đình để khám vú định kỳ mà không hề có bất kỳ triệu chứng hay tiền sử bất thường. Thế nhưng, khi bác sĩ kiểm tra bằng siêu âm lại có hình ảnh khối u nghi ngờ ác tính với kích thước # 5mm, # 6mm và # 8mm. Sau khi tiến hành làm xét nghiệm chọc hút tế bào dưới hướng dẫn siêu âm (FNA), kết quả cho thấy có sự hiện diện của tế bào ung thư. Các bệnh nhân sau đó đã được hội chẩn lại tại bệnh viện chuyên khoa và có kết quả tương đương.
Ung thư vú ngày càng gia tăng
Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 21.555 ca mắc mới ung thư vú, chiếm 25.8 % tổng số các bệnh ung thư ở nữ giới, là ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ Việt Nam. Riêng tại châu Á, số ca mắc mới chiếm tới 45% số ca ung thư vú trên toàn thế giới, dự kiến sẽ tăng 20,9% trong giai đoạn 2020-2030. Tại Bệnh viện Gia Đình, trong vòng chưa đầy ba tháng đã phát hiện 15 trường hợp mắc mới ung thư vú, chiếm 0,01% số bệnh nhân đến thăm khám vú.
ThS.BS Bùi Thị Như Quỳnh, Đơn vị Nhũ, Bệnh viện Gia Đình chia sẻ: Nhiều bệnh nhân hay lầm tưởng chỉ nên đi khám vú khi phát hiện những bất thường như sờ thấy khối u, đau vú hay núm vú tiết dịch bất thường... Thực tế, ung thư vú phát triển âm thầm, khi có thể sờ được thấy khối u nghĩa là bệnh đã bước vào giai đoạn tiến triển. Việc tầm soát ung thư vú không thể giúp dự phòng ung thư, tuy nhiên nó giúp phát hiện ung thư từ giai đoạn sớm, từ đó việc điều trị cũng như tiên lượng sống sẽ tốt hơn. Nếu ung thư vú được chẩn đoán sớm khi bệnh còn khu trú trong tuyến vú thì tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân sau điều trị lên tới trên 90%. Nghiên cứu ở các nước châu Á đã chỉ ra tỷ lệ sống thêm 05 năm trong khoảng từ 56,5% đến 86,7%.
Chính vì vậy, việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú ngay khi phụ nữ sang độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao (từ độ tuổi 40 trở lên) là rất quan trọng.
Sống khỏe sau 1 năm nhờ phát hiện sớm ung thư vú
Không hiếm những trường hợp nhờ phát hiện sớm ung thư vú mà đã sớm lấy lại cuộc sống khỏe mạnh. Chị N.T.K.A (37 tuổi, Quảng Nam), vào tháng 4.2023, trong lúc tắm, chị tình cờ phát hiện một khối u nhỏ ở vú trái nhưng không đau. Do bận rộn với công việc, chị đã không đi khám ngay. Mãi đến tháng 6.2023, khi tới kiểm tra tại Đơn vị Nhũ - Bệnh viện Gia Đình, chị nhận được kết quả rằng khối u có dấu hiệu bất thường, với đánh giá BIRADS 5 và BIRADS 4C.
Trong vòng 1 năm chị đã trải qua phẫu thuật cắt bỏ vú trái và 4 đợt hóa trị, sức khỏe của chị K.A hiện đã ổn định. Chị chia sẻ, hiện tại chị đã khỏe mạnh, quay trở lại nhịp sống bình thường, nhưng chị vẫn hối tiếc nếu lúc đó chị đi khám ngay khi phát hiện khối u, việc điều trị có thể đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Theo ThS.BS Nguyễn Thị Thùy Trang, Trưởng Đơn vị Nhũ, Bệnh viện Gia Đình: để tầm soát tốt ung thư vú cho chị em phụ nữ, bệnh viện đã trang bị các phương tiện chẩn đoán hình ảnh hiện đại như máy MRI 1.5 Tesla, máy X-quang vú, máy siêu âm Samsung V8 cùng sự kết hợp nhiều kỹ thuật can thiệp khó. Nổi bật là kỹ thuật phẫu thuật bóc u vú nhỏ dưới 1cm khi có tế bào biến đổi bất thường. Đối với những khối u này, các bác sĩ sẽ phẫu thuật lấy ra khỏi cơ thể một cách chính xác nhờ kỹ thuật định vị kim dây vào khối u dưới hướng dẫn siêu âm trước khi nó biến đổi thành ác tính.
Bình luận (0)