Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản được NXB Hồng Đức và Tạp chí Xưa & Nay tái bản lần thứ ba vào quý 4/2013. Sách tập hợp các tham luận của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử tại hai hội thảo về cụ Phan Thanh Giản, tổ chức ở Vĩnh Long (11.1994) và TP.HCM (8.2003).
|
Lật lại 7 trang Niên biểu Phan Thanh Giản ở gần cuối sách, chợt ngậm ngùi nhớ tới câu thơ của cụ Nguyễn Du, “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Cuộc đời của cụ Phan gắn liền với vận nước qua 3 triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Triều Minh Mạng cụ được vua khen “lòng ngay chí chắc, học rộng tài cao”. Tới triều Tự Đức thì nước nhà bắt đầu điêu linh trước buổi hoàng hôn của thời phong kiến và áp lực thôn tính của thực dân Pháp.
Phan Thanh Giản sinh năm 1796 tại Vĩnh Long trong một gia đình nông dân nghèo bỏ quê Bình Định vào đây sinh sống. Là người đầu tiên ở Nam kỳ đậu tiến sĩ vào năm 1826, Phan Thanh Giản đi làm quan, từ triều đình Huế đến các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Ninh Bình, Quảng Nam, Bình Thuận, Thái Nguyên, Bình Phú, Vĩnh Long… Năm 51 tuổi (1847), cụ được bổ nhiệm Hình bộ Thượng thư (Bộ trưởng Tư pháp thời nay) và là thành viên Viện Cơ mật của triều đình. Cụ đã từng đi sứ sang Trung Hoa, Pháp, Tây Ban Nha; là một vị quan nổi tiếng thanh liêm cương trực và yêu nước thương dân.
Bi kịch bắt đầu khi Phan Thanh Giản ký Hòa ước Nhâm Tuất ngày 5.6.1862 nhường cho Pháp 3 tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa. Sau đó, vào cuối tháng 6.1867, lại để mất 3 tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên. Ở trang 239 (niên biểu), sách viết: 1867. Quân Pháp chiếm đóng các tỉnh Vĩnh Long, Châu Đốc và Hà Tiên. Để tránh một cuộc đổ máu vô ích, Phan Thanh Giản ra lệnh cho các đội quân dưới quyền ông đầu hàng. Tiếp đó, sách ghi: Phan Thanh Giản gửi về triều đình tờ sớ cuối cùng với toàn bộ ấn tín của ông và trang phục triều đình. Sau 17 ngày nhịn ăn, ông tự tử bằng thuốc phiện pha giấm thanh. Ông từ trần ngày 4.8.1867.
Mấy mươi bài tham luận in trong cuốn sách này đều nói về công, tội và nhân cách của cụ Phan Thanh Giản trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định của đất nước. GS Hoàng Như Mai, trong bài Đọc thơ Lương Khê, sau khi bình giải 3 bài thơ Ký nội; Đi sứ sang Pháp; Việc nước không thành viết ở đoạn kết: Thơ của Phan Thanh Giản là tiếng đoạn trường của một người công minh, chính trực, nhân nghĩa, yêu nước thương dân, nhưng ra làm quan trong thời kỳ đất nước rối ren, triều đình ngu hèn nên bị đẩy vào thế lưỡng nan, rốt cuộc thành tội nhân của lịch sử!
GS Văn Tạo, trong bài Sự nghiệp và vai trò lịch sử của Phan Thanh Giản, sau khi phân tích về “sự nghiệp dựng nước” và “trách nhiệm giữ nước” của cụ Phan, đã nhấn mạnh: Khẳng định cụ Phan Thanh Giản là một nhà yêu nước, thương dân, trọng dân; Công lao xây dựng đất nước và đức liêm chính của cụ Phan, trong điều kiện lịch sử lúc đó thật đáng ca ngợi, phải đánh giá là xuất sắc; Việc cụ ký hòa ước về 3 tỉnh miền Đông cũng như để thất thủ 3 tỉnh miền Tây là những sai lầm nghiêm trọng, nhưng cần thấy trách nhiệm chính của việc làm mất đất đó là thuộc triều đình Tự Đức mà cụ chỉ là người thừa hành và liên đới trách nhiệm.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp, ở An Giang, kể: “Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu - vốn là người cực kỳ nghiêm khắc trong cái nhìn “địch - ta” - từng làm hai bài thơ điếu Phan Thanh Giản, lời lẽ hết sức thống thiết, tuy có trách cứ họ Phan nhưng cũng đánh giá ông rất cao: Lịch sĩ Tam triều độc khiết thân (Nghĩa là: Một người từng trải 3 triều vua duy nhất còn trong sạch)”.
Còn nhà văn Sơn Nam thì tha thiết: “Xin đề nghị, trong chương trình Sử học cho học sinh, nên có một bài nói về ông, đủ tình đủ lý, gọi là tình huống đặc biệt của vùng Nam bộ khi phải hội nhập với vùng Đông Nam Á và Tây phương quá sớm so với các vùng khác trong cả nước. Ông để lại cho đời sau chút gì khó quên, khó xóa nhòa, gọi là tâm linh, phóng khoáng, thơ mộng”.
Huỳnh Kim
Bình luận (0)