Thầy Vĩnh Linh là một nhà giáo dạy toán rất giỏi, một người có nhân cách. Thầy Vĩnh Linh đã nhiều tuổi mà vẫn chưa lập gia đình, rất gần gũi, hòa đồng với học sinh. Thầy Vĩnh Linh thuộc Hoàng tộc và là người Công giáo.
Có thể nói tuy không có học hàm, học vị, anh Vĩnh Linh vẫn là một trí thức đích thực, mà với người trí thức Việt Nam đích thực thì dấn thân vào dòng thác đấu tranh giải phóng dân tộc là điều tất yếu. Vì thế, điều quan trọng hơn cả, anh Linh ủng hộ tham gia phong trào cùng với bạn trẻ và dần khẳng định vai trò cố vấn, chỗ dựa của phong trào.
Đồng chí Hồ Nghinh, Bí thư đặc khu ủy Quảng Đà rất quý trọng anh Linh, đồng chí thấy ở anh những phẩm chất cao đẹp và những vị thế thuận lợi của một nhân sĩ, một trí thức hoạt động công khai hợp pháp ở thành thị.
Khi anh Vĩnh Linh bị bắt, anh Nghinh, anh Năm Dừa theo dõi với bao âu lo. Các anh càng vui mừng tin tưởng hơn vì qua thử thách dữ dội suốt 6 tháng bị giam cầm tra tấn, anh Linh đúng là một trí thức cách mạng, uy vũ bất năng khuất. Sau này, một người có dịp tìm hiểu các hồ sơ về những ngày tù ngục của anh đã nói với tôi “ông ấy, một trí thức ngoài Đảng nhưng là một người cộng sản hơn người”.
Đã nhiều lần đồng chí Hồ Nghinh chỉ thị tìm cách đưa anh Linh ra căn cứ để các đồng chí lãnh đạo cao nhất của thành phố có thể gặp gỡ, làm quen và trực tiếp bàn bạc công việc.
Một lần anh cùng anh Nguyễn Phúc, thầy giáo dạy trường Bồ Đề được anh Mười Võ đưa ra căn cứ để làm việc, vừa bước chân vào vùng giải phóng ở gần cầu Bà Rén, các anh gặp ngay một toán lính Sài Gòn đi càn. Các anh phải đóng vai những người Đà Nẵng thua đề “nghe nói ở gần đây có một ngôi miếu linh lắm vào để cầu hên” rồi quày quả trở về với nỗi tiếc nuối khôn nguôi vì chưa gặp được những nhà lãnh đạo V.C.
Mãi đến đêm 29.3.1975, khi Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng, anh Vĩnh Linh cùng một vài anh em cơ sở mới được tay bắt mặt mừng trò chuyện với anh Nghinh, anh Thận. Trong niềm vui toàn thắng, như không hề có một khoảng cách giữa những người cộng sản dày dạn can trường và những trí thức yêu nước dũng cảm hoạt động trong lòng địch, họ trở thành những người trong một gia đình, những người bạn, người đồng chí từ bao giờ.
Từ ngày đó, anh Vĩnh Linh trở thành một cán bộ cách mạng chuyên nghiệp. Anh là Phó chủ tịch UB MTTQ VN tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng. Anh tham gia lãnh đạo Hội Liên hiệp Thanh niên Quảng Nam Đà Nẵng, anh là đại biểu Quốc hội khóa VI. Anh đi Lahabana – Cuba trong đoàn đại biểu Việt Nam dự Liên hoan Thanh niên sinh viên quốc tế lần thứ 11.
Công việc bề bộn sau chiến tranh cuốn hút anh. Anh có phong thái một viên chức cần mẫn, nghiêm túc. Anh có niềm say mê lý tưởng hồn nhiên. Cũng như bao người, anh mừng vui vì sự nghiệp giải phóng dân tộc đầy gian khổ hy sinh đã hoàn thành thắng lợi, và anh tin tưởng chắc chắn là mục tiêu phát triển xã hội nhất định sẽ sớm trở thành hiện thực.
Anh hăm hở làm mọi việc kể cả những việc mà sau này nhìn lại chắc anh cũng thấy nó nhiễm phải tệ hình thức vốn rất xa lạ với một người trí thức đích thực như anh (như việc lên một bảng biểu điểm với rất nhiều tiêu chuẩn và những cờ xanh đỏ để theo dõi phong trào thi đua trong hệ thống mặt trận).
