Nhịn xì hơi thời gian dài có gây hại không?

20/12/2022 10:10 GMT+7

Đánh rắm (hay còn gọi trung tiện, xì hơi...) thường mang lại cảm giác dễ chịu. Trên thực tế, một người có thể đánh rắm từ 5 đến 15 lần/ngày. Nhịn đánh rắm là điều bình thường. Nhưng nhịn thường xuyên, trong thời gian dài thì có thể gây hại.

Mỗi ngày, đường ruột của chúng ta sẽ tạo ra từ 0,5 đến 1,5 lít khí. Lượng khí này sẽ được tống ra ngoài bằng cách ợ và đánh rắm, theo tạp chí Newsweek (Mỹ).

Nhịn đánh rắm nhiều lần trong thời gian dài có thể làm tăng rủi ro bị viêm túi thừa

SHUTTERSTOCK

Một phần lượng khí tống ra khi đánh rắm là do nuốt phải không khí bên ngoài khi ăn, uống, dùng ống hút, nhai kẹo cao su hay hút thuốc. Phần còn lại là của nhiều loại khí khác, trong đó có hydro sunfua.

Hydro sunfua được sinh ra từ hoạt động của quá trình tiêu hóa. Dịch tiêu hóa sẽ tương tác và phân hủy thức ăn, từ đó sinh ra khí trong đường ruột. Hydro sunfua chính là tác nhân gây mùi đặc trưng khi đánh rắm.

Vi khuẩn đường ruột cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành khí. Ngoài ra, một số vấn đề rối loạn tiêu hóa hay không dung nạp thực phẩm cũng có thể sinh khí và làm đánh rắm.

Trong một số điều kiện, chẳng hạn như khi đang trò chuyện hay tương tác với người khác, chúng ta thường sẽ kiềm chế đánh rắm. Lượng khí này không ứ đọng lại trong ruột mà trước sau cũng sẽ thoát ra ngoài. Có thể bạn sẽ đánh rắm vào một lúc khác hay được cơ hậu môn giữ lại, xì ra ngoài một cách im lặng.

Nhiều trường hợp lượng khí này thoát ra khi chúng ta ngủ. Đó là lý do vì sao đánh rắm lúc ngủ là điều khá phổ biến.

Trong một số ít trường hợp, nhịn đánh rắm quá nhiều có thể khiến khí tích tụ trong đường ruột, dẫn đến căng tức. Tuy nhiên, trường hợp này hiếm có và chỉ xảy ra khi một người có sẵn vấn đề về ruột trong người.

Nhịn đánh rắm nhiều lần, lặp đi lặp lại trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ bị viêm túi thừa. Bệnh này hình thành các túi nhỏ, phình ra trên niêm mạc của ruột, thường xuất hiện ở phần dưới ruột già. Các túi thừa này bị viêm sưng có thể gây đau bụng dữ dội, nôn mửa, sốt, táo bón, tiêu chảy và chảy máu trực tràng.

Cách tốt để ngăn ngừa nguy cơ viêm túi thừa là khi bỗng dưng muốn đánh rắm ở nơi không cho phép, bạn hãy đến một nơi nào đó kín đáo để đánh rắm. Mọi người chỉ nên nhịn đánh rắm trong trường hợp không thể rời đi để tìm nơi thuận tiện, theo Newsweek.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.