Quê tôi ở vùng Bảy Núi, An Giang, trước kia người ta vẫn quen gọi là Thất Sơn. Tương truyền đây là một dãy núi nhấp nhô gồm bảy ngọn không liên tục, tựa như nanh sói, nhấp nhô trên khu vực đồng bằng miền Tây Nam bộ, vắt qua hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Nhờ sở hữu khí hậu và thổ nhưỡng độc đáo nên từ lâu vùng đất này đã nuôi dưỡng trong mình những loại cây trồng rất độc đáo. Một trong số đó phải kể đến chính là cây thốt nốt.
Trái thốt nốt |
tác giả cung cấp |
Như nhiều người con ở vùng Thất Sơn, bản thân tôi dẫu đã xa quê nhiều năm nhưng mỗi khi có dịp quay về làng cũ, nhìn hình ảnh những cánh đồng lúa chín vàng mênh mông, bản thân lại nao nao nhớ những hàng cây thốt nốt xanh mướt vươn mình trong nắng gió của đất trời biên giới. Chợt nghĩ, thấp thoáng đâu đó trong kí ức của mỗi người dân xứ này là biết bao kỉ niệm êm đềm với loại thực vật dẫu không mang đến nhiều giá trị kinh tế nhưng lại giàu sức sống, xanh mướt quanh năm.
Thật khó để trả lời rằng, cây thốt nốt xuất hiện ở làng tôi và khắp vùng núi Tịnh Biên, An Giang từ bao giờ. Chỉ biết rằng loại cây vốn có nguồn gốc từ châu Phi này đã sinh trưởng khắp miền Tây Nam bộ, song hành cùng với hành trình mở cõi của cộng đồng người dân ở Nam bộ là điều không thể phủ nhận.
Vốn là loài thực vật họ cọ, thân cây thốt nốt thường to cao giống thân dừa nhưng ít xù xì hơn, lá xoè ra như lá cọ. Cây thốt nốt vốn là loại cây có khoảng thời gian sinh trưởng tương đối dài. Theo như lời kể của nhiều bậc cao niên trong làng tôi thì độ chừng gần 15 năm, cây thốt nốt mới đạt đến độ trưởng thành và có thể cao đến 30 mét.
Thân cây thốt nốt thường sẽ chia thành nhiều khoanh như thân dừa, điểm xuyết những tán lá xòe rộng nhìn xa trông như lá cọ rất to và xanh mướt. Thốt nốt khi lớn sẽ cho ra những chùm quả lớn, mọc thành quầy giống quả dừa. Tuy nhiên, trái thốt nốt có màu tím sậm, khi chín lại có màu hạt dẻ, ruột vàng, hương thơm nồng nàn và cuống có màu xanh. Dù thế, trái thốt nốt không có nước bên trong như dừa. Nếu muốn ăn, ta cần bổ ra lấy phần thịt mềm mịn bên trong.
Thốt nốt vốn là loại cây mọc nhiều tại các tỉnh giáp biên giới như An Giang, Kiên Giang. Loại thực vật này gắn bó mật thiết với cuộc sống đồng bào dân tộc Khmer. Tên gọi nghe rất lạ tai “thốt nốt” cũng bắt nguồn từ tiếng Khmer là “th’not”, nhưng nhiều người dân địa phương đôi khi đọc trại ra thành thốt nốt. Cây thốt nốt rất được người dân quê tôi yêu thích, cũng bởi độ hữu dụng của nó, khi hầu như những bộ phận của cây thốt nốt đều được bà con tận dụng, từ thân tới lá, quả.
Thông thường, khi cây thốt nốt đơm hoa, người ở làng tôi sẽ trèo lên ngọn cắt một vài vòi hoa rồi dùng thanh tre kẹp lại, buộc ống vào đầu cụm hoa hứng nước tiết ra từ chỗ cắt. Được biết rằng nước chiết từ hoa thốt nốt có vị ngọt thuần khiết và phảng phất hương thơm dịu nhẹ.
Ngoài việc sử dụng loại nước này như một thức uống để giải khát, người ta cũng có thể tạo nên một loại bia nhẹ hoặc rượu vang thơm ngon đáng kinh ngạc. Và đương nhiên nước này có thể nấu thành đường thốt nốt, một loại đường đặc sản mà bất cứ ai đặt chân đến miền Tây Nam bộ cũng không quên thưởng thức và mua về làm quà.
Ở làng tôi có nhiều người mưu sinh bằng nghề lấy nước của cây thốt nốt. Cũng bởi nghề này vừa dễ lại vừa khó. Nói dễ là vì có nguồn nguyên liệu dễ tìm. Còn khó khăn là do phải cần mẫn mưu sinh bằng công việc cheo leo trên cây giữa cái nắng gay gắt ở phương Nam. Chỉ cần không cẩn thận một chút, có thể gây ra hiểm họa khôn lường, gây ảnh hưởng đến tính mạng của bản thân. Dẫu biết là thế, nhưng vì công việc mưu sinh, nên người dân vốn quen tần tảo “một nắng hai sương” vẫn cố gắng vượt qua. Thời chúng tôi còn nhỏ, tía tôi cũng là một người chuyên đi lấy nước từ cây thốt nốt để góp nhặt tiền nuôi các con.
