Tham dự lễ tổng kết năm 2015 của Tổng cục Đường bộ, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng nói thẳng thừng với các vị lãnh đạo ngành này: “Vứt mấy biển báo không phù hợp mà cũng không xong”.
Nếu nước ta chưa hơn các nước bạn trong khu vực về đường sá, cầu cống thì cũng hơn được họ về số lượng biển báo trên đường đi; từ các quốc lộ, tỉnh lộ cho đến những con đường ngắn trong các thành phố, thị xã.
Nói cách khác, ta hơn người ở chỗ… lạm phát biển báo giao thông đường bộ. Trong các loại biển báo, có những biển báo cần thiết và hợp lý; có những biển báo không cần thiết và bất hợp lý. Loại biển báo sau nhiều hơn loại trước; là đầu mối góp phần tạo ra các tiêu cực mãi lộ, các tai nạn giao thông, các thiệt hại về kinh tế và thời gian.
Một tỉnh miền Tây Nam bộ có con đường tránh khá rộng chạy giữa đồng lúa, cắt ra một “tam giác” với QL1A. Con đường ấy bị cắm biển báo chỉ cho chạy 40 km/giờ; y chang như đường cũ vào nội thị đông người. Đã vậy, qua khỏi đoạn ấy, ra gần quốc lộ lại có biển báo chỉ cho chạy 20 km/giờ. Lái xe nào cũng kêu trời như bọng. Những xe tải nặng, xe khách chạy tốc độ này nhả khói mù mịt; nhân dân ở hai bên đường cũng được “thơm lây”, đặc biệt là trong những ngày đứng gió.
Cùng trên QL1A đường rộng như nhau, dân cư như nhau, tỉnh này cho chạy 40 km; tỉnh kia cho chạy 60 km; tỉnh khác cho chạy 50 km. Người lái xe chưa quen đường qua những vùng giáp ranh không kịp xuống ga rà thắng là bị phạt. Có nhiều biển báo e lệ núp sau vườn xoài vườn ổi hay bị tiệm cơm, quán nước “tham gia” quảng cáo bất tử tạo thành một quần thể xanh đỏ khiến lái xe nhìn không ra, bị phạt nặng.
Ác nhất là những biển báo rẽ trái, rẽ phải, lên cầu cắm lộn xộn tạo ra một thứ ma trận dễ phát sinh tai nạn và dễ bị phạt hơn bất cứ chỗ nào khác.
Dân từng kêu ca, than phiền về tình trạng tồn tại hàng ngàn cái biển báo bất hợp lý nhằm “bẫy” người lái xe ấy nhưng Tổng cục Đường bộ và ngành GTVT các địa phương gần như không muốn nghe; mà có nghe thì cũng không muốn nhổ bỏ.
Một chuyện nhỏ như vậy mà ngành làm không xong hoặc không muốn làm đến nỗi ông bộ trưởng phải hướng dẫn là cần mời mấy bà thu mua sắt vụn đến để họ có kế hoạch giải quyết giúp ngành. Quan chức của Tổng cục Đường bộ và lãnh đạo ngành các địa phương nên lấy chuyện ấy mà làm răn chính mình.
Cái tết đang cận kề, nhu cầu giao thông đường bộ của nhân dân là rất lớn. Để góp phần giảm nhẹ những điều đáng tiếc, giảm nhẹ thiệt hại kinh tế và thời gian, giảm nhẹ tình trạng mãi lộ tiêu cực, người dân yêu cầu phải nhổ gấp, nhổ lẹ các biển báo bất hợp lý và nguy hiểm ấy. Đem số biển báo ấy bán đồng nát cũng là một cách tiết kiệm!
Bình luận (0)