TNO

Nhớ bánh ít dẻo thơm những chiều mưa Huế

23/11/2016 11:37 GMT+7

(iHay) Những chiều mưa xứ Huế mà ăn món bánh ít vừa hấp xong kẹp thêm miếng ram giòn rụm thì ngon phải biết.

(iHay) Những chiều mưa xứ Huế mà ăn món bánh ít vừa hấp xong kẹp thêm miếng ram giòn rụm thì ngon phải biết.

Bánh ít Huế - Ảnh: Thùy Trang
Nhân bánh ít mặn thường được làm bằng tôm thịt rim thấm. Còn nhân bánh ít chay thì chủ yếu làm bằng đậu xanh cà hấp chín vàng thơm ngon.
Tôi may mắn được làm dâu trong một gia đình có truyền thống làm các loại bánh Huế. Từ khi về làm dâu, tôi biết thêm rằng việc làm bánh không chỉ là sở thích, niềm đam mê của mẹ chồng tôi mà đây còn là sinh kế giúp bà chèo lái gia đình, nuôi nấng 6 người con nên người như bây giờ.
Mẹ chồng tôi là một người phụ nữ Huế điển hình, tần tảo, chịu thương chịu khó, vất vả cả đời vì chồng vì con. Bà có taynấu nướng và làm bánh ngon, đặc biệt là các loại bánh truyền thống của Huế như bánh  bèo, bánh ít, bánh nậm, bánh lọc, bánh măng mận… Gia đình chồng tôi chỉ làm theo yêu cầu của khách hàng, thường là những khách hàng lâu năm, thân quen của mẹ chồng tôi hoặc là các chùa nếu có nhu cầu đặt bánh chay.
Như bao nghề truyền thống khác, nghề làm bánh cũng có những yêu cầu, đòi hỏi công phu nhất định và cũng vất vả không kém. Để có những ổ bánh ướt ngon, hay những khay bánh bèo, những dĩa bánh ít…dẻo thơm mùi gạo, mùi nếp, mẹ chồng tôi thường ngâm gạo, ngâm nếp từ đêm hôm trước và thức dậy từ rất sớm để xay gạo, xay nếp.
Gạo, nếp sau khi xay xong được gạn khô bằng cách bỏ vào bao vải dù, dùng vật nặng đè lên trên để ráo nước. Mẹ thường nói rằng đa phần các loại bánh Huế phải được làm từ gạo, nếp xay mới ngon, mới giữ được hương vị đặc trưng, truyền thống của bánh. Vì vậy, dù rất mất công sức và thời gian, bà vẫn kiên quyết sử dụng “bột tươi” để làm bánh và rất hiếm khi dùng bột khô bán sẵn như cách mà ngày nay nhiều người vẫn thường làm.
Trong tất cả các loại bánh mẹ chồng tôi làm, bánh ít là loại bánh mà tôi yêu thích nhất. Đó là một loại bánh nhỏ, tròn, trắng nhưng để làm được bánh cũng rất công phu. Muốn bánh ngon phải dùng loại bột nếp dẻo thơm và trắng nõn. Bánh thường có hai loại, bánh ít mặn và bánh ít chay, có thể gói với lá chuối, gọi là bánh ít gói hoặc để trần ăn cùng miếng ram làm bằng bột nếp chiên giòn, gọi là bánh ram ít. Nhân bánh ít mặn thường được làm bằng tôm thịt rim thiệt thấm. Để có nhân bánh ngon, tốt nhất nên mua tôm đất, là một loại tôm nhỏ đặc trưng của xứ Huế. Còn nhân bánh ít chay thì chủ yếu làm bằng đậu xanh cà hấp chín vàng thơm ngon.
Cách làm bánh ít cũng giống như cách nặn bánh chè trôi nước. Thoạt nhìn thì rất đơn giản nhưng để nặn được bánh ít cũng cần phải khéo tay để làm sao bánh vừa đẹp mà nhân không bị bung ra. Chiếc bánh ít thường nhỏ, tròn, xinh xắn, chỉ vừa một đến hai lần cắn, có lẽ vì thế nên người ta gọi là bánh ít.
Bánh nặn xong thì sắp lên mẹt tre để hấp, chừng 15 – 20 phút là chín. Khi ăn rải lên chút tôm chấy, chấm cùng nước mắm pha ngọt ngọt cùng một vài lát ớt xanh cay cay, thơm thơm. Bánh ít chín có vị dẻo thơm của nếp, mặn mà của tôm thịt rim, bùi của đậu xanh, đậm đà của vị nước mắm, the the của vị ớt xanh.
Những chiều mưa xứ Huế mà ăn món bánh ít vừa hấp xong kẹp thêm miếng ram giòn rụm thì ngon phải biết.
Với tôi bánh ít không chỉ đơn thuần là một món ăn yêu thích mà nó luôn gợi nhắc về hình ảnh chịu thương, chịu khó, cần mẫn và giàu đức hy sinh của mẹ chồng. Nó cũng làm cho tôi liên tưởng đến hình ảnh của chiếc bánh trôi nước và thân phận của người phụ nữ bảy nổi ba chìm trong bài thơ “Bánh trôi nước” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. 
Nếu ai có dịp đến Huế thì đừng quên thưởng thức món bánh ít dẻo thơm, mặn mà này nhé.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.