Đôi lần theo tía đi hái thốt nốt, tôi được nghe tía kể lại chuyện những người thợ muốn lấy nước phải vót một thanh tre thủ công đóng vào thân cây thốt nốt để làm chỗ bám leo lên xuống. Sau đó, có thể từ từ dùng kẹp tre ép hoa thốt nốt để tạo nước và chờ từng giọt nước từ hoa tích tụ chảy vào các ống, ca nhựa được hứng sẵn.
Thông thường, sau những mùa vụ, khi những cánh đồng bắt đầu thời gian ngơi nghỉ thì người dân nơi đây lại sống dựa vào nguồn thu từ cây thốt nốt. Có gia đình làm nghề thu lấy trái, cũng có hộ thu nước nấu đường, làm bánh... Dù nguồn lợi thật sự không nhiều nhưng mọi người vẫn giữ nghề gia truyền, làm kế sinh nhai từ loài cây hữu dụng này.
Tại làng tôi, thời điểm khai thác nước và nấu đường thốt nốt thường bắt đầu từ tháng 11 kéo dài đến khoảng tháng 5 (âm lịch) năm sau. Đây là thời điểm nước thốt nốt ngọt nhất, sản lượng đường thu được sau khi nấu cũng nhiều hơn. Thông thường, thời điểm bắt đầu thu hoạch là từ được thu hoạch từ sáng sớm, khi bình minh bắt đầu ló dạng cũng là thời điểm những cánh rừng thốt nốt vang vọng tiếng người lấy trái trên đọt cây cao chót vót, tiếng dao vỗ vào những lớp vỏ thốt nốt thô cứng, tạo ra thứ âm thanh đơn thuần mà giản dị.
Ngày còn bé, theo chân người lớn đi lấy nước thốt nốt, tôi hay để ý quy trình chế biến của mỗi người. Để có ly nước thốt nốt, người dân phải cất công đặt ống nứa vào những cuống hoa từ đêm tới sáng mai mới cho ra được thứ dịch thơm nồng. Nước thốt nốt sau khi lấy xuống sẽ được lọc qua miếng màng mỏng cho sạch bông, bụi bẩn và côn trùng. Đặc biệt, nước thốt nốt sẽ càng ngon hơn khi dùng chung với cơm thốt nốt và đá lạnh sẽ cho ra hương vị thanh tao mà ngọt dịu.
Tôi thích nhất cảm giác nhâm nhi loại nước thơm mát như mùi hoa rừng, cắn thêm chút cơm giòn mềm dai như cơm dừa nước, cảm giác như bao hương vị thuần khiết của đất trời đọng lại trên môi mình.
Nếu muốn nấu đường thốt nốt, chúng ta có thể cho vào chảo lớn, với ước lượng trung bình khoảng 8 lít nước, nấu trong vòng khoảng 6-7 tiếng mới cô đặc lại thành một mẻ đường. Đường thốt nốt mặc dù được cô đặc từ nước thốt nốt nhưng vẫn giữ được vị ngọt dịu, thuần khiết. Đường sẽ được đóng thành bánh tròn nhỏ hoặc chứa trong hũ. Người sành ăn sẽ chọn loại đường màu ngả vàng nâu vì vẫn giữ được hương vị tự nhiên, còn đường thốt nốt nếu màu trắng là đã qua tinh chế.
Những trái thốt nốt chín già rụng quanh gốc sẽ được bọn trẻ trong làng sẽ lượm về cho mẹ chế biến bánh bò. Anh em tôi cũng không là ngoại lệ khi cực kỳ hào hứng nhặt về cho mẹ, vốn là người chế biến bánh bò khéo léo trong vùng. Được biết bánh bò thốt nốt cũng là đặc sản nổi tiếng nhất là của người Chăm vùng Tân Châu, Châu Giang (An Giang).
Thông thường, mẹ tôi sẽ tước đi vỏ cứng bên ngoài, mài lên rá, rổ tre để lấy thịt là thứ bột nhuyễn màu vàng sậm. Bột trái thốt nốt cũng chính là “linh hồn” của món ăn, là chất tạo màu vàng đẹp mắt cho chiếc bánh bò khi hấp xong. Bọn trẻ chúng tôi thường vô cùng háo hức khi nhìn thấy chiếc bánh hấp xong bung lên to như một đóa hoa. Cắn nhẹ một miếng thấy vị rất xốp nhưng vẫn dẻo mềm, cắn thêm một miếng nghe mượt mà chứ không có cảm giác nghẹn bứ nơi cổ họng. Cứ thế, anh em tôi nhấm nháp hết miếng bánh bò này đến miếng bánh bò khác, cảm giác như bao mỹ vị thế gian cũng không sánh bằng.
Để rồi sau bao năm xa nhà, lòng vẫn miên man nhớ về thứ hương vị dân dã của món nước thốt nốt và bánh bò thốt nốt nơi chái bếp của mẹ năm nào. Mặc dù hiện tại đặc sản từ cây thốt nốt trở nên quen thuộc với du khách gần xa nhưng với những người sinh ra và lớn lên ở những vùng quê như chúng tôi đây thật sự là một món quà quê thơm thảo, nhưng thấm đẫm nghĩa tình của quê hương xứ sở.
Bình luận (0)