Anh đã quyết định nghỉ hưu vào khoảng đúng độ tuổi cùng với quyết định dừng mọi hoạt động chính trị và xã hội mà ai cũng tưởng anh khó dứt ra được. Đồng thời từ đây anh cũng thể hiện một nỗi buồn sâu sắc.
Đó là điều chúng ta phải giải mã.
Có thể vì những lý do riêng, một người khi đã bước vào tuổi 60 có quyền được dành phần còn lại của đời mình cho riêng mình và gia đình?
Có thể vì sống quá lý tưởng mà cuộc sống lại không như mong muốn nên anh rơi vào hội chứng “vỡ mộng”.
Và tại sao lại trách anh Vĩnh Linh khi anh mang nặng một nỗi buồn. Chính Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh, năm 1982, trước lúc ra Hà Nội nhận công tác mới đã đến nhà anh Linh chia tay và chia sẻ với anh “Linh này, nếu cậu đau xót với tình hình đất nước như vậy, mình nói cho cậu biết là mình đau xót nhiều hơn cậu” (anh Linh đã trân trọng nhắc lại kỷ niệm này khi viết bài mừng thọ đồng chí Hồ Nghinh 90 tuổi - 2003).
Với những người trí thức đích thực không đau buồn trước những biến động của đất nước mới là lạ.
Chính từ nỗi đau buồn lớn lao đó mà biết bao sĩ phu đã dấn thân vào cuộc đấu tranh vì độc lập tự do, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhưng, như Bác Hồ đã nói: “Nếu đất nước được độc lập mà dân không được hưởng tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Người trí thức chính là người đau buồn nhiều hơn vì cái nghĩa lý ấy.
Bởi chính nỗi đau buồn đó (của anh Linh và của nhiều trí thức) sẽ thôi thúc cuộc chiến đấu sau ngày chiến thắng cho sự nghiệp gọi là hậu độc lập tự do mà chính đó mới là điều nghĩa lý nhất của cách mạng.
Những năm gần đây, anh Vĩnh Linh ít xuất hiện trong các sinh hoạt cộng đồng, ít giao tiếp với mọi người, song anh vẫn không ngừng làm việc, sẵn sàng, nếu không nói là rất muốn trao đổi với bè bạn.
Tôi là người ít gặp anh, nhưng mỗi lần gặp đều được anh nói về một phát kiến công nghệ mới, một học thuyết kinh tế, hoặc một giải pháp về xã hội mà anh có qua việc đọc sách và đọc trên mạng thường xuyên cũng như qua những ăng-ten riêng nối anh với cuộc sống muôn màu. Những học trò anh khi đến thăm thầy Linh cũng luôn được thầy với thái độ trầm tĩnh vốn có, vẫn đậm chất sôi nổi ngày nào trò chuyện không dứt.
Anh đang ôm ấp trong mình nhiều nhận xét, nhiều điều muốn đóng góp về nền giáo dục nước nhà mà sự hiểu biết và quan tâm của anh vừa rất phong phú thực tiễn, vừa mới mẻ về lý luận.
Bây giờ, khi anh Vĩnh Linh đã đi xa, tôi mới thấy mình có lỗi, đã không lắng nghe thật đầy đủ những điều anh nói, những kiến giải của anh về thế sự nhân tình. Chắc chắn là nếu lắng nghe đầy đủ, hiểu biết của mình sẽ phong phú hơn, tươi mới hơn.
Và với chỗ đứng của tôi, tôi còn có bổn phận phản ánh những điều anh suy nghĩ, tâm đắc với những người có trách nhiệm. Cũng không dám chắc là sự phản ánh ấy có hiệu quả như thế nào, song sẽ là không phải với anh nếu nghe không đầy đủ và không nói lại cho những người cần biết những điều ấy.
Tôi lại nghĩ rằng trên đất nước này còn có bao trí thức như anh Vĩnh Linh. Họ ngày đêm đau đáu, trăn trở về những chuyện quốc kế dân sinh, họ có thể có những ý kiến nhỏ và cả những kế sách lớn. Sống với họ là tư duy. Không một người nào, một viện nghiên cứu nào có thể nghĩ thay cho họ, không tập hợp và phát huy được vốn quý đó là một sự lãng phí kinh khủng, nhất là trong khi chúng ta đang chủ động hội nhập với mong muốn sánh vai cùng với các cường quốc năm châu.
Anh Vĩnh Linh ơi! Đến lúc này tôi mới ngộ ra rằng mình chưa thành tâm chia sẻ và tôn trọng nỗi đau buồn của anh, chưa lắng nghe đầy đủ những nghĩ suy, mong muốn của anh.
Nguyễn Đình An
Bình luận (0)