Nhìn lại khủng hoảng Ukraine

22/02/2022 18:31 GMT+7

Cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay đánh dấu cột mốc then chốt trong lịch sử 30 năm của đất nước này, giằng xé giữa một bên là Nga, một bên là Mỹ và các đồng minh châu Âu. Vậy điều gì đã khiến mối quan hệ Nga-Ukraine trở nên căng thẳng trong một năm qua?

Năm 2021 - Căng thẳng leo thang

Tháng 4

Nga triển khai khoảng 100.000 quân đến khu vực biên giới Ukraine để tập trận. Mặc dù phần lớn giới phân tích không cho rằng Nga sẽ có hành động quân sự chống Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã kêu gọi NATO lên kế hoạch để kết nạp Kiev làm thành viên của khối. Cuối tháng 4, Nga thông báo rút quân, nhưng hàng chục nghìn binh lính vẫn còn trong khu vực.

Tháng 8

Tổng thống Zelensky đến Nhà Trắng gặp Tổng thống Joe Biden. Ông Biden nhấn mạnh Mỹ cam kết tôn trọng "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine". Tuy nhiên, tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng Ukraine vẫn chưa đáp ứng các điều kiện cần thiết để gia nhập NATO.

Tổng thống Zelenskiy (trái) và Tổng thống Biden (phải) gặp nhau tại Nhà Trắng

reuters

Tháng 11

Việc Nga tiếp tục duy trì quân đội gần biên giới Ukraine khiến giới chức tình báo Mỹ lo ngại. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói: “Chúng tôi không rõ ông Putin định làm gì, nhưng những động thái này này chắc chắn khiến chúng tôi chú ý".

Tháng 12

Tổng thống Biden trong cuộc điện đàm với Tổng thống Putin đã kêu gọi Nga không tấn công Ukraine, đồng thời cảnh báo về "cái giá thực sự" nếu như điều này xảy ra. Ông Putin đưa ra một loạt yêu cầu an ninh. Trong đó, ông yêu cầu NATO không cho Ukraine gia nhập, và rút quân đội NATO ra khỏi các nước thành viên gia nhập liên minh sau năm 1997, bao gồm các nước vùng Balkan và Romania. Ông Putin cũng yêu cầu Mỹ và NATO trả lời bằng văn bản.

Năm 2022 - Lo sợ chiến tranh

Tháng 1

Các nhà lãnh đạo và quan chức ngoại giao từ Mỹ, Nga và các nước châu Âu đã gặp nhau nhiều lần để ngăn chặn khủng hoảng.

Đầu tháng 1, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định với các quan chức Mỹ rằng Nga không có kế hoạch đưa quân vào Ukraine. Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu gia đình của các nhân viên đại sứ quán rời Ukraine vào ngày 23 tháng 1.

Ngày hôm sau, NATO đặt các lực lượng trong tình trạng sẵn sàng, bao gồm việc Mỹ ra lệnh cho 8.500 binh lính tại Mỹ sẵn sàng triển khai. Các đại diện của Mỹ và NATO đưa ra văn bản phản hồi yêu cầu của ông Putin vào hôm 26.1. Theo đó, các quan chức nói rằng họ không thể cấm Ukraine gia nhập NATO, nhưng thể hiện thiện chí đàm phán về các vấn đề nhỏ hơn như kiểm soát vũ khí.

Tháng 2

Các nỗ lực ngoại giao tăng tốc trên khắp châu Âu. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đều đến Moscow và Kiev. Tổng thống Biden ra lệnh di chuyển 1.000 quân từ Đức đến Romania và triển khai thêm 2.000 quân tới Ba Lan và Đức.

Ngày 10.2, Nga và Belarus bắt đầu các cuộc tập trận chung. Khoảng 30.000 lính Nga cùng nhiều trang thiết bị quân sự tham gia tập trận tại khu vực dọc theo biên giới phía bắc Ukraine.

Giàn phóng tên lửa trong cuộc tập trận Belarus - Nga tại Belarus

reuters

Ngay hôm sau, Mỹ và Anh đã kêu gọi công dân rời khỏi Ukraine. Tổng thống Biden thông báo về việc triển khai thêm 2.000 quân từ Mỹ đến Ba Lan.

Phương Tây dự báo Nga sẽ có chuyển động quân sự chống Ukraine vào ngày 16.2. Nhưng hôm 15.2, Nga thông báo đã bắt đầu quá trình rút quân. Tuy nhiên các lãnh đạo phương Tây sau đó cho rằng Nga thực tế không rút quân, mà còn tăng cường binh lực gần biên giới với Ukraine.

Cũng trong ngày 15.2, Duma Quốc gia Nga (tức Hạ viện Nga) đã nhất trí kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận các khu vực đòi ly khai Ukraine là nước cộng hòa độc lập.

Hôm 18.2, Tổng thống Mỹ Biden nói ông tin rằng Tổng thống Putin “đã đưa ra quyết định" về hành động quân sự.

Hôm 19.2, Tổng thống Zelensky cảnh báo nước này có thể từ bỏ cam kết phi hạt nhân hóa và đảo ngược quyết định từ bỏ vũ khí nguyên tử nếu tiếp tục bị đe dọa. Trong thời gian này, quân chính phủ Ukraine và lực lượng đòi ly khai ở miền đông cáo buộc lẫn nhau về việc vi phạm lệnh ngừng bắn. Lãnh đạo lực lượng đòi ly khai đã tổ chức cho người dân trong khu vực sơ tán qua Nga.

Hôm 21.2, Nga thông báo đã tiêu diệt 5 người trong một nhóm “phá hoại” từ Ukraine đi vào lãnh thổ Nga.

Cùng ngày, Tổng thống Putin đã công nhận hai khu vực ly khai Donetsk và Luhansk là cộng hòa độc lập, và ra lệnh triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến các khu vực này. Sau quyết định trên, Ukraine, Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu và nhiều lãnh đạo phương Tây đã lên tiếng chỉ trích. Nhiều nước phương Tây cảnh báo sẽ phản ứng bằng biện pháp cấm vận.

Tổng thống Putin ký sắc lệnh công nhận hai vùng ly khai Ukraine độc lập

reuters

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.