Chị Lương Thị Chanh, 28 tuổi, kinh doanh homestay ở xã Tả Van, huyện Sa Pa, Lào Cai gửi cho chúng tôi những tấm hình tuyết rơi trắng xóa núi rừng, mái nhà, đường phố, cả những nụ cười hớn hở của du khách.
Chúng tôi thắc mắc, “Những ngày này chắc chị Chanh vui lắm vì khách thập phương tới Sa Pa đông quá”, cô gái người dân tộc Giáy phân trần: “Khách có đông hơn một chút, nhưng cũng chỉ được một hai ngày. Còn lại, tuyết càng rơi nhiều bao nhiêu, bà con lại khổ bấy nhiêu”.
Chanh quê ở Lai Châu, lấy chồng về Tả Van sinh sống. Cô hiểu hết từng xóm, bản của vùng quê đang đổi mình từng ngày vì du lịch. Quang cảnh thiên nhiên dần bị tàn phá, nhường chỗ cho khách sạn, nhà hàng. Ở những bản xa xôi, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để có nhà cửa kiên cố, chăn bông, áo ấm, giày dép tươm tất để chống chọi với mùa đông khắc nghiệt.
|
“Năm nào có tuyết rơi là năm đó bà con ăn tết không ngon. Rau bị tàn phá, trâu bò chết rét. Người già, trẻ con ốm rất nhiều”, Chanh trầm ngâm. Cô kể cho chúng tôi nghe những em bé toàn thân tím tái vì không có đủ quần áo mặc, chiếc áo mỏng trên người không hiểu sao đã ướt sũng vì nước mưa.
“Năm nay có khá nhiều đoàn từ thiện đến Sa Pa để trao quần áo, giày ấm cho người già, trẻ nhỏ, nhưng cũng không thể nào trao hết được. Người nghèo còn quá nhiều”, Chanh buồn bã.
|
Chúng tôi nhớ lại những ngày Hà Giang tuyết phủ trắng Đồng Văn, Mèo Vạc. Khi đó, chúng tôi cũng tận mắt chứng kiến những đôi chân trần của những em nhỏ trên tuyết trắng. Các em thiếu đói, các em phải ăn mèn mén (bột ngô xay) thay cơm và thiếu cả những đôi ủng nhựa để có thể mang trong những ngày nhiệt độ xuống dưới 1 độ C.
Sẽ vô lý khi cho rằng du khách không được mừng rỡ với tuyết rơi. Thiên nhiên, một phần kích cầu du lịch cho mảnh đất này. Chỉ biết ước, giá như không còn ai thiếu ăn, thiếu mặc vì giá rét. Nhưng nghe chừng điều ước xa xôi quá…
Bình luận (0)