Đèn đường vẫn y một màu vàng cũ. Mấy kios bánh tráng Tây Ninh vẫn ế nhệ như chục năm qua. Chạy từ ngã ba 621 đến Chợ Thủ Đức, nhìn góc cà phê cây bàng, cảnh Suối Tiên, công ty Cocacola, khu công nghệ cao và nghe tiếng rít thắng của xe buýt số 8, số 150… càng làm lòng man mác. Trên con đường cũ, những ký ức của 12 năm, những câu chuyện của mười hai 12 năm lại sống dậy vừa êm ái vừa ầm ào như sóng biển chiều ở quê tôi.
Lúc chạy xe ngang cổng Trường mình, không hiểu tại sao tôi không dám đứng nhìn lâu hơn, dẫu nơi ấy thuộc về tôi gần mười hai năm. Hình như đó là vì còn cảm giác mình chưa trọn tình nghĩa, khi không thể bỏ bản ngã của mình để yêu thương Trường trọn vẹn, như yêu thương một “quê nhà” yêu dấu.
Mười hai năm của tôi ở Sài Gòn, có thể gói hết được trong chữ “Trường”.
2006, tôi lên Sài Gòn, học trường An ninh 5 năm, rồi làm việc ở đó 7 năm. 12 năm Sài Gòn của tôi đều ở đó. Dòng chữ “Đại học An ninh Nhân dân” từng gắn là một với mình, giờ nó chỉ là một ký ức. Tôi cũng thấy rêm rêm đau, vì biết mình đã thật sự rời xa nó, nó không còn là một hiện tại của tôi… Ký ức mười hai năm, như cái cây đã mọc rễ sâu, nhổ thì mất mà giữ lại thì thấy bơ vơ. Xa Trường, tưởng chỉ như xa một nơi làm việc, nhưng thật ra giống như xa một quê nhà, nơi đó có những thân tình như người thân của mình. Vì trường không phải chỉ là nơi tôi học, làm việc, mà còn là nơi tôi ăn cơm ở đó, sống ở đó, lớn lên trong quãng đời thanh niên ở đó. Trường đã trở thành một gốc quê hương của tôi ở Sài Gòn. Trường dạy thêm cho tôi một bài học cuối cùng: “Tình thân là một tài sản rất quý của một đời người. Mà những tình thân thì không dễ kiếm chút nào…”.
Bước ra khỏi Trường, tự lo cho mình những bữa cơm, lại nhớ những bữa cơm trường. Thời sinh viên, ăn chung với ba bạn D16A suốt năm năm, bao nhiêu nụ cười và cảm tình được gầy dựng. Những bữa cơm giúp bốn đứa chúng tôi có thêm kỷ niệm. “Mày ăn trứng vịt luộc đi, tao nhường cho mày phần của tao…”, đó là một trong những câu nói đẹp đáng nhớ trong thời hai mươi của tôi.
|
Ra trường, tôi ngồi ăn chung bàn cơm với những cán bộ phòng hành chính. Tôi ăn cơm với mọi người được bảy năm, cũng nhiều gần bằng tổng nửa thời gian tôi ăn cơm chung với ba má…Thi thoảng, mấy dì gấp miếng thức ăn bỏ vào chén cơm tôi kêu “Ăn đi con!”, cũng thấy bữa cơm thêm chút ấm áp, như đang được ăn với người thân. Ngồi với những “bạn cơm” hóm hỉnh, bữa cơm trưa của tôi càng ngon lành. Chưa kể những bài học cuộc sống, nghề nghiệp được nghe...
Những bữa trưa ở Thái Lan, trời rất nóng, ngồi ăn một khúc cá tự kho, nhìn con cá pranin, thịt giống cá điêu hồng như da đen như da cá rô, lại nhớ khúc cá điêu hồng kho tương trong những bữa cơm trưa ở Trường. Tôi nhớ nước cá sánh đượm màu, chan vào cơm cũng thấy một miền trung nằm trong chén cơm. Vừa ăn miếng thịt cá pranin kho lạt nhách giữa nơi xa lạ, nhận ra có những trải nghiệm mới cũng chẳng thú vị tí nào… Những bữa cơm ở xa không thấy ngon, vì nấu không ngon và vì quá mệt để mua, nấu, dọn, rửa. Ăn chỉ để cho no. Nhận ra, khi ở Trường được ăn những bữa cơm ngon vì khi đến giờ cơm trưa, chỉ việc xuống tầng hầm kéo ghế ngồi ăn, mấy chị, mấy dì đã nấu sẵn đồ ăn ngon, cá kho ngon, canh chua ngon…
Xa Trường mới hiểu hơn cảnh có được bữa ăn mắc công và mất sức đến như thế nào, lại thấy nhớ và biết ơn những dì, những anh chị nhà ăn như dì Một, chị Dung, Hạnh và nhiều anh chị tôi không biết tên… đã nấu cho tôi những bữa cơm tươm tất. Dẫu đó là công việc, trách nhiệm của nhân viên nhà ăn, nhưng trong ánh nhìn riêng tư, thì mọi người đã giúp tôi có những bữa cơm ngon ở Sải Gòn suốt mười hai năm, trong đó có những khứa cá điêu hồng kho tương…
Có thể hình ảnh mấy dì nấu nướng, rửa dẹp rất bình thường và quen tay nhưng càng đi xa càng hiểu thêm những nhọc nhằn của họ sau những bữa cơm Trường mình từng ăn.
Nhớ Sài Gòn, nhớ những khúc cá điêu hồng kho ở Thủ Đức.
|
Bình luận (0)