Nhớ Hà Nội

10/10/2014 03:10 GMT+7

Hà Nội - không chỉ là tên gọi một thành phố, một thủ đô. Nó thiêng liêng hơn, bắt đầu từ ngày 2.9.1945. Nó hào sảng hơn, tha thiết hơn, bắt đầu từ ngày 10 tháng 10 sáu mươi năm trước, khi “Năm cửa ô đón mừng - Đoàn quân tiến về...”.

Có hai bài bát về Hà Nội đã đi vào bất tử: đó là bài Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, và bài Tiến về Hà Nội của Văn Cao. Nếu với bài hát của Nguyễn Đình Thi người ta cảm nhận được cốt cách, tâm hồn, khí tiết của người Hà Nội, thì nghe bài hát của Văn Cao người ta thấy ngày giải phóng thủ đô hiện lên trong cảm xúc của người Hà Nội như thế nào, và “Người Hà Nội” đã “Tiến về Hà Nội” ra sao.

Văn Cao viết bài hát này năm 1949, trước ngày 10.10.1954 đúng 5 năm. Chỉ có người Hà Nội, người VN mới tưởng tượng ra ngày chiến thắng quân xâm lược của dân tộc mình rõ ràng đến vậy, vào lúc cuộc kháng chiến đang ở hồi quyết liệt nhất như thế. Và 60 năm sau, hôm nay mỗi người VN yêu nước có dịp thăm Hà Nội lại có cảm giác như mình đang đến với Hà Nội từ một cửa ô ngày cũ, một ngày cuối thu của 60 năm trước, với hoa và niềm vui vỡ òa trên những con phố.

Không chỉ người Hà Nội yêu Hà Nội. Tất cả người VN đều yêu Hà Nội. Và không chỉ có thế. Rất nhiều người trên thế giới, từ rất lâu rồi, đã yêu Hà Nội. Một tình yêu vô tư, trong lành, đầy cảm xúc. Hà Nội hoàn toàn xứng đáng với tình yêu đó, vì thủ đô của chúng ta là một thành phố đặc biệt.

Đó là thành phố, từ thuở còn mang tên Thăng Long, đã là biểu tượng cho lòng yêu nước và ý chí độc lập của toàn dân tộc. Biểu tượng ấy mang tính tập hợp và khả năng đoàn kết rất lớn lao, nhất là mỗi khi đất nước phải đương đầu với kẻ thù xâm lược.

Bây giờ, Hà Nội được gọi là “Thành phố hòa bình”, thì không phải từ lúc khai sinh tới giờ Hà Nội chỉ sống trong hòa bình. Ngược lại, đó là thành phố phải hy sinh rất nhiều, thậm chí phải “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” để có hòa bình. Những quả bom ba càng thô sơ và những chiến sĩ quyết tử của Trung đoàn Thủ đô vào “Mùa đông năm 1946”, những khẩu đội súng phòng không và những giàn tên lửa vào “12 ngày đêm B52 tháng 12 năm 1972” đã cho thấy Hà Nội phải trả giá thế nào cho hòa bình, và người Hà Nội đã sống ra sao trước sự tồn vong của Tổ quốc.

Đó cũng là phẩm chất của Hà Nội. Phẩm chất ấy là niềm tự hào cho rất nhiều thế hệ người Hà Nội, dù là người gốc Hà Nội hay người nhập cư vào Hà Nội.

60 năm là một thời gian đủ dài cho sự phát triển. Nhưng trong 60 năm ấy, Hà Nội đã phải mất bao nhiêu năm cho chiến tranh và sự đe dọa của chiến tranh? Vì thế, với những người thỉnh thoảng mới có dịp trở về Hà Nội, thì thành phố này cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ. Từ dáng vóc thành phố tới chiều sâu trong trí tuệ của lớp người trẻ, Hà Nội cho chúng ta cơ sở để tiếp tục đặt “Niềm tin và hy vọng” vào thủ đô của mình. Không hiểu sao, mỗi khi nhìn những người trẻ Hà Nội trong những hoạt động tình nguyện vì xã hội, hay khi nhìn họ trên khán đài sân Mỹ Đình cổ vũ hết mình cho đội tuyển U.19 quốc gia, tôi như thấy lại hình ảnh của thế hệ mình nửa thế kỷ trước. Tôi tin vào thế hệ trẻ của Hà Nội hôm nay, như đã tin vào thế hệ mình. Một niềm tin bình tĩnh và giản dị như “mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời…”.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.