Thực tế, số người cần ghép tạng lên đến cả chục ngàn mỗi năm, nhưng số được ghép chỉ vài chục đến vài trăm.
Bệnh viện Trung ương Huế từng phát hiện có sự giả mạo giấy tờ, giả chữ ký, giả con dấu của cơ quan có thẩm quyền để hiến tạng.
Đó cũng là thực trạng đáng lo ngại mà GS Trần Ngọc Sinh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội ghép tạng Việt Nam, cảnh báo tại hội thảo. Ông nói: “Có sự trao đổi, mua bán tạng, nguy cơ buôn bán tạng trong hiến và ghép tạng trên thế giới cũng như tại Việt Nam và nguy cơ này làm hại những thành tựu có được trong ghép tạng”. Nguy hại hơn là có những trung tâm ghép tạng, lãnh đạo giương cao ngọn cờ nhân đạo trong ghép tạng nhưng nhân viên thì luôn tìm cách này, cách khác để luồn lách.
Với số lượng 10.000 người tử vong mỗi năm do tai nạn giao thông, các chuyên gia phân tích, lượng người tiềm năng hiến tạng chết não vẫn còn rất nhiều. Sửa đổi pháp luật từ khâu chẩn đoán chết não đến độ tuổi hiến khi chết não sẽ mở ra cơ hội sống cho nhiều người cần tạng. Bên cạnh đó là cơ chế tài chính, chính sách cho người hiến, cho cơ sở ghép tạng... Khi nguồn cung quý giá có dồi dào, cơ chế tài chính, chính sách tốt thì sẽ góp phần hạn chế nạn mua bán tạng đang công khai hay ngấm ngầm diễn ra như lời cảnh báo của chuyên gia kể trên.
Quan trọng hơn, nói như ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, rằng phải xác định rõ nguyên tắc “tạng hiến là tài sản quốc gia”. Có như vậy mới điều phối một cách công khai, minh bạch, hiệu quả và người làm công tác ghép an tâm; cơ sở ghép và hoạt động điều phối cũng an tâm; người dân cảm thấy thoải mái.
Bình luận (0)