Chiều 3.8, UBND TP.Hội An (Quảng Nam) tổ chức lễ khánh thành dự án tu bổ di tích chùa Cầu (Lai Viễn Kiều), nhân sự kiện "Giao lưu Văn hóa Hội An - Nhật Bản".
Bảo tồn tối đa các giá trị nguyên gốc
Phát biểu mở đầu lễ khánh thành, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP.Hội An, cho biết chùa Cầu là công trình có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, trở thành biểu tượng đặc trưng, là linh hồn của đô thị cổ Hội An.
Trong khoảng 400 năm tồn tại, kể từ khi khởi dựng, dù được bao thế hệ chính quyền và cư dân Hội An quan tâm gìn giữ, trùng tu, song chùa Cầu cũng không thể tránh khỏi sự xuống cấp như bao công trình kiến trúc gỗ khác.
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, chịu tác động của thời gian, môi trường, nhất là ảnh hưởng của bão hằng năm, công trình bị hư hỏng nghiêm trọng, cần phải được tu bổ khẩn cấp.
"Đây là lần đầu tiên mà công trình tu bổ di tích được "giải phẫu mở", thực hiện giữa lòng một đô thị di sản du lịch nhộn nhịp, người dân, du khách được quan sát, tiếp cận và theo dõi, tìm hiểu toàn bộ quá trình thực hiện tu bổ di tích chùa Cầu", ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, với sự khảo sát tỉ mỉ hiện trạng, cân nhắc kỹ lưỡng quan điểm, giải pháp trùng tu, cùng với sự tận tâm của đội ngũ trực tiếp tham gia dự án và ý kiến đóng góp của các chuyên gia về bảo tồn trong và ngoài nước, nhất là các bạn chuyên gia đến từ Nhật, sau hơn 19 tháng triển khai thi công tu bổ, việc trùng tu chùa Cầu đã hoàn thành một cách bài bản, khoa học.
"Dự án tu bổ di tích chùa Cầu đã đạt được những thành quả tốt đẹp như mong đợi, bảo tồn tối đa các giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa của di tích, đáp ứng sự mong đợi của những ai yêu mến và trân quý công trình kiến trúc có giá trị đặc biệt này. Việc hoàn thành tu bổ di tích chùa Cầu còn mang ý nghĩa to lớn trong dịp kỷ niệm lần thứ 20 sự kiện Giao lưu Văn hóa Hội An - Nhật Bản", ông Sơn nhấn mạnh.
Báo cáo kết quả hoàn thành dự án, ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, khẳng định hình dáng của kiến trúc, cấu trúc của kết cấu chùa Cầu, từ tổng thể đến chi tiết được bảo tồn gần như nguyên vẹn sau trùng tu. Trong sự nguyên vẹn của tổng thể hình thức kiến trúc và kết cấu, từng bộ phận, cấu kiện, hiện vật nguyên gốc, có giá trị lịch sử được trân quý gìn giữ ở mức tối đa có thể.
Việc trùng tu được bảo tồn tối đa các giá trị nguyên gốc. Hình thái kiến trúc chùa Cầu sau khi tu bổ hầu như không thay đổi, từ nét uốn cong mềm mại, uyển chuyển của diềm mái, lan can, sàn cầu; hình thức vững chãi, chắc chắn của hệ kết cấu khung chính chồng trụ đôi đến từng chi tiết đấu củng, con ke, họa tiết hoa văn trang trí… đều được giữ vẹn nguyên.
Theo ông Ngọc, di tích chùa Cầu đã được khắc phục gần như triệt để các khiếm khuyết, gia cường đáng kể sự chắc chắn, đảm bảo sự ổn định, bền vững để tiếp tục trường tồn cùng di sản văn hóa Hội An
Bên cạnh bảo tồn, giữ gìn giá trị di tích, dự án cũng thực hiện đồng bộ việc đầu tư nâng cấp hạ tầng cảnh quan, môi trường xung quanh cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo an ninh, an toàn và phục vụ phát huy hiệu quả, lâu dài giá trị di tích…
Chùa Cầu là di tích có giá trị đặc biệt
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Thái Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết chùa Cầu là di tích quốc gia, có giá trị đặc biệt trong quần thể kiến trúc di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An; là công trình lưu giữ những dấu ấn lịch sử tiêu biểu, chiều sâu văn hóa đặc sắc, biểu thị cho truyền thống giao lưu văn hóa quốc tế của mảnh đất và con người Hội An, Quảng Nam nói riêng, cả nước nói chung.
Công trình này đã trải qua ít nhất 7 lần tu bổ lớn vào các năm 1763, 1817, 1875, 1917, 1962, 1986, 1996. Việc trùng tu lần này là cấp bách vì nếu không công trình có nguy cơ sụp đổ khi mùa mưa bão đến.
Vì lẽ đó, việc trùng tu di tích chùa Cầu đặt ra yêu cầu rất cao về nhiều mặt cả trong quá trình chuẩn bị và triển khai thi công. Quá trình trùng tu được UBND TP.Hội An tiến hành rất kỹ lưỡng về mặt khoa học, lịch sử, văn hóa và các quy trình, thủ tục pháp lý.
"Có nhiều ý kiến khác nhau về kết quả trùng tu chùa Cầu là việc rất bình thường, qua đó cho thấy rất nhiều người yêu mến chùa Cầu và Hội An. Ngành văn hóa, TP.Hội An, lãnh đạo tỉnh luôn cầu thị, lắng nghe, tiếp thu, tham khảo để công tác trùng tu các di tích nói riêng và công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích tại Hội An cũng như trên địa bàn tỉnh được tốt hơn", ông Bình nói.
Ông Bình cũng hy vọng rằng, sau khi được trùng tu, chùa Cầu sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, mang lại nhiều giá trị văn hóa và kinh tế cho Hội An.
Ra mắt sách tu bổ di tích chùa Cầu
Dịp này, TP.Hội An sẽ xuất bản sách với tên gọi "Tu bổ di tích chùa Cầu". Nội dung sách là toàn bộ hồ sơ về quá trình tu bổ di tích chùa Cầu đã được Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An tập hợp, biên soạn và xuất bản với hy vọng sẽ đem đến cho các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, du khách gần xa, người dân Hội An có cái nhìn cặn kẽ, thấu đáo, hiểu rõ hơn quá trình tu bổ di tích chùa Cầu.
Đây cũng là cơ sở dữ liệu lưu trữ quan trọng cho thế hệ hôm nay và mai sau trong công tác quản lý bảo tồn, phát huy di tích đặc biệt này.
Như Thanh Niên thông tin, diện mạo mới của chùa Cầu sau cuộc đại trùng tu đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, nhiều người cho rằng việc trùng tu, đặc biệt màu sơn, đã khiến chùa Cầu "bớt cổ kính", di tích trở nên lạ lẫm so với trước đây. Tuy nhiên, cũng có nhiều người khen công trình sau trùng tu vẫn giữ được nguyên bản gốc, riêng về "sự cổ kính" thì theo thời gian sẽ lại có màu rêu phong.
Sau khi tiếp thu ý kiến từ người dân và du khách, TP.Hội An quyết định xử lý lại một số chi tiết nhỏ ở đà gỗ và chỗ vị trí dầm trắng dưới lan can chùa Cầu bằng cách quét vôi có nước lót màu trắng để màu sẫm hơn so với màu trắng hiện tại. Còn về màu sắc của chùa Cầu không có gì thay đổi.
Bình luận (0)