Nhiều tuyến đường mới về đích đón lễ

30/04/2024 03:56 GMT+7

TP.HCM những ngày cận lễ 30.4 - 1.5 nóng như chảo lửa nhưng không làm vơi đi niềm háo hức của người dân TP khi những công trình quan trọng đã kịp về đích, trả lại cho người dân những con đường sạch đẹp tinh tươm đón lễ.

Người dân phấn khởi đón đường mới

Sáng 27.4, vỉa hè dọc tuyến đường Võ Văn Ngân (TP.Thủ Đức) đã được lát đá phẳng đẹp, hàng cờ đỏ rực rỡ được người dân treo hai bên đường để chào mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đối với hàng ngàn hộ dân sinh sống hay thường xuyên di chuyển qua tuyến đường này, ngày lễ 30.4 năm nay còn mang ý nghĩa đặc biệt, "giải phóng" con đường khỏi những "hung thần" lô cốt đã án ngữ suốt 4 năm qua.

Đường Võ Văn Ngân thoát lô cốt, sạch sẽ tinh tươm đón lễ

Đường Võ Văn Ngân thoát lô cốt, sạch sẽ tinh tươm đón lễ

Đ.T

Khởi công vào cuối năm 2020, hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân kéo dài khoảng 2,5 km từ ngã tư Thủ Đức đến Cầu Ngang, với tổng mức đầu tư khoảng 248 tỉ đồng mang rất nhiều kỳ vọng cho người dân tại TP sáng tạo phía đông. Bởi trước đó, Võ Văn Ngân là 1 trong những "rốn ngập" không chỉ của Thủ Đức mà cả TP.HCM. Quy tụ rất nhiều hàng quán, hộ kinh doanh tại chỗ nên tình trạng ngập lụt trên tuyến đường này ảnh hưởng nghiêm trọng tới cả đời sống lẫn sinh hoạt của các gia đình.

Dự kiến hoàn thành sau 17 tháng nhưng dự án liên tục chậm trễ, bước sang năm thứ 4 vẫn chưa hoàn thành. Trong thời gian thi công, công trình còn bê bối, bị người dân phản ánh liên tục. Thanh tra Sở GTVT TP.HCM đã có tới 15 biên bản nhắc nhở, 8 lần ra công văn xử phạt trước khi nhà thầu chính thức bị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP.Thủ Đức (chủ đầu tư) chấm dứt hợp đồng từ ngày 24.10.2023. Suốt thời gian dự án thi công sau đó, đường Võ Văn Ngân ngày càng ngập nặng; ùn tắc, tai nạn gia tăng do một số đoạn thi công mặt đường hư hỏng, xuống cấp. Hàng dài lô cốt án ngữ từ tháng này qua năm nọ. Xung quanh rào chắn liên tục xuất hiện những đường nứt lớn, chỉ mấy ngày sau sụp xuống biến thành những hố sâu, khiến ai cũng ám ảnh.

Nhìn lại hành trình đó mới hiểu nỗi lòng của người dân khu vực này khi công trình hoàn thành. Trong buổi lễ khánh thành công trình, bà Lê Thị Ngọc Lan (ngụ đường Võ Văn Ngân, P.Bình Thọ) phấn khởi chia sẻ: "Chúng tôi mong mỏi công trình sẽ mang lại hiệu quả lớn trong việc thoát nước khi mưa xuống, chấm dứt tình trạng cứ mưa là ngập như mấy năm qua".

Trước đó 1 ngày, UBND Q.8 cũng đã tổ chức lễ khánh thành đường Tạ Quang Bửu sau 23 năm từ khi khởi công lần đầu. Đoạn mới được nâng cấp dài gần 700 m, mở rộng lên 21 m, vốn đầu tư 330 tỉ đồng, là một phần của công trình mở rộng đường Tạ Quang Bửu từ Phạm Hùng đến Âu Dương Lân. Khởi công từ năm 2001 nhưng vướng mặt bằng và chờ điều chỉnh nên dự án ngưng từ năm 2005 khiến người dân sinh sống trên đường Tạ Quang Bửu phải đối mặt với bê tông, ống cống, đất đá ngổn ngang trước nhà; mặt đường đầy đất đá và sình lầy, có đoạn lồi lõm, khiến người chạy xe máy dễ bị trượt ngã. Khi trời mưa, mặt đường sình lầy như ruộng, khiến người đi đường lãnh đủ dơ bẩn, còn trời nắng mỗi ngày có hàng ngàn lượt xe (đặc biệt là xe tải) lưu thông gây bụi mù mịt...

Đến tháng 4.2023, dự án mới được tái khởi động và hoàn thiện phần còn lại sau 1 năm xây dựng.

Chờ đợi hơn 20 năm, ông Trần Trọng Phúc (người dân sinh sống tại Q.8) xúc động bày tỏ: "Tuyến đường được hoàn thành là niềm hạnh phúc, hân hoan của chúng tôi, tạo điều kiện cho chúng tôi sinh sống, học tập, phát triển kinh tế".

