Nhớ con sông xưa

04/12/2020 16:00 GMT+7

Con sông nào cũng có cái đẹp bình dị riêng và càng đẹp hơn trong ký ức người đi xa.

Cũng dễ hiểu, bởi con sông quê với người xa xứ như khúc ruột mềm, gắn với quãng tuổi thơ khó nhọc.
Gần gũi, mộc mạc, nhẹ nhàng và thanh yên nhất chỉ khi được trở về bên con sông quê mình - sông Cửa Tả.
Không chỉ mang nặng phù sa tưới tắm cho cánh đồng lúa, dòng sông quê còn là một thứ năng lượng vô biên để níu giữ chân một ai đó ở lại, dù chỉ một giờ để lần giở từng trang ký ức, để thấy mình được chở che, nuôi dưỡng bằng dòng nước mát lành, thơm tho.
Chúng tôi có biết bao kỷ niệm với con sông Cửa Tả mà mấy mươi năm sau vẫn còn cất giữ đâu đó trong chiếc hộp ký ức. Thuở học trò, không cần phải đợi hè, ngay sau tiếng kẻng báo hiệu tan trường là cả đám ùa nhau chạy ra sông, cởi quần áo rồi nhảy ào xuống với đủ trò nhào lộn, nhảy xa, trồng chuối, rượt đuổi… Có hôm, vì mải mê tắm sông mà quên cả việc cho bầy heo ăn, bị má xách roi ra đến tận bến.
Bọn con gái cũng tắm sông nhưng kín đáo hơn, có bến tắm riêng hẳn hoi. Con gái không nghịch thì thôi chứ nghịch thì bọn con trai cũng phải chạy làng. Thiệt, hôm nào bến dưới có con gái tắm là tình hình không ổn chút nào, đám con trai phải hết sức cảnh giác nếu không muốn trầm mình hàng giờ dưới sông vì không có quần áo để mặc. Ấy là do đứa nào hay chọc phá, khiến bọn con gái không ưa mà trả đũa. Có lần, thằng Tèo bị bạn nữ gom hết quần áo giấu trong bụi tre rồi rút êm khi Tèo mải mê rượt đuổi bạn dưới sông, khi lên bờ thì mới tá hỏa. Tụi bạn cũng chẳng vừa, đứa nào cũng bỏ về hết mặc nó khóc lóc. Đợi hơn hai tiếng không có ai để cầu cứu, thằng Tèo đành tồng ngồng chạy một hơi về nhà.
Mỗi khúc sông có đường mòn dẫn từ làng ra bến. Bến lớn hay nhỏ còn tùy vào bà con lui tới đông hay không. Có bến được “mở” trên dưới trăm năm, nghe đâu đấy là bền tắm bò, tắm ngựa ngày trước.
Bến sông là nơi để bà con trong làng tắm táp, giặt giũ trên đường đi rẫy, đi ruộng về. Nguồn nước mát lành của con sông quê xóa tan mệt nhọc, về ngủ một giấc tròn để tiếp thêm năng lượng cho ngày mới.
Ngày ấy, nước sông trong vắt cũng là nguồn nước sinh hoạt chính của nhiều gia đình. Hầu như nhà nào cũng có giếng nước nhưng vẫn còn giữ tập quán tắm, giặt ở bến sông. Thường chập choạng tối hay những đêm sáng trăng, chị em phụ nữ trong xóm tranh thủ ra bến sông gánh nước về đổ vào lu, vào chát dự trữ.
Con sông ấy cũng là nơi cho bà con cái ăn quanh năm. Lúc bấy giờ, sản vật ở con sông này nhiều lắm, nào là tôm, cua, cá, ốc… mà nay thuộc hàng hiếm, có tiền cũng không dễ kiếm. Đến bữa, mang đôi lưới ra thả, ít lắm cũng có được nồi cá kho nghệ, hay dĩa cá lúi, cá rô chiên giòn. Hay đám trẻ chúng tôi, vừa tắm vừa lặn chơi chơi cũng kiếm được hơn kg ốc gạo về hấp lá chanh. Bây giờ, thi thoảng cũng lưới được ít cá sau một, hai trận mưa trái mùa. Nhứt là cơn mưa đầu thu, cá háo nước, bơi sõng dọc theo bờ sông thả lưới đâu vào đấy rồi dùng dằm gõ nhẹ trên thành sõng, cá kín lưới gỡ mỏi tay.
Không chỉ bà con trong làng, con sông này cũng là địa chỉ để bà con làng khác đến đánh bắt, không khá giả nhưng cũng đắp đổi qua ngày. Từng thả lưới, cắm câu, đặt trúm… nhưng tôi thì thích thú với kiểu câu cá của người đàn ông ở thôn khác đến. Người ta bảo ông là “quái kiệt” câu cá móm chẳng ngoa chút nào. Ai muốn ăn cá móm sông, cứ dặn trước một đêm thế nào ngày mai cũng có một, hai ký. Trong túi đồ nghề của ông, không thể thiếu bình đong rượu. Ra bến sông, ông uống một xị, còn lại dành cho giờ giải lao. Ông lội ra giữa dòng, nước ngang ngực, cầm cần quất lưỡi câu xuống nước tạo ra âm thanh tốc tốc để dụ cá đến, nghe vui tai. Ngày nắng mưa gì người ta cũng thấy ông ở vị trí ấy, nhẹ nhàng, cần mẫn thả cần rồi gỡ cá. Cũng nhờ “sát cá” mà ông có điều kiện nuôi các con ăn học thành tài, trở thành thầy cô giáo giỏi nghề.
Hai đứa chúng tôi có một quãng tươi đẹp nơi bến sông này. Ngày em báo tin theo gia đình đến nơi khác sinh sống, em kẹp tờ giấy nhỏ trên nhánh mắc cỡ bên bờ sông rồi chạy mất hút sau cánh đồng mía. Tờ giấy còn thơm mực tím với nét chữ thân quen: “Mai này em về, mình cùng thả hồn phiêu lãng bên bến sông”.
Rồi em đi biệt mù. Qua bao mùa mưa lụt, con sông bên lở bên bồi, không còn êm đềm như trước nhưng trong tôi, con sông Cửa Tả vẫn luôn bao dung, hiền hòa.
Anh vẫn đợi em về, mình cùng thả hồn phiêu lãng bên bến sông.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.