Mới đây, ông Lê Trí Thanh, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã thay mặt Ban Cán sự Đảng, UBND tỉnh ký văn bản gửi Sở Công thương, Sở Xây dựng và các sở ngành liên quan về việc thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh; trong đó có chủ trương loại khỏi quy hoạch đối với 6 dự án thủy điện: A Vương 4, Sông Bung 3, Đắc Di 4, A Banh, Chà Vàl và Đắc Pring 2.
Nguyên nhân khiến lãnh đạo tỉnh Quảng Nam thống nhất loại khỏi quy hoạch 6 thủy điện trên là do một số dự án được cấp phép đầu tư nhưng không khởi công xây dựng. Ngoài ra, một số dự án chỉ mới có chủ trương nghiên cứu đầu tư nhưng khi rà soát, đánh giá lại quy hoạch thì thấy hiệu quả không lớn trong khi lại tác động đến đất rừng tự nhiên và dân sinh nên trình các cấp có thẩm quyền xóa khỏi quy hoạch.
Nhiều năm qua, câu chuyện thủy điện vừa và nhỏ đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và nhân dân trong vùng dự án. Thủy điện tác động đa chiều lên các mặt của đời sống xã hội. Đặc biệt, những hệ quả mà thủy điện gây ra luôn được dư luận địa phương lẫn cả nước quan tâm. Còn nhớ cuối năm 2020, sau các sự cố sạt lở đất gây chết hàng chục người tại hai huyện Nam Trà My và Phước Sơn (Quảng Nam), dư luận cho rằng cần phải làm rõ tác động của thủy điện.
Với một địa phương có tới 46 thủy điện, trong đó có 36 thủy điện vừa và nhỏ, như Quảng Nam, việc thống nhất loại bỏ những thủy điện không mang lại nhiều hiệu quả kinh tế - xã hội nhận được sự ủng hộ rất lớn từ dư luận và nhân dân địa phương.
Việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ tràn lan ở nhiều địa phương đã được nhiều chuyên gia cảnh báo là có nguy cơ phá hủy môi trường, phá rừng và xảy ra lũ lụt. Trong bối cảnh người dân đang đối mặt với thiên tai, lũ lụt thì đã đến lúc cần nhìn nhận thẳng vấn đề, mạnh tay “khai tử” những thủy điện “lợi bất cập hại”.
Bình luận (0)