Nhìn lại đường cách mạng 90 năm của Đảng

03/02/2020 08:00 GMT+7

Có thể tìm thấy bảo vật quốc gia - cuốn sách Đường Kách Mệnh; thời khắc Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập; hiện vật nhân dân nuôi giấu bộ đội... tại trưng bày 90 năm Đảng Cộng sản VN - những mốc son lịch sử.

Hiện vật gốc - cuốn Đường Kách Mệnh là một phần của trưng bày 90 năm Đảng Cộng sản VN - những mốc son lịch sử. Trưng bày do Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội thực hiện, giới thiệu với công chúng từ ngày 3.2 đến tháng 4. Hiện vật có một tờ giấy rời đi kèm, viết bằng mực son, chữ Nôm, kể về việc bắt được cuốn sách. Tờ trình này cho biết Phó lý Nguyễn Văn Tôn đã bắt được cuốn sách này vào 28.3.1930, sau đó giao nộp cho tri huyện Thanh Hà (Hải Dương). Đây là một trong những bản sách Đường Kách Mệnh được ông Nguyễn Lương Bằng mang từ Quảng Châu về và phân phối ra các tỉnh. Hồi ký của lão thành cách mạng Nguyễn Văn Hoan cũng cho biết ông đã nhận sách từ ông Nguyễn Lương Bằng rồi giao đi khắp Sơn Nam Hạ (gồm Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam).
“Các tờ báo như Le Paria, Thanh Niên, Công Nông, đặc biệt cuốn Đường Kách Mệnh, là hàng quốc cấm trong con mắt của thực dân Pháp và bọn tay sai”, PGS-TS Phạm Xanh, ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội, từng đánh giá.
Triển lãm còn rất nhiều hiện vật khác kể về quãng đường 90 năm ấy, với hơn 200 tài liệu, hiện vật, hình ảnh tiêu biểu, trưng bày gồm 3 phần: phần thứ nhất gồm 45 hiện vật liên quan đến sự ra đời của Đảng Cộng sản VN năm 1930. Cuốn Đường Kách Mệnh nằm trong nhóm này. Phần này còn có hiện vật lá cờ của Đảng xuất hiện từ năm 1930. Hũ sành của ông Trần Quang Huyến (số nhà 47, phố Trần Nhân Tông, Hà Nội) dùng đựng tài liệu của Hội VN Thanh niên cách mạng trong những năm 1928 - 1929. Người xem cũng có thể xem thẻ thuế thân mà người dân VN dùng dưới thời thực dân Pháp thống trị; đồng hồ của chủ Nhà máy xi măng Hải Phòng dùng kiểm tra thời gian sau 1 ngày làm việc của công nhân. Bức tranh sơn dầu của họa sĩ Bùi Quang Ngọc vẽ Nguyễn Tất Thành rời cảng Nhà Rồng, Sài Gòn sang Pháp cũng có trong phần này.
Phần thứ hai gồm 131 hiện vật, hình ảnh gắn với những mốc son lịch sử của quãng đường 90 năm với nhiều tư liệu ảnh quý. Công chúng có thể xem ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước VN Dân chủ cộng hòa (DCCH) tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) ngày 2.9.1945. Phần này cũng có ảnh Chính phủ lâm thời nước VN DCCH ra mắt quốc dân ngày 2.9.1945. Hiện vật bản viết tay nhạc và lời bài Tiến quân ca - Quốc ca của nước VN DCCH, do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1944... Cũng trong phần này, những năm tháng chống Mỹ cứu nước được tái hiện qua tư liệu ảnh đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh, nối liền giao thông giữa 2 miền Nam - Bắc trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ (1959 - 1975).
Phần thứ ba Xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh gồm 41 tư liệu hiện vật. Trong đó có phần giới thiệu về các tổng bí thư; những hiện vật gắn với các tổng bí thư qua nhiều thời kỳ.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, qua trưng bày này, bảo tàng muốn công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, hiểu biết sâu sắc thêm về lịch sử ra đời, phát triển, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản VN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.