Đau thương Làng Nủ
Sau một tiếng nổ xé trời vào sáng 10.9, cơn lũ đất đá ùn ùn kéo xuống, vùi lấp toàn bộ thôn Làng Nủ (tại xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai).
Bản làng bình yên bên chân núi Con Voi giờ chỉ còn là đống hoang tàn, đổ nát. Nhiều ngày trôi qua, lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục dò từng mét trên bãi lầy mênh mông để tìm kiếm những nạn nhân còn mất tích.
Làng Nủ xinh đẹp, bình yên giờ chỉ còn trong hoài niệm, là nỗi đau khó phai nhòa của những người may mắn sống sót.
Trong hơn 1 tuần qua, hàng trăm người thuộc Quân khu 2, công an, bộ đội biên phòng, lực lượng tại chỗ của địa phương, chó nghiệp vụ cùng các phương tiện đã nỗ lực ngày đêm để tìm kiếm những người mất tích.
Tính tới ngày 22.9, cơ quan chức năng xác định đã có ít nhất 55 người chết, 12 người mất tích. Thủ tướng đã tới kiểm tra hiện trường cứu nạn tại Làng Nủ hôm 12.9. Làng Nủ mới cũng được quyết định xây dựng cách nơi cũ 3 km.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, nguyên nhân chính của sạt lở, lũ ống, lũ quét tại nhiều địa phương là do khu vực miền núi phía bắc trong 3 tháng qua đã có mưa rất nhiều, cao hơn 40 - 60% so với trung bình nhiều năm.
Ở Lào Cai trong tháng 8 có đến 23/31 ngày mưa và ở Yên Bái là 21/31 ngày cũng là điều hiếm gặp. Hầu hết các khu vực, đất đã ngậm no nước, ở trạng bão hòa nên khi có đợt mưa rất lớn, kéo dài nhiều ngày với cường suất cao như vừa qua thì hiện tượng sạt lở đã xảy ra tại nhiều nơi.
Cũng trong ngày 10.9, mưa lớn sau bão đã khiến đất đá từ trên đồi sạt lở với khối lượng lớn đã đổ ập xuống thôn Nậm Tông (xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) đã vùi lấp 8 ngôi nhà và 27 người, trong đó có 18 người chết và mất tích.
Sạt lở đất, lũ quét nghiêm trọng tại nhiều địa phương
Không chỉ có Lào Cai mà mưa lớn cũng gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét xảy ra tại nhiều địa phương, như Cao Bằng, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh,… gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản.
Lào Cai xảy ra lũ quét, mảng sạt lở quy mô lớn, Yên Bái có quy mô mảng sạt lở nhỏ hơn nhưng xảy ra ở nhiều nơi (riêng tại thành phố Yên Bái đã thống kê được trên 1.000 điểm sạt lở đất).
Bão Yagi là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Biển Đông trong suốt 30 năm qua. Đây cũng là cơn bão mạnh nhất trên thế giới trong năm 2024 ghi nhận đến thời điểm hiện tại.
Điều đáng nói là bão Yagi mới chỉ là cơn bão nằm ở nửa đầu trong mùa bão năm 2024, được dự đoán là một mùa mưa bão "khá bận rộn".
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão Yagi có 4 đặc điểm bất thường: là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm trên khu vực Biển Đông; cường độ tăng rất nhanh; duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài; mức độ giảm cấp trên đường đi không theo quy luật thông thường; thời gian hoạt động trên đất liền kéo dài (12 giờ).
Và chính những đặc điểm bất thường của bão Yagi đã dẫn tới sự bất thường của cơn mưa lớn diện rộng do hoàn lưu bão gây ra.
Sập cầu Phong Châu, ngập lụt khắp miền Bắc
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, bão Yagi đã gây ra trận mưa lớn nhất trong vòng nhiều chục năm qua tại miền Bắc, gây ngập lụt cho 20/25 tỉnh, thành.
Cơn mưa lớn do hoàn lưu bão Yagi cũng dị thường. Theo các chuyên gia, trong khi hầu hết các cơn bão có quỹ đạo tương tự trước đây thường gây mưa lớn ở phía tây dãy núi Hoàng Liên Sơn, mưa lớn nhất do hoàn lưu bão Yagi chủ yếu ở phía đông dãy núi Hoàng Liên Sơn, dù không nằm trên đường đi của bão, không chịu tác động trực tiếp của gió bão.
Chuyên gia khí tượng lý giải: Vì sao sau bão mới thực sự là hiểm nguy chết người?
Mưa rất lớn trên diện rộng gồm nhiều tỉnh thuộc lưu vực sông Thao, sông Chảy, sông Lô, sông Gâm với cường suất cao, trên 200 mm/ngày và kéo dài nhiều ngày sau khi bão tan.
Mưa lớn trên diện rộng với cường suất cao bất thường là nguyên nhân chính gây ra lũ và ngập lụt ở hầu hết các tỉnh miền Bắc sau khi bão Yagi đi qua. Tại Hà Nội, mực nước sông Hồng cũng ghi nhận mức cao nhất trong 20 năm.
Các sông thuộc lưu vực sông Hồng, Thái Bình - hệ thống sông lớn nhất miền Bắc, cũng xảy ra lũ, gây ngập lụt trên quy mô rộng lớn với nhiều mức vượt ngưỡng.
Khoảng 10 giờ ngày 9.9, do nước sông Thao (sông Hồng) dâng cao sau mưa lớn, cầu Phong Châu (kết nối 2 huyện Tam Nông và Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) bị sập, cuốn trôi trụ T7 và 2 nhịp dàn chính (nhịp 6 và nhịp 7 phía bờ hữu sông Thao, thuộc địa bàn H.Tam Nông).
Tại thời điểm xảy ra sự cố, có 10 phương tiện đang di chuyển trên cầu (trong đó có 1 xe ô tô tải, 2 xe ô tô đầu kéo, 6 xe mô tô, 1 xe máy điện).
Sự cố sập cầu Phong Châu đã 8 người mất tích, 3 người bị thương.
Gây thiệt hại 50.000 tỉ đồng, hàng trăm người chết, mất tích
Theo Nghị quyết 143 ngày 17.9 của Chính phủ, Bão số 3 có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, bao phủ toàn bộ 26 địa phương khu vực miền Bắc và Thanh Hóa; đối tượng chịu tác động nhiều; gây ra mưa lớn dài ngày, dẫn đến thảm họa thiên tai về lũ, sạt lở nghiêm trọng tại nhiều địa phương.
Bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng, nặng nề về người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, các hạ tầng kinh tế - xã hội; ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, du lịch.
Theo nghị quyết, tính đến ngày 17.9, đã có 329 người chết, mất tích, 1.929 người bị thương. Khoảng 234.000 căn nhà, 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sụp đổ, hư hại, 726 sự cố đê điều, trên 307.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại.
Tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ trên 50.000 tỉ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoang 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai... có thể giảm trên 0,5% so với dự báo trước khi có bão số 3.
Vượt qua bão vốn đã rất gian nan, sống tiếp thế nào sau bão lại cần rất nhiều sự mạnh mẽ. Ngay sau bão số 3 là bão số 4, thiên tai nối tiếp thiên tai.
Công tác khắc phục hậu quả sau bão sẽ còn rất nhiều thách thức nhưng sự đoàn kết, san sẻ, đồng hành của người dân trên cả nước chính là động lực giúp những vùng bị thiên tai mạnh mẽ vượt qua khó khăn.
Bởi khi bình minh đến, nắng lên, người ở lại vẫn phải mạnh mẽ bước tiếp.
Bình luận (0)