Nhớ lần gặp Phổ Nghi làm vườn ở Bắc Kinh

23/12/2005 10:23 GMT+7

Trong cuộc đi thăm Trung Quốc năm 1972, Henri Kissinger, quân sư của tổng thống Mỹ Nixon đã khám phá ra một điều bí mật khiến ông ta phải thốt lên với Chu Ân Lai: “Đất nước của Ngài đầy những chuyện bí ẩn”. Thủ tướng Trung Quốc hồi đó trả lời: “Vâng, vậy thì mời Ngài hàng năm đến đây để khám phá, thêm những điều bí ẩn”. Từ đó dến nay, Kissinger đã làm như thế thật nhưng ông ta đã phải thú nhận sự bất lực.


Quả thật ở đất nước Trung Hoa xưa nay có không biết bao nhiêu điều bí ẩn mà người bên ngoài không tài nào hiểu nổi.  Xem bộ phim:” Vị hoàng đế cuối cùng”, ta được đạo diễn người Ý Bernado Bertolucci vén lên cho thấy một trong muôn vàn điều bí ẩn ở Trung Quốc ở thế kỷ này. Xuyên qua thân phận một con người từng một thời làm vua, lịch sử những biến cố ghê gớm trong hơn 60 năm qua của Trung Quốc hiện ra trước mắt chúng ta. Ông vua Phổ Nghi  đó là đại diện cuối cùng Mãn Thanh tồn tại được 288 năm nhưng cũng là một trong những nạn nhân đầu tiên của chế độ thay thế nhà Thanh. Hình ảnh và một phần cuộc đời “vị hoàng đế cuối cùng” trong phim gợi lại trong tôi một kỷ niệm khó quên trong lần tôi gặp ông Phổ Nghi  - người công dân làm vườn ở Bắc Kinh.

Chuyện xảy ra gần 1/4 thế kỷ. Một buổi chiều tháng 9.1963, sau gần một tháng xin phép nhà cầm quyền và làm thủ tục, tôi với tư cách nhà báo đại diện của TTX Việt Nam tại Trung Quốc, đã được gặp ông Phổ Nghi tại phòng khách hội trường hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc (một tổ chức Mặt trận). Mục đích: viết về ông, cụ thể là về sự lột xác của một ông vua để trở thành người công dân bình thường của nước Trung Hoa mới. Trước khi gặp, tôi đã tìm hiểu về ông qua báo chí phương Tây nhất là về quãng đời trước và xem những bức ảnh ông từ thời kỳ đó.

Một giờ chiều tôi tới nơi hẹn. Một người đàn ông cao, gầy, đeo kính trắng trong bộ đồ Tôn Trung Sơn  xám, đội mũ vải xanh, chân đi giày vải, chờ đón tôi ở cửa hội trường cùng với một cán bộ của bộ ngoại giao Trung Quốc. Kiểu cách ăn mặc hoàn toàn giống như một viên chức bình thường. Ông tự giới thiệu là Phổ Nghi khiến tôi bất ngờ vì ông rất khác với những gì tôi hình dung từ trước.

Bước vào phòng khách, khá sang trọng được bố trí chu đáo chỉ còn chủ và khách. Qua vài câu xã giao thông thường tôi và ông bắt đầu cuộc nói chuyện những người bạn. Mà là những người bạn thực sự vì ở giữa thời điểm này quan hệ giữa ta và Trung Quốc đang còn đằm thắm môi hở răng lạnh và ông Phổ Nghi  chỉ sẵn sàng (hay được phép?) tiếp các nhà báo Việt Nam ngoài ra không gặp bất kỳ người nước ngoài nào khác.  Không hẳn là cuộc phỏng vấn mặc dầu ông đã được báo trước là tôi cần viết một bài báo về ông nhân kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc  gần một tháng sau đó (1.10). Ông Phổ Nghi  gọi tôi là đồng chí và luôn nhắc đến các đồng chí Việt Nam, đến cuộc đấu tranh chống Mỹ của nhân dân Việt Nam  anh em. Vì nói thẳng với nhau bằng tiếng Trung Quốc không qua phiên dịch nên chúng tôi trao đổi được nhiều điều. Ông tự kể - dĩ nhiên có chọn lọc - về quãng đời có trước một cách tự nhiên, không câu nệ và hết lời ca tụng Mao chủ tịch và Đảng cộng sản. Tôi không khỏi xúc động khi nghe thốt ra từ miệng ông vua cũ từng sống những ngày vàng son trên ngai vàng từ năm 3 tuổi (1908):

- Nửa đời trước của tôi coi như bỏ đi cùng với tước hiệu Tuyên Thống (1908-1911) và hoàng đế Mãn Châu quốc 1934-1945. Tôi chỉ thực sự sống lại từ khi trở thành công dân mới của nước Trung Hoa mới, một công dân bình thường sống bằng đôi tay lao động của mình.

