Nhìn từ Cù Lao Chàm

03/05/2019 05:01 GMT+7

Đầu tháng 4, UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt kế hoạch phát triển điểm đến, sản phẩm dịch vụ trên 8 tuyến du lịch đường thủy nội địa giai đoạn 2019 - 2021, nhằm phát huy thế mạnh về nguồn khách của du lịch Đà Nẵng .

Trong đó, có tuyến sông Hàn - Cù Lao Chàm (Quảng Nam).
Đà Nẵng sẽ khuyến khích đầu tư, cam kết hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đưa tàu du lịch đạt chuẩn, sức chở từ 30 - 250 khách hoạt động trên tuyến này từ quý 2/2019.
Kế hoạch này không phải một mình từ phía Đà Nẵng, mà là một trong các hành động cụ thể nhằm hiện thực hóa các nhiệm vụ mà Thành ủy Đà Nẵng và Tỉnh ủy Quảng Nam đã kết luận trong các lần làm việc thống nhất với nhau trước đó. Với định hướng phát triển tuyến du lịch này, rõ ràng Đà Nẵng đang nhắm đến phân khúc khách cao cấp, với loại hình dịch vụ du thuyền, nhà hàng, khách sạn nổi có mức chi tiêu rất lớn.
Tuy nhiên, kế hoạch vấp ngay sự quan ngại của TP.Hội An (Quảng Nam), nơi lâu nay du khách đến Cù Lao Chàm chỉ đi qua 1 tuyến giao thông duy nhất là đường thủy xuất phát từ biển Cửa Đại (Hội An). Một số lãnh đạo của TP.Hội An bày tỏ lo lắng hiện với lượng khách 3.000 lượt/ngày, Cù Lao Chàm sắp quá tải và địa phương đang tìm cách khống chế, nhắm vào phát triển chất lượng thay cho số lượng để bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận từ năm 2009. Việc TP.Đà Nẵng đầu tư tuyến đường thủy đến Cù Lao Chàm sẽ làm gia tăng áp lực du khách đến với khu dự trữ sinh quyển này.
Với phản ứng này, nhiều người không khỏi đặt câu hỏi nghi ngại về tính liên kết vùng phát triển du lịch mà các địa phương hướng tới qua hàng loạt hội thảo được tổ chức thời gian qua. Liệu có hay không biểu hiện “cát cứ, độc quyền du lịch”, bởi việc lượng khách đến Cù Lao Chàm tăng cao không hoàn toàn phụ thuộc vào việc mở thêm tuyến đường biển trên. Trong khi xét cho tận cùng, phần nhiều du khách đến Hội An và Cù Lao Chàm trước đây đều xuất phát từ các cửa ngõ giao thông Đà Nẵng!
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng, cho rằng lo lắng Cù Lao Chàm quá tải của lãnh đạo Hội An là có lý do nhưng cũng không thiếu những giải pháp hài hòa trong quản lý và phục vụ du khách thay cho khống chế đơn thuần. Sao không xác định tiêu chí quá tải, dự đoán tốc độ phát triển du lịch ở Cù Lao Chàm để quy hoạch tổng thể, từ đó làm căn cứ cho các điều kiện ràng buộc hai địa phương tham gia phát triển du lịch tại đây.
Một lần nữa, câu chuyện tính liên kết vùng giữa các địa phương và vấn đề cân bằng giữa bảo tồn và phát triển được nhắc lại trong tình huống với Cù Lao Chàm lần này. Cù Lao Chàm đang ngày càng trở thành một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn được lựa chọn. Và cần lắm một quy hoạch phát triển dài hơi để tính chuyện bảo tồn bài bản, cần lắm một cái bắt tay đủ chặt và thành ý giữa các địa phương để phát triển kinh tế vùng hiệu quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.