Cạnh tranh quyết liệt
Còn nhớ những ngày đầu năm 2019, dư luận thế giới đặt nhiều kỳ vọng vào tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và một thỏa thuận tích cực giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Thế nhưng, dù những cái bắt tay đã diễn ra, một cuộc gặp thượng đỉnh được chuẩn bị chỉn chu tại Hà Nội vào tháng 2 và một lần hội ngộ không báo trước vào tháng 7 ở DMZ tại giới tuyến liên Triều, Chủ tịch Kim Jong-un của CHDCND Triều Tiên và Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa thể hóa giải được những bất đồng về cách tiếp cận. Không bên nào chịu nhượng bộ đủ để phá thế bế tắc trên bán đảo Triều Tiên. Một hạn chót được đặt ra và những màn đấu khẩu quay trở lại. Vấn đề phi hạt nhân hóa một lần nữa lỡ hẹn và lại chờ những biến chuyển rõ ràng hơn trong thập niên mới.
Trong khi đó, cuộc chiến tranh thương mại trong năm 2019 giữa Mỹ và Trung Quốc rơi vào thế giằng co quyết liệt. Nhiều cuộc đàm phán diễn ra giữa phái đoàn hai nước, những lần áp thuế trả đũa qua lại, đình chiến rồi nói chuyện lại, và cuối cùng là từ bờ vực của cuộc chiến toàn diện đến thỏa thuận giai đoạn 1. Chưa rõ thời điểm chính xác thỏa thuận này được ký kết là lúc nào nhưng có một điều chắc chắn, cuộc giằng co Mỹ - Trung sẽ tiếp tục kéo sang năm 2020 và vẫn sẽ tác động sâu rộng đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế thế giới.
|
Năm 2019, thế giới cũng chứng kiến cuộc cạnh tranh Nga - Mỹ với nỗi lo chạy đua vũ trang tái diễn. Sự sụp đổ của Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) khiến nhiều người lo ngại thế giới mất đi một cái phanh vô giá để ngăn chặn chiến tranh hạt nhân. Và châu Âu có thể một lần nữa sẽ trở thành “chiến trường” để hai ông lớn so kè ảnh hưởng.
|
Những điểm nóng địa chính trị
Năm 2019, Trung Đông tiếp tục chia rẽ và bất ổn. Căng thẳng tại vùng Vịnh leo thang đến độ Mỹ và Iran đứng trước bờ vực chiến tranh. Các vụ tấn công tàu chở dầu liên tiếp diễn ra rồi đỉnh điểm là vụ tấn công nhà máy lọc dầu của Ả Rập Xê Út, mà Mỹ và đồng minh cáo buộc do Iran đứng sau, còn Tehran thì nhất mực phủ nhận. Giữa tình thế nước sôi lửa bỏng, Mỹ triển khai tàu sân bay cùng các khí tài quân sự tới vùng Vịnh và kêu gọi thành lập liên minh hải quân để bảo vệ tàu thương mại. Tuy nhiên, các đồng minh châu Âu của Mỹ khước từ, đồng thời vẫn cố kéo Iran quay lại với thỏa thuận hạt nhân.
|
Cũng tại Trung Đông, mặc dù tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã suy yếu, nhưng sự so kè giữa các nước và từng thế lực trong khu vực lại ngày càng gia tăng. Mỹ rút quân khỏi Syria, mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự tại miền bắc Syria. Giữa tình hình đó, Nga với chính sách mà các nhà phân tích gọi là “ngoại giao thực dụng” đã nhanh tay chiếm lĩnh bàn cờ, trở thành “tay chơi” bên ngoài có vai trò quyết định nhất tại Trung Đông.
Một điểm nóng địa chính trị khác không thể bỏ qua trong năm 2019 chính là Biển Đông. Vấn đề Biển Đông luôn được nêu ra trong các hội nghị lớn nhỏ về an ninh khu vực. Không phải ngẫu nhiên mà năm 2019, các nước trong và ngoài khu vực nhìn thẳng diễn biến phức tạp tại Biển Đông, gọi tên Trung Quốc với những hành động đơn phương phi pháp. Trung Quốc không ngừng quân sự hóa, gia tăng tập trận quân sự, đặc biệt tàu Hải dương địa chất 8 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống, đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép. Cộng đồng quốc tế năm qua đã lên tiếng chỉ trích và nhiều nước ngoài khu vực cũng tăng cường các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải tại Biển Đông. Và một khi các nước có sự điều chỉnh chính sách, cục diện Biển Đông sẽ có nhiều thay đổi hơn.
Bức tranh nhiều mảng tối
Sẽ là thiếu công bằng nếu không nói về những gam màu sáng của thế giới năm 2019. Sau nhiều lần thất bại, dự luật Thỏa thuận Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu đã được quốc hội Anh thông qua mở đường cho Brexit - vốn bế tắc suốt 3 năm qua. Cũng tại châu Âu, quan hệ Nga - Ukraine được đánh giá là khởi sắc hơn sau khi Kiev có lãnh đạo mới và tình hình tại miền đông Ukraine yên ắng hơn sau khi bộ tứ Normandy (gồm Pháp, Đức, Nga và Ukraine) nhất trí thực thi các biện pháp ngừng bắn và ổn định khu vực.
Liên quan đến vấn đề thương mại, mặc dù cuộc thương chiến Mỹ - Trung phủ bóng rộng khắp nhưng không thể không kể đến những tiến triển của tiến trình liên kết kinh tế quốc tế. Theo đó, đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và New Zealand đã cơ bản hoàn tất. Hiệp định thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) có hiệu lực. Tương tự, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng đã có hiệu lực.
|
|
Năm 2019, các vấn đề an ninh phi truyền thống trở nên rõ ràng và cấp thiết hơn bao giờ hết. Những hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu được chứng kiến ở nhiều nơi. Cháy rừng tại Úc, Mỹ, Đông Nam Á và đặc biệt là lá phổi xanh của trái đất - Amazon đã đánh động đến hàng triệu người trên thế giới. Vấn đề ô nhiễm không khí, rác thải nhựa được cả thế giới nhắc đến bởi đã tác động thực sự rõ ràng tới sức khỏe và sinh kế người dân. Thế nhưng, giữa sự lo ngại an nguy ấy, các nước lớn với sự tính toán của họ vẫn chưa thể chốt được lời giải thiết thực nào.
Vấn đề an ninh mạng, bảo mật và chống tin giả ngày càng được quan tâm đặc biệt. Đó không chỉ là câu chuyện tác động đến chính trị, mà nó đang ảnh hưởng len lỏi hằng ngày trong từng hoạt động của mỗi cá nhân.
Bình luận (0)