Nhớ 'mấu chốt' này sẽ không còn bị lừa qua điện thoại

05/08/2022 06:00 GMT+7

Dù được truyền thông, công an liên tục cảnh báo nhưng vẫn còn nhiều người “sập bẫy” khi bị đe dọa qua điện thoại. Bên cạnh việc bày tỏ nỗi bất an, nhiều bạn đọc cũng nhắc nhau “mấu chốt” để lật tẩy chiêu lừa này.

Như Thanh Niên thông tin, Công an P.An Phú Đông, Q.12 (TP.HCM) vừa tiếp nhận đơn trình báo của ông M.X.Đ (53 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) về vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền gần 2 tỉ đồng. Ông Đ. (hiện đang làm việc tại Q.12) cho biết ngày 9.7 nhận được cuộc điện thoại từ số 09063644... thông báo số điện thoại của ông đang sử dụng sẽ bị cắt trong vòng 2 tiếng, nếu muốn biết thông tin thì bấm phím số 2 để được hướng dẫn.

Ông Đ. kể lại vụ việc mình bị người lạ gọi đến dọa để chuyển tiền

Trần Kha

Ông Đ. làm theo thì được một người xưng là nhân viên viễn thông báo có một số thuê bao sử dụng tên đăng ký trùng tên ông Đ. “chuyên phá rối người dân, lừa đảo”. Sau đó, người này nối máy để ông Đ. nói chuyện với người đàn ông tự xưng là... “công an Đà Nẵng”. Vị “công an Đà Nẵng” yêu cầu ông Đ. đến Công an Đà Nẵng làm việc. Khi ông Đ. cho biết nhà ở xa thì người này yêu cầu ông chụp hình CCCD, CMND gửi qua để xác minh; sau đó gửi cho ông Đ. đường link, yêu cầu bấm vào và làm theo hướng dẫn. Ông Đ. làm theo thì ít phút sau người này nói ông Đ. có liên quan đến một đường dây mua bán ma túy và rửa tiền, yêu cầu phối hợp điều tra.

Ông Đ. sau đó tiếp tục chụp hình và cung cấp số tài khoản ngân hàng cho người xưng cán bộ công an để xác minh. Người này yêu cầu ông Đ. chuyển toàn bộ tiền ở các tài khoản vào tài khoản ở BIDV của chính ông Đ. để “xác minh số tiền trong tài khoản có thực sự trong sạch”. Từ ngày 9 - 11.7.2022, ông Đ. chuyển tổng cộng 751 triệu đồng vào tài khoản BIDV của chính mình. Do liên tục bị hối thúc chuyển tiền để “xác minh”, ông Đ. nghi ngờ bị lừa đảo nên đến công an hỏi thăm và đến ngân hàng kiểm tra thì tá hỏa phát hiện toàn bộ số tiền chuyển vào tài khoản BIDV cùng số tiền hơn 1 tỉ trong tài khoản này của ông đã không còn.

Lừa đảo qua điện thoại ngày càng lộng hành

Thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại như với ông Đ. đã có từ nhiều năm nay, gần đây nở rộ với nhiều chiêu trò tinh vi hơn, khiến người dân bất an. “Bản thân tôi và gia đình thường xuyên nhận được các cuộc gọi đe dọa như thế này từ các đối tượng xấu. Chưa kể báo chí cũng thường xuyên đăng tải các vụ lừa đảo như vậy. Tình trạng này ngày càng nhiều khiến cá nhân tôi cùng những người xung quanh khá lo lắng và luôn trong tinh thần phải cảnh giác. Chỉ mong cơ quan chức năng vào cuộc xử lý triệt để, tránh trường hợp bọn xấu lợi dụng lòng tin của người khác để lừa đảo gây bất ổn xã hội”, bạn đọc (BĐ) Khánh Đăng ý kiến.

Tương tự, BĐ Băng Tâm cho biết bản thân cũng từng nhiều lần bị gọi đe dọa như thế này với nhiều số điện thoại khác nhau. “Trong một tuần mà tôi nhận được gần 10 cú điện thoại đe dọa từ các đối tượng xấu. Chắc chắn là tôi không bị sập bẫy. Tuy nhiên, việc bọn này gọi đi gọi lại chứng tỏ chúng chả sợ gì ai và ngày càng lộng hành. Rất mong lực lượng chức năng có những biện pháp mạnh để trấn áp bọn tội phạm ngày càng manh động này”, BĐ này ý kiến thêm.

“Đây là thủ đoạn lừa đảo không mới, báo chí, công an thường xuyên cảnh báo nhưng vẫn còn nhiều người sập bẫy. Có lẽ do các nạn nhân mất cảnh giác. Hiện nay bọn xấu dùng đủ thủ đoạn, kể cả giả mạo công an, tòa án... để lừa đảo, vì vậy người dân phải tuyệt đối cảnh giác trước các cuộc gọi đe dọa hay dụ dỗ từ người lạ. Khi nhận các cuộc điện thoại như thế tốt nhất lờ đi hoặc trao đổi với người nhà để có hướng xử lý. Tuyệt đối không được làm theo những gì chúng yêu cầu”, BĐ Nguyễn Đức lưu ý.

Công an, tòa án... không bao giờ mời làm việc qua điện thoại

Không chỉ kêu gọi người dân cảnh giác, nhiều BĐ cũng chỉ ra những điều bất hợp lý mà các đối tượng xấu thường sử dụng để người dân nhận diện. “Công an, tòa án làm việc không bao giờ gọi điện thoại, hù dọa, hỏi thông tin cá nhân cả. Phải có công văn và tới tận nơi đàng hoàng. Đây là điều cơ bản nhất, người dân cần nắm thật kỹ để tránh bị lừa”, BĐ Phuong Tran góp ý.

BĐ Văn Đức viết: “Khi có điện thoại gọi tới xưng là cơ quan pháp luật yêu cầu tới làm việc, thông báo vụ việc, người dân không nên hoang mang vì đó chắc chắn là giả. Các cơ quan tố tụng không mời người dân làm việc và đưa ra các yêu cầu qua điện thoại. Người dân tuyệt đối không khai một số thông tin cần bảo mật trên mạng xã hội, từ chối làm theo yêu cầu của người lạ về hướng dẫn cài đặt, đăng nhập các ứng dụng... Nếu cảm thấy chưa an tâm thì có thể gọi điện báo cho chính quyền địa phương nhờ giúp đỡ”.

“Bọn xấu thường lợi dụng sự nhẹ dạ, thiếu hiểu biết của người dân để trục lợi. Cần phải biết rằng không cán bộ nào làm việc mà chỉ thông qua điện thoại. Họ mà cần thì sẽ triệu tập bằng giấy mời lên làm việc trực tiếp chứ không giải quyết theo hướng mờ ám này. Người dân cần nâng cao cảnh giác, chứ nói thật bây giờ cơ quan chức năng có cố gắng cỡ nào mà người dân vẫn cứ nhẹ dạ thì đâu cũng lại vào đấy”, BĐ Đình Phong lưu ý.

* Đây là thủ đoạn không mới nhưng vẫn còn nhiều người sập bẫy. Mong mọi người nâng cao tinh thần cảnh giác để không trở thành “con mồi” của chúng.

Trường Hải

* Phương tiện truyền thông đã đưa nhiều vụ tương tự, nên mong mọi người theo dõi và rút kinh nghiệm cho bản thân. Đừng để sự nhẹ dạ của mình trở thành công cụ cho bọn xấu thực hiện hành vi lừa đảo. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần hành động quyết liệt hơn để trấn áp bọn tội phạm này.

Nguyễn Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.