Nhìn lại thỏa thuận khí hậu lịch sử COP28: Những điểm nhấn

Nhìn lại thỏa thuận khí hậu lịch sử COP28: Những điểm nhấn

17/12/2023 08:09 GMT+7

Đại diện của gần 200 nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 hôm 13.12 đã đạt được nhất trí để bắt đầu giảm mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu nhằm ngăn chặn những hậu quả xấu nhất của biến đổi khí hậu, báo hiệu thời đại dầu mỏ rồi sẽ đến ngày cáo chung.

Sau hai tuần tranh luận gay gắt, các nước đã đạt được một thỏa thuận lịch sử tại Hội nghị về khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP28 ở Dubai.

Thỏa thuận này nhằm giúp nền kinh tế toàn cầu thoát dần nhiên liệu hóa thạch.

Sau đây là một số điểm nhấn.

Hết thời dầu mỏ?

Đây là lần đầu tiên thế giới nhất trí bày tỏ mong muốn chấm dứt việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Điều khoản này kêu gọi "chuyển đổi để tiến tới dừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng, một cách công bằng, trật tự và bình đẳng" với mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Dù thông điệp này đang gửi một tín hiệu quan trọng tới thị trường quốc tế, nhưng sẽ không thể ngay lập tức làm giảm tiêu thụ dầu, hoặc giảm giá dầu.

Tuy nhiên, những chuyển biến về chính sách và xu hướng đầu tư thay đổi theo thời gian có thể đảm bảo sự chuyển đổi lâu dài trong nền kinh tế năng lượng.

Nước sản xuất dầu có quà?

Thỏa thuận này cũng có phần thưởng cho các nước sản xuất dầu.

Theo đó, có sự thừa nhận rõ ràng rằng các công nghệ như thu hồi carbon có thể làm giảm tác động của dầu, khí đốt tự nhiên và than đá đến khí hậu.

Việc thúc đẩy các công nghệ như vậy đã được nhấn mạnh trong danh sách các hành động mà các nước nên thực hiện để chống lại biến đổi khí hậu.

Một nguồn tin cho biết Ả Rập Xê Út có thể chấp nhận thỏa thuận này vì nó cung cấp một "thực đơn" cho mỗi quốc gia đi theo con đường riêng của mình.

Thu hồi carbon vẫn còn là một công nghệ rất tốn kém.

Công nghệ này cũng chưa từng được áp dụng ở quy mô toàn cầu rộng lớn để chứng minh có tác động đáng kể.

Tài trợ

Hiệp ước mới không đề cập bất kỳ nguồn tài chính bổ sung nào để giúp các quốc gia đang phát triển chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch.

Tiền để giúp các nước nghèo, dễ bị tổn thương về khí hậu thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu cũng không có.

Tuy nhiên, ngay từ đầu hội nghị thượng đỉnh đã có một chiến thắng dành cho các nước nghèo bị ảnh hưởng bởi thảm họa khí hậu, khi các đại biểu thông qua một quỹ mới để giúp các nước này đối phó với tổn thất và thiệt hại.

Giới hạn tăng 1,5oC

Mỹ, Liên minh châu Âu và nhiều nước khác cho biết nhờ thỏa thuận này, vẫn còn cơ hội để hạn chế sự ấm lên toàn cầu ở mức tăng 1,5oC so với nhiệt độ trung bình thời tiền công nghiệp.

Nhưng sẽ rất khó khăn để đạt được mục tiêu này vì nó đòi hỏi chỉ trong vòng 6 năm phải cắt giảm gần một nửa lượng khí thải, và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Dự thảo kêu gọi các nước làm như vậy. Nhưng một số nước, như Liên minh các quốc đảo nhỏ, nghi ngờ khả năng lời kêu gọi này sẽ được đáp ứng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.