Nhiều vụ tai nạn thảm khốc do đạo đức tài xế

Mỗi ngày, trên các trang báo đều tràn ngập thông tin như xe container mất thắng lao vào xe con, xe khách đấu đầu nhau, xe điên tông hàng loạt xe máy, lùi xe trên cao tốc…

Đằng sau những dòng tin ngắn ngủi đó là rất nhiều thương vong, rất nhiều người vô tội bỗng trở thành nạn nhân trong chớp mắt.
Đâu là nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn? Do đường, do phương tiện, nhưng mấu chốt nhất vẫn là do tài xế, mà sâu xa hơn là do quy trình cấp bằng lái xe kém chặt chẽ hay đạo đức tài xế xuống cấp?
Tối 21.10, nữ tài xế điều khiển BMW đã đâm liên hoàn 5 chiếc xe máy đang chờ đèn đỏ tại ngã tư Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) khiến 1 người chết, 7 người bị thương. Chiếc xe chỉ chịu dừng lại khi đâm vào một chiếc taxi khiến taxi hư hỏng nặng. Nữ tài xế Nguyễn Thị Nga 46 tuổi khi bước xuống xe vẫn đang trong tình trạng say xỉn, vẫn thản nhiên gọi điện thông báo “cứ để em lo”.
Mới đây, một tài xế xe khách đã chia sẻ trạng thái “cảm thấy sợ hãi” trong clip ghi lại cảnh một chiếc xe tải thùng cỡ lớn điên cuồng phóng ngược chiều về phía xe của anh trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai lúc 1 giờ sáng. Đi đúng làn đường và tốc độ cho phép, khi bị ánh đè pha chiếu từ hướng ngược lại, nhờ phản xạ kịp thời của nhiều năm làm nghề, anh đã kịp thời đánh lái vào làn trong, tránh được cú va chạm tử thần với chiếc xe tải ngược chiều. Giả sử trong một tình huống xấu nhất, nếu có va chạm, không hiểu điều gì sẽ xảy ra với chiếc xe đang chở gần 40 người.
Trong những vụ việc trên, rất khó để bao biện điều gì với các tài xế, khi họ đều chủ động thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng với hệ lụy được tính bằng mạng người.
Dạy đạo đức không thể kiểu “cho có”
Trên thực tế, việc đào tạo lái xe đã có nhiều thay đổi cả về phương tiện lẫn công nghệ. Trong các chương trình đào tạo lái xe, với bằng B2, C đều có thêm chương trình giáo dục đào tạo đạo đức lái xe, văn hóa giao thông theo quy định của Tổng cục Đường bộ VN.
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN cho biết, chương trình đào tạo giấy phép lái xe ô tô đã biên chế môn đạo đức thành 20 tiết học. Trước khi trở thành những tài xế chính thức sẽ phải học những vấn đề cơ bản về phẩm chất đạo đức, đạo đức nghề nghiệp của người lái xe; cơ chế thị trường và sự cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh vận tải; trách nhiệm, quyền hạn của người sử dụng lao động, người lái xe trong kinh doanh vận tải. Ngoài ra, còn có nội dung thực hành cấp cứu...
Những năm gần đây, Ủy ban ATGT Quốc gia cũng phối hợp Bộ GD-ĐT đưa nội dung giáo dục pháp luật về giao thông vào nhà trường thông qua môn Giáo dục công dân và các cuộc thi về giao thông, qua đó đạt được nhiều chuyển biến tích cực từ ý thức tới hành vi của thế hệ trẻ. Hiệp hội vận tải ô tô VN đã đề xuất lái xe taxi phải được tập huấn và kiểm tra thường kỳ về đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp.
Dù vậy, những vụ tai nạn giao thông thương tâm xuất phát từ lái xe với đạo đức lái xe xấu xí vẫn xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Ngoài các vụ TNGT thương tâm, cách ứng xử của các tài xế khi xảy ra va chạm, cãi vã, thậm chí vác dao, gậy đánh nhau với người khác rất phổ biến.
Lái xe là một nghề vất vả, đạo đức người lái xe cần đi đôi với kinh nghiệm, kỹ năng hành nghề. Tuy nhiên, đạo đức lái xe rõ ràng không hình thành từ những khóa đào tạo ngắn hạn “cho có” tại các Trung tâm đào tạo lái xe. Các cơ quan quản lý trực tiếp và chính các doanh nghiệp quản lý lái xe phải là nơi giám sát trực tiếp, bồi dưỡng, tập huấn và kiểm tra thường kỳ về đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp đối với lái xe.
Với những lái xe đạo đức xấu xí, xử phạt vi phạm ở mức cao nhất, thậm chí tước bằng lái là một cách làm gương về bài học đạo đức cho những người khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.