Sông bao bọc tứ phía bởi những nhánh, những ngã rẽ, những hói ngang, hói dọc chằng chịt. Mỗi lần muốn đi đâu đều phải qua đò. Đò Cửa Hác về Ba Đồn, đò Phù Trịch về Quảng Thanh, đò về La Hà, Văn Phú Quảng Văn, đò sang Cồn Nâm, Thong Thóng, Hạ Trạch… Mỗi lần qua sông là một lần chờ đò, có khi phải mất cả nửa ngày. Chả thế mà người dân quê thường nói vui với nhau: “Ăn cơm cho no, chờ đò Phù Trịch”.
Nhưng chờ đò có vất vả thì cũng không thấm gì với nỗi lo sóng dữ, đò chìm. Những con đò nhỏ vượt sông Gianh như những chiếc lá tre trước những con sóng bạc đầu vào mùa hè gió Lào thổi mạnh, hay những cơn gió bấc rít liên hồi mang theo mưa phùn, rét buốt vào mùa đông.
Vào những ngày hè oi ả, từ sáng sớm, nghe tiếng kẻng hợp tác đổ dồn, mọi người lục tục kéo nhau ra đồng. Hết gặt lúa chiêm, đến đào khoai, thu hoạch lạc... Bọn trẻ con chúng tôi thì đi mót khoai, mót lúa. Khoai mót được đưa về nhà, mẹ ngồi tẩn mẩn lựa ra: củ nào bị sùng, hà thì bỏ cho bò ăn, củ nhỏ để luộc ăn sáng, ăn trưa, hoặc để hấp cơm, những củ lớn thì dồn chung với khoai nhận từ hợp tác, rửa sạch sau đó vằm nhỏ hoặc cắt lát phơi khô, cất vào chum ăn dần.
Trưa hè, nắng Quảng Bình với gió Lào rát bỏng, chúng tôi núp vào những lùm tre, bụi chuối chọi dế, chọi cá lia thia. Có bữa chúng tôi hò nhau bơi ra giữa sông, leo lên Cồn Bôông, Cồn Nổi bắt dế. Cồn Nổi dế nhiều lắm, chúng nấp trong những bụi lạc, những luống dưa hấu. Trên cồn có một cái miếu nhỏ, thờ ông cá Ông, xung quanh cây cối rậm rạp. Miếu thiêng lắm, không đứa nào dám mò vào trong. Chúng tôi “đổ bộ” lên bãi bắt dế, đùa nghịch, hái trộm một vài trái dưa, nhổ trộm một ít lạc gói trong áo làm “chiến lợi phẩm”, bơi trở về nhà.
Những ngày nước thủy triều xuống, doi cát giữa sông trồi hẳn thành một bãi cạn. Tôi cùng bố ra sông kéo trủ. Chúng tôi giăng trủ ngang qua một lạch nước, sau đó hai cha con cầm hai đầu một sợi dây có gắn những vỏ sò, vỏ hàu giật giật liên hồi làm cho chúng phát ra âm thanh loảng xoảng, để lùa cá, lùa tôm vào trủ. Nếu không kéo trủ thì đi cào ngao, cào trạng, giủi tôm, bắt cua, bắt cáy. Thú nhất là vào mùa xúc chắt chắt. Chúng tôi ra bãi cạn lặn xuống sông xúc chắt chắt lẫn cát vào cái giần sau đó trồi lên mặt nước giần cho sạch cát, còn lại chắt chắt đổ vào thúng. Mỗi buổi được cả thúng chắt chắt, đưa về nhà nấu canh với rau muống, rau dền, hoặc nấu cháo. Cháo chắt chắt vừa béo vừa mát, lại ngòn ngọt, ăn no vẫn cứ thòm thèm.
Những ngày đông mưa rả rích, rét mướt. Chúng tôi lùa bò lên Hói Đồng, hoặc xuống đồng La Hà thả. Nếu rét quá thì tụ nhau lại trong Nghè. Nghè là khu miếu thờ Thành Hoàng của làng Cồn Vượn. Phía trước Nghè là con đê chạy dọc theo bờ sông ngăn nước lũ. Ba phía còn lại là những rặng tre, những cây sậy, cây bún, cây mưng. Nhờ những rặng cây rậm rạp quanh Nghè mà dù trời có mưa phùn, gió bấc rét mướt thì bên trong Nghè vẫn rất ấm áp. Những con chim cu, chim sả màu sắc lòe loẹt nhảy từ cây này sang cây khác. Mấy con sáo thỉnh thoảng lại đậu lên lưng bò rỉa rói. Trên trời, mấy con ác là, quạ đen, quạ khoang cổ bay lượn vút lên cao rồi nhào xuống kiếm mồi. Chúng tôi chơi đủ trò: đánh khăng, đánh đáo, nhảy dây, trốn tìm… Những bài ca, bài vè đi theo những trò chơi:
Rù ru riền riến
Con kiến giữ nhà
Cho bà đi chợ
Mua mật mua mợ
Mua dầu mà thắp…
Mùa bão lũ, dòng sông Gianh vốn yên ả, thanh bình bỗng trở nên hung dữ. Nước từ nguồn Nậy, nguồn Son, nguồn Nan đổ về dâng cao. Nước lụt về mang theo biết bao nhiêu củi, gỗ. Nhìn những khúc gỗ to trôi theo dòng nước chảy xiết, các anh tôi chèo thuyền ra, khéo léo cặp được khúc gỗ vào mạn thuyền đưa vào bờ. Có những trận bão gió chướng, nước biển được gió đùa lên, tràn vào đồng. Cây cối, cá tôm chết sạch, dân làng vào cảnh trắng tay.
Chiến tranh bùng nổ. Máy bay Mỹ ngày đêm ném bom, bắn phá. Bến phà Gianh bị bom dội liên tục, mọi sự tiếp tế vào Nam, phải qua Bến Mới vào đường Trường Sơn. Đội vận tải đường sông được thành lập. Những chàng trai trẻ đêm đêm chèo thuyền chở hàng hóa ngược sông Gianh, những câu hò đối đáp vang lên trầm bổng giữa đêm khuya thanh vắng.
Hò ơi… Sông Gianh nước chảy hai dòng, đèn thắp hai ngọn, em trông ngọn nào…
Hò ơi… sông sâu cá lội biệt tăm, phải duyên chồng vợ, trăm năm em vẫn chờ…
Con sông quê tôi oằn mình mang nặng dấu tích chiến tranh. Trên dòng sông quê chúng tôi lớn lên và lần lượt cùng nhau lên đường ra mặt trận.
|
Bình luận (0)