Đường Tạ Quang Bửu hoàn thành sau hơn 20 năm kể từ ngày khởi công

Đường Tạ Quang Bửu hoàn thành sau hơn 20 năm kể từ ngày khởi công

N.N

Phía nam TP, 26.4 cũng là ngày người dân H.Nhà Bè và Q.7 đón đường Phạm Hữu Lầu mới rộng thênh thang (đoạn 1,7 km từ đường Lê Văn Lương đến Nguyễn Hữu Thọ). Đây là một trong các tuyến đường trục chính kết nối giao thông từ các khu dân cư hiện hữu ở đường Lê Văn Lương ra đường Nguyễn Hữu Thọ, 15B, Huỳnh Tấn Phát đi vào trung tâm TP.HCM. Việc thông xe tuyến đường này đóng vai trò nâng cao năng lực giao thông, đồng bộ hạ tầng giao thông tại H.Nhà Bè; tạo điều kiện cho người dân đi từ H.Nhà Bè về Q.7 thuận tiện hơn, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH nơi đây.

Đội nắng thi công xuyên lễ nhiều dự án trọng điểm

Trong khi các tuyến đường mới đã "thay áo mới" đón lễ thì trên công trường nhiều dự án trọng điểm tại TP.HCM những ngày qua, các kỹ sư, công nhân vẫn miệt mài chạy đua tiến độ.

Dưới cái nắng nóng như chảo lửa, các chuyên gia, kỹ sư, công nhân của Nhà thầu SCC (gói thầu CP2) và Liên danh tư vấn NJPT suốt gần 1 tháng qua khẩn trương thi công ngày đêm để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cầu bộ hành của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chào mừng 49 năm ngày thống nhất đất nước. Các cây cầu bộ hành của tuyến metro số 1 có vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo thuận lợi cho hành khách tiếp cận nhà ga thuận tiện và an toàn, đồng thời cũng là hướng thoát hiểm chính trong trường hợp xảy ra sự cố khẩn cấp. Vì thế, phía nhà thầu phải đẩy nhanh tiến độ để các cầu bộ hành về đích cùng nhịp với kế hoạch khai thác thương mại tuyến metro số 1 vào quý 3 tới.

Xuyên lễ thi công cầu bộ hành kết nối tuyến metro số 1

Xuyên lễ thi công cầu bộ hành kết nối tuyến metro số 1

MAUR

Theo đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), hiện nay, dọc theo trục đường Võ Nguyên Giáp (xa lộ Hà Nội cũ), MAUR đang triển khai thi công đồng thời 9 cầu bộ hành kết nối nhà ga trên cao (từ ga Tân Cảng đến ga Đại học Quốc gia). Nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công cầu bộ hành, nhà thầu và MAUR đã bổ sung nhân lực, đồng loạt triển khai 15 mũi thi công tại các vị trí đã được bàn giao mặt bằng và được cấp phép thi công. Không chỉ tăng cường tổ chức thi công cả ngày và đêm mà số ngày phép, kỳ nghỉ lễ của các kỹ sư, công nhân nhà thầu cũng phải rút ngắn, ưu tiên công việc dự án. Đến hết tháng 4, MAUR đã hoàn thành công tác gác dầm tại 5/9 cầu bộ hành. Trong đó, 2 cầu bộ hành tại ga Khu công nghệ cao và ga Bình Thái đã hoàn thành toàn bộ các hạng mục: kiến trúc, cơ điện, biển báo, biển hiệu… nhà ga. 3 cầu bộ hành đã hoàn tất gác dầm còn lại tại ga Rạch Chiếc, Phước Long, Tân Cảng cũng dự kiến hoàn thành toàn bộ các hạng mục trong tháng 5.

Tương tự, đại công trường nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng hầm hập hơi nóng phả ra từ máy móc, hòa thêm cái nắng nóng đo được ngoài trời lên tới hơn 40 độ C. Liên danh nhà thầu đã huy động trên 400 xe máy, thiết bị và 1.400 công nhân, kỹ sư miệt mài bám việc, bám công trường để đẩy nhanh tiến độ lắp mái cho nhà ga có công 20 triệu khách/năm vào đầu tháng 5, trước mùa mưa. Sau 8 tháng khởi công (ngày 31.8.2023), công trình đang dần rõ hình hài, thi công tới tầng thứ 3; phần thiết bị đã ký kết hợp đồng mua sắm; đường kết nối do TP.HCM làm chủ đầu tư cũng cơ bản hình thành. Chế độ làm việc 3 ca, 4 kíp vẫn được duy trì xuyên lễ 30.4 - 1.5 với quyết tâm vượt tiến độ thi công 2 tháng, đưa vào khai thác đúng ngày 30.4.2025, chào mừng 50 năm thống nhất đất nước.

Khắp các cửa ngõ, những "siêu dự án" như hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; mở rộng QL50; dự án Vành đai 3 TP.HCM; nút giao An Phú; đường nối Trần Quốc Hoàn cũng không có ngày nghỉ, tranh thủ đường sá thông thoáng trong 5 ngày nghỉ lễ để đẩy ca, tăng kíp, chạy tiến độ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng thắng mưa", thi công 3 ca, 4 kíp, "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương"…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.