Dân sai: đập, quan sai: từ từ
Khi nghe thông tin các công trình xây dựng không phép của hàng loạt “quan” lớn ở Q.Thủ Đức (TP.HCM) tồn tại mấy năm nay không bị cưỡng chế, bà Liên (có nhà ở QL13, KP.2, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) cho biết có mua lại một căn nhà nát ở đây. Khi tiến hành sửa chữa, bà vẫn để nguyên phần mái hiên trước nhà.
Tuy nhiên, khi đang thi công nhà, bà bị quản lý đô thị, thanh tra xây dựng P.Hiệp Bình Chánh xuống kiểm tra và bắt tháo dỡ, nếu không sẽ cho đình chỉ xây dựng công trình. “Cái mái hiên này đã tồn tại từ trước, khi sửa chữa lại căn nhà, tôi đã giữ nguyên hiện trạng mái hiên nhưng cơ quan chức năng buộc tháo dỡ; trong khi công trình xây dựng không phép của lãnh đạo quận to gấp trăm lần tồn tại từ lâu thì không thấy xử lý cho đến khi báo chí phanh phui và đích thân Bí thư Nguyễn Thiện Nhân xuống hiện trường chỉ đạo xử lý”, bà Liên bức xúc.
Đồng cảnh ngộ như bà Liên, bà Nguyễn Thị Hạ (nhà ở KP.7, P.Hiệp Thành, Q.12) khi tiến hành sửa chữa nhà đã xây lố phần ban công ra phía ngoài, sửa chữa không đúng so với hiện trạng ban đầu. Ngay sau đó, UBND P.Hiệp Thành đã yêu cầu bà Hạ tháo dỡ phần xây dựng vi phạm. “Tôi chỉ vi phạm xây dựng nhỏ nhưng ngày nào cũng có thanh tra, đô thị, địa chính xuống kiểm tra yêu cầu tháo dỡ, nếu không sẽ lập biên bản xử phạt và cưỡng chế. Trong khi đó nhiều công trình do doanh nghiệp (DN) xây dựng vi phạm thì chính quyền xử lý ầu ơ, không kiên quyết như xử lý người dân chúng tôi”, bà Hạ so sánh.
Những gì bà Liên, bà Hạ phản ánh là thực tế đã được chứng minh. Mới nhất là ông Trần Văn Hưởng, Chánh thanh tra xây dựng Q.10 dù được cấp phép xây nhà 4 tầng nhưng đã xây thêm 3 tầng, với diện tích hơn 200 m2.
Điều đáng nói, những sai phạm của ông Hưởng được phát hiện từ năm 2012, chính quyền Q.10 đã hai lần ra quyết định xử lý vi phạm, buộc tháo dỡ phần xây sai phép nhưng chủ đầu tư không chấp hành.
Mới đây vào đầu tháng 11, ông Hưởng mới chủ động xin tự tháo dỡ phần xây dựng sai phép khi bị cách chức chánh thanh tra xây dựng. Trước đó tại Q.Thủ Đức, hàng loạt “quan” cũng bị phát hiện xây dựng nhà, kho xưởng không phép với diện tích rất lớn nhưng vẫn tồn tại công khai 7 - 8 năm trời không thể xử lý dứt điểm.
Hay tại chung cư Khang Gia Tân Hương (Q.Tân Phú), từ năm 2014 chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển địa ốc Khang Gia đã tự ý thay đổi thiết kế tầng 1, tầng lửng và tầng 2 để xây dựng thành 71 căn hộ bán cho khách hàng cùng nhiều sai phạm khác. Tuy nhiên đến nay, dù đã ban hành nhiều quyết định cưỡng chế, xử phạt nhưng chủ đầu tư không chấp hành.
Trách nhiệm người đứng đầu
Theo luật sư Trần Minh Cường, Đoàn luật sư TP.HCM, trước đây việc xây dựng sai phép, không phép tràn lan do luật cho phép đóng tiền phạt để tồn tại công trình vi phạm. Đây là tiền đề để người dân không coi trọng pháp luật, bởi cứ xây sai là được nộp phạt cho tồn tại.
Đến khi Nghị định 139 ra đời (15.1.2018) buộc chủ đầu tư phải khôi phục lại tình trạng ban đầu và bồi thường thiệt hại nhưng lại “thòng” thêm quy định cho phép chủ đầu tư “chạy” giấy phép là trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cơ quan chức năng tổ chức lập biên bản vi phạm hành chính.
|
Điều này dẫn đến hệ quả là vừa qua có rất nhiều công trình vi phạm “khủng” của doanh nghiệp, quan chức nhưng không bị cơ quan chức năng “sờ gáy”.
“Tại sao ngay sau khi phát hiện vi phạm, lập biên bản xử phạt, kể cả sau khi có quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm mà cơ quan chức năng không mạnh tay thực hiện để đảm bảo trật tự về xây dựng mà để việc này kéo dài, thậm chí lãng quên? Việc này dễ dẫn đến dư luận đặt câu hỏi, có phải kéo dài để chủ thể vi phạm “đi đêm” với cơ quan xử phạt nhằm hợp thức hóa vi phạm?”, luật sư Cường kiến nghị.
Ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, mới đây đã thay mặt Sở Xây dựng ký cam kết với các quận, huyện phải kéo giảm ít nhất 50% số vụ vi phạm trật tự xây dựng qua từng năm, đồng thời 100% công trình vi phạm trật tự xây dựng được phát hiện, xử lý ngay từ đầu.
Để làm được điều này, chủ tịch UBND quận, huyện với vai trò là tổ trưởng sẽ được quyền điều động và phân công công việc cho các bên, trong đó có cả thanh tra xây dựng ở địa bàn. “Hiện nay Chỉ thị 23 của Thành ủy TP.HCM và Kế hoạch 3333 đã nâng cao trách nhiệm của toàn bộ các cấp, nhất là chủ tịch UBND các quận, huyện trong công tác quản lý nhà nước và trật tự xây dựng, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Do đó, lần này sẽ phát hiện, xử lý vi phạm ngay từ đầu. Đồng thời UBND TP đã chỉ rõ trách nhiệm chính của người đứng đầu UBND các quận, huyện trong công tác lập, phê duyệt phương án và tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm trật tự xây dựng”, ông Bình nhấn mạnh.
Bình luận (0)