Tôi cố ý kéo ông về cuộc sống hiện tại để khỏi phải nghe những lời tự bạch về cuộc sống thăng trầm và những năm tháng gian truân khi ông là ông vua bù nhìn dưới bàn tay người Nhật hoặc những ngày ông bị Hồng quân Liên Xô bắt giam khi giải phóng Mãn Châu và vùng đông bắc Trung Quốc (1945).

- Về cuộc sống hiện nay ư? - Ông kể tiếp, giọng sôi nổi hẳn lên - Tôi không có gì phải phiển muộn. Tôi được phân công làm vườn trông coi cây cảnh tại công viên Ngọc Uyển của Bắc Kinh. Là nhân viên nhà nước hàng tháng lĩnh 50 đồng nhân dân tệ tương đương lương kỹ sư bậc 1. Tôi được cấp nhà, các loại tem phiếu như mọi người. Vợ tôi (mới lấy sau này) cũng là nhân viên nhà nước làm ở ngành y tế.

Sợ tôi không tin, ông Phổ Nghi  chìa ra đôi tay gầy guộc đầy chai, bàn tay của người làm vườn chính cống.

- Ngoài làm vườn, ông còn làm gì khác nữa?

- Tôi được giao nhiệm vụ viết lại những luật lệ, nghi  thức của triều đình nhà Thanh giúp các nhà sử học tìm hiểu những chuyện cung đình.

- Ông có viết hồi ký không?

- Tôi đang sắp hoàn thành tập hồi ký kể về cuộc đời tôi theo yêu cầu của một nhà xuất bản nhan đề Nửa đời trước của tôi (Ngã đích tiền bán sinh). Cuốn sách sẽ được dịch ra tiếng Anh nhan đề My first half life (ông Phổ Nghi  rất giỏi tiếng Anh, tiếng Nhật và biết tiếng Đức). Khi in xong tôi sẽ tặng đồng chí.

Cuốn hồi ký này sau đó đã được in rộng rãi ở phương Tây, nhất là ở Mỹ và đổi đầu đề thành Từ ông vua trở thành người làm vườn. Kịch bản bộ phim Vị hoàng đế cuối cùng của Bertolucci đã lấy rất nhiều tài liệu từ cuốn hồi ký này.

Ông Phổ Nghi  kể rất sôi nổi về cuộc sống mới, về sự đổi đời, cảm ơn sự rộng lượng của nhân dân “mặc dù tôi đáng tội chết”. Điều khiến tôi rất đỗi ngạc nhiên là ông theo dõi rất sát tình hình Việt Nam qua báo chí, biết rõ cuộc đấu tranh chống Mỹ - Diệm của nhân dân ta hồi đó. Ông cũng biết cả câu nói của cựu hoàng Bảo Đại: “Tôi đã trở thành công dân của nước Việt Nam tự do khi ông trao ấn kiếm cho phái viên của chính phủ VNDCCH tháng 8.1945 và tuyên bố thoái vị”.

Trong 4 giờ tiếp tôi, ông Phổ Nghi  nói rất nhiều về những dự án tương lai, nhất là về mặt dịch thuật, lĩnh vực mà ông có thể đóng góp sức lực không kém nghề làm vườn. Với tuổi 58 hồi đó của ông lại thêm chứng bệnh gan bị nhiễm trong thời gian cải tạo, tôi khó tin là ông có thể đi nốt đoạn đường “nửa sau cuộc đời công dân” như ông ao ước. Quả nhiên, 4 năm sau, ngày 10.7.1967 ông qua đời giữa cao trào của cuộc “Cách mạng văn hóa”.

Đỗ Chuyên
(TN Xuân 1989)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.