Nhờ đâu ổ dịch Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai được phát hiện sớm?

27/03/2020 19:16 GMT+7

Cộng đồng có lẽ nên gửi một lời cảm ơn đến sự trách nhiệm, nhạy bén của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Lai Châu, liên quan đến việc phát hiện ổ dịch Covid-19 ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

CDC Lai Châu không nhanh nhạy, tình thế có thể tệ hơn nhiều

Theo Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, rất may là bệnh nhân 133 tại Lai Châu đã được phát hiện sớm nhờ phản ứng rất nhanh của CDC Lai Châu. Cũng bởi phát hiện được ca bệnh này, 3 bệnh nhân khác đã được phát hiện và công bố hôm nay, 27.3.

Tìm ra hàng ngàn người từng đến Bệnh viện Bạch Mai - ổ lây lan virus corona

Tại cuộc họp giao ban của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội chiều 27.3, Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, trên địa bàn Hà Nội hiện 3 ổ dịch tại cộng đồng liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai là ổ dịch tại quận Thanh Xuân (liên quan đến bệnh nhân 86), ổ dịch tại quận Long Biên (liên quan đến 3 bệnh nhân vừa công bố) và ổ dịch tại chính Bệnh viện Bạch Mai.
CDC Hà Nội đã phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai bao vây, khoanh vùng xử lý ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai và ổ dịch tại cộng đồng theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Cũng tại buổi họp này, ông Cảm đã ca ngợi sự tỉnh táo, trách nhiệm và nhanh nhạy của CDC Lai Châu, dù là một tỉnh miền núi. Nếu CDC Lai Châu không phát hiện ra bệnh nhân 133, thì tình hình tại Bệnh viện Bạch Mai sẽ còn phức tạp hơn rất nhiều.
“Sau khi có 1 bệnh nhân ở Lai Châu, chúng tôi hỏi CDC Lai Châu tại sao phải lấy mẫu? Trường hợp này là bệnh nhân chuyển tuyến, từ Bạch Mai về Bệnh viện đa khoa Lai Châu để điều trị tiếp. Tuy nhiên, CDC Lai Châu thấy rằng thấy bệnh nhân đi từ Bạch Mai về, đánh giá rằng Bạch Mai đã có 2 ca dương tính, với phản ứng rất nhanh về mặt dịch tễ, đã lập tức lấy mẫu gửi về T.Ư và kết quả xét nghiệm dương tính”, ông Cảm cho biết.
“Việc phát hiện trường hợp bệnh ở Khoa Thần kinh (Bệnh viện Bạch Mai - phóng viên) là hoàn toàn ngẫu nhiên, do hệ thống dự phòng của Việt Nam phản ứng rất nhanh, mặc dù là 1 tỉnh miền núi. Chúng ta chủ động phát hiện sớm. Vì có ca đó, mới ra được 1 trường hợp nằm gần (bệnh nhân 161 vừa được Bộ Y tế công bố), và 2 mẹ con chăm sóc bà ở bệnh viện cũng dương tính (bệnh nhân 162 và bệnh nhân 163).
Thời điểm dương tính là rất gần nhau. 3 người liên quan đều không có triệu chứng gì đặc biệt, không sốt, không ho, nhưng Hà Nội đã chủ động xét nghiệm, phát hiện ra”, ông Cảm thông tin thêm.
Theo Giám đốc CDC Hà Nội, quận Long Biên đã mất cả đêm hôm kia, hôm qua ở phường Thượng Thanh để điều tra những người tiếp xúc gần.

Việt Nam có 163 bệnh nhân nhiễm virus corona sau khi thêm 10 ca liên tiếp

Nên "đóng băng" Bệnh viện Bạch Mai

Theo yêu cầu của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung, tất cả những trường hợp người bệnh đã được ra viện của Bệnh viện Bạch Mai trong vòng 10 ngày qua, từ 15 - 25.3, rà soát bước đầu là xấp xỉ 1.500 người, những người này sẽ được cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm theo quy định.
Theo thông báo của Bệnh viện Bạch Mai thì trong 10 ngày vừa qua, có 14.000 người trên địa bàn Hà Nội đến khám ngoại trú ở Bệnh viện Bạch Mai, hiện CDC Hà Nội đang sàng lọc những trường hợp này để tiếp tục khuyến cáo họ tự cách ly. Nếu ho, sốt, khó thở thì lập tức báo cho y tế để điều tra, giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm.
Ông Cảm “đánh giá nguy cơ ở trong bệnh viện là rất cao”, do các vấn đề nội tại của bệnh viện là bệnh nhân nặng rất nhiều, nếu xảy ra dịch trong bệnh viện thì tỷ lệ tử vong cao.
Thêm vào đó, bệnh viện là nơi đông người qua lại (thông thường, mỗi ngày 6.000 - 8.000 người ra vào Bệnh viện Bạch Mai), nên nguy cơ lây lan ra cộng đồng cũng rất cao.
Do đó, ông Cảm đề xuất tiến tới dừng nhận bệnh nhân vào Bệnh viện Bạch Mai. Các bệnh nhân đang điều trị ở đây không nên chuyển đến bệnh viện khác của Hà Nội mà tiếp tục điều trị, chỉ cho ra viện khi đã xét nghiệm âm tính.

Hàng quán quanh Bệnh viện Bạch Mai vắng hoe sau khi 2 điều dưỡng nhiễm virus corona

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.