Năm 2015 chỉ còn những ngày cuối và giờ là lúc chúng ta có thể nhìn lại tất cả những thành tựu y học trong suốt năm qua.
Ảnh chụp màn hình Medical Daily |
Theo thống kê trên Medical Daily, đã có không ít những sáng kiến y tế ấn tượng và thậm chí còn có thể thay đổi bộ mặt nền y học thế giới.
1. Dùng virus gây bệnh bại liệt để điều trị u não
Sử dụng virus gây bệnh bại liệt - một loại virus có thể gây tê liệt, khó thở, thậm chí tử vong - để điều trị u nguyên bào xốp, một dạng khối u màng não khiến cho người mắc bệnh chỉ sống được trong vòng 1 năm, có vẻ như không thực tế. Nhưng tiến sĩ Matthias Gromeier và cộng sự tại Đại học Duke danh tiếng (Mỹ) đã thành công trong việc tái thiết kế, sử dụng virus gây bại liệt để điều trị u não bằng cách loại bỏ trình tự di truyền then chốt. Công trình nghiên cứu này diễn ra suốt 25 năm và chính thức được công bố vào đầu năm 2015.
2. Đột phá trong điều trị bệnh bạch cầu
Lisa và Ashleigh Richards đã tưởng như mất hết hy vọng khi cô con gái Layla 14 tuần tuổi của họ được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu cấp tính. Sau một số phương pháp điều trị bằng hóa trị và ghép tủy, các bác sĩ đã không tìm ra cách khả quan hơn. Nhưng may mắn cho Layla khi Waseem Qasim - giáo sư khoa tế bào và gien tại Viện y học và tư vấn miễn dịch học dành cho trẻ em UCL - đã mang đến hy vọng cho gia đình bệnh nhân bằng phương pháp chữa trị mới. Trong đó, các tế bảo miễn dịch, còn gọi là tế bào T, được sắp xếp lại thông qua liệu pháp điều trị gien để xác định và tiêu diệt tế bào ung thư.
3. Giao tiếp trực tiếp từ não tới não
Các nhà khoa học tại Đại học Washington đã áp dụng hình thức giao tiếp trực tiếp từ não tới não, kết hợp giữa hình ảnh thần kinh và kích thích thần kinh, cho phép bộ não của “người gửi” và “người nhận” đọc được suy nghĩ của nhau thông qua mã hóa thần kinh.
4. Chữa bệnh bằng phương pháp in hình ảnh 3D
Các nhà nghiên cứu từ nhiều trường đại học đã phát triển thành công phương pháp in 3D và kỹ thuật hình ảnh 3D để giúp khôi phục và phát triển lại các dây thần kinh chức năng cảm giác và vận động của chuột trong một thí nghiệm. Phương pháp này cuối cùng đã đươc áp dụng khá hiệu quả cho một bé gái 3 tuổi ở Trung Quốc mắc phải căn bệnh hiếm khi kích thước đầu cô tăng gấp 4 lần kích thước bình thường. Cô bé đã trải qua 17 giờ phẫu thuật tái tạo hộp sọ bằng cách sử dụng công nghệ in 3D để tạo ra hộp sọ titan mới đầu tiên trên thế giới.
5. Làm tan chảy thủy tinh thể
Đục thủy tinh thể - nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực và mù lòa trên toàn cầu - đang ảnh hưởng đến rất nhiều người. Bệnh nhân muốn điều trị chỉ có thể chấp nhận giải pháp đau đớn duy nhất là phẫu thuật loại bỏ phần thủy tinh thể bị đục và thay bằng một loại thấu kính nhân tạo. Nhưng đáng mừng là các nhà khoa học ở California đã phát hiện steroid - một loại hợp chất hữu cơ được sinh ra tự nhiên trong cơ thể - và dùng nó để tạo ra loại thuốc nhỏ mắt có thể làm “tan chảy” và thu nhỏ đáng kể kích thước phần thủy tinh thể bị đục.
6. Sử dụng tế bào gốc để tạo ra tinh trùng hoặc trứng
Một nhóm các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới đã cùng nhau làm lại các tế bào gốc lấy từ tế bào da người, không quan trọng giới tính của người tham gia, để phát triển tinh trùng và trứng. Phương pháp trên đã từng được thử nghiệm thành công ở loài chuột, nhưng đến năm nay mới được tiến hành, phát triển ở người. Các tế bào được tạo ra từ mầm tế bào nguyên thủy được chứng minh là giống với tế bào gốc. Cải tiến này được dự đoán sẽ đem lại nhiều tin vui cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.
7. Lần đầu tiên phẫu thuật cấy ghép dương vật
Đầu năm 2015, tiến sĩ Andre van der Merwe và các đồng nghiệp của mình ở Bệnh viện Tygerberg, Cape Town (Nam Phi) đã thực hiện ca phẫu thuật kéo dài 9 giờ cho một thanh niên 21 tuổi bị mất dương vật sau tai nạn cắt bao quy đầu bị hỏng. Nhóm phẫu thuật đã sử dụng phẫu thuật hiển vi để nối lại các mạch máu nhỏ và dây thần kinh.
Bình luận (0)