Ô môi là một loại trái có vỏ cứng, hình dáng dài dài, cong cong như trái phượng nhưng tròn hơn.
Hoa và trái ô môi - Ảnh: Công Hân
|
Phải nói đã lâu lắm rồi tôi không được ăn lại trái ô môi, đến nỗi tôi quên nó luôn, nếu kêu kể danh sách trái cây Việt Nam thì chắc chắn tôi không thể còn nhắc đến nó. Thế mà, hôm vừa rồi có thằng bạn về miền Tây chơi ngay mùa ô môi chín, chụp hình hoa lẫn trái quẳng lên Facebook làm tôi nhìn thấy mà nhớ quay quắt, nhớ cái vị ngọt ngọt chát chát lẫn những kỷ niệm đáng yêu của tuổi học trò…
Ô môi là một loại trái có vỏ cứng, hình dáng dài dài, cong cong như trái phượng nhưng tròn hơn. Trái ô môi khi chín từ màu xanh sẽ chuyển sang màu đen, đen từ vỏ đến cơm bên trong. Mỗi trái ô môi dài 50 - 60 cm, khi ăn, người ta chặt ra từng khúc, lấy dao róc bỏ phần vỏ bên ngoài (vỏ khá cứng) để lấy phần cơm bên trong ăn. Cơm của trái ô môi xếp thành từng múi tròn mỏng đều nhau và được phủ bởi lớp mật màu đen, có vị ngọt ngọt, nồng nồng, hăng hăng rất lạ. Mỗi múi có một hạt màu ở một bên mặt dính kèm. Hạt này có thể ngâm nước cho vỏ mềm rồi lột vỏ nấu chè rất ngon.
Cơm của trái ô môi xếp thành từng múi tròn mỏng đều nhau và được phủ bởi lớp mật màu đen, có vị ngọt ngọt, nồng nồng, hăng hăng rất lạ - Ảnh: Hoài An
|
Nhớ hồi còn học tiểu học, trước cổng trường người ta hay bán trái ô môi cắt từng khúc. Cứ mỗi giờ ra chơi hay ra về là lũ học sinh ùa ra mua ăn. Đến lúc vô học, lên bục giảng trả bài cho cô giáo nhe răng ra cười là nguyên cái miệng đen xì lì, khiến cả mấy chục đứa ở dưới nhìn lên cười bò. Đến nỗi thầy cô nào có nghiêm đến mấy thì cũng không nhịn được cười. Ngày đó tôi cũng không ngoại lệ, mê ô môi không thể tả. Tôi mê cái vị chát chát, ngọt ngọt, cái mùi hăng hăng rất đặc trưng. Ai được cho ăn thử một lần chắc chắn sẽ rất khó quên. Mỗi lần ăn xong là miệng đen cả lưỡi lẫn răng. Tay cũng dính đen từ nhựa ô môi, rồi đứa này dí đứa kia quẹt tùm lum vô áo. Về nhà mẹ rầy la miết mà cũng không bỏ được. Thậm chí, ăn xong cơm ô môi chưa đã, mang hột đi ngâm với nước rồi nấu chè ăn luôn mới chịu.
Có khi thèm quá, trên đường đi về nhà, gặp cây ô môi là đám con trai đứa leo lên hái, đứa ở dưới nhặt cây phang lên cành ô môi để mong trái rớt xuống - Ảnh: Công Hân
|
Tôi nhớ ngày đó, ô môi được bán rất rẻ, chỉ khoảng 500 đồng đến 1.000 đồng là có được một khúc. Nhưng đó là rẻ với con nhà giàu chứ với con nhà nghèo như thì lâu lâu mua được một khúc là mừng húm, ba bốn đứa tụ hợp lại mà chia nhau ăn. Có khi thèm quá, trên đường đi về nhà, gặp cây ô môi là đám con trai đứa leo lên hái, đứa ở dưới nhặt cây phang lên cành ô môi để mong trái rớt xuống. Nhưng đa phần nó không rụng nguyên trái mà cứ gãy khúc. Rồi tranh nhau lấy đập vào gốc cây cho bể vỏ để gỡ lấy múi bên trong ăn. Tôi còn nhớ, có lần thằng Phong, bạn trong nhóm của tôi, nó luôn thích những trái đẹp dài thẳng băng để làm “kiếm” nên cố leo hái cho bằng được. Vì cố leo hái mà bị vướng rách toẹt cái đáy quần, vậy là cả bọn có một trận cười lăn cười bò. Nó mắc cỡ quá, hái được trái thì một mạch chạy nhanh về nhà. Hôm sau vào lớp, cả bọn truy hỏi cây “kiếm” ô môi đâu không mang vô lớp chơi, nó bí xị cho biết vì leo cây cao nguy hiểm cộng thêm rách cái quần mà mẹ nó đã dùng “kiếm” của nó làm thành… roi rồi tịch thu luôn rồi. Vậy là cả bọn buồn rười rượi…
Nếu có dịp về miền Tây vào đúng mùa ô môi chín, khách phương xa nhớ thử một lần cho biết hương vị dung dị, mộc mạc và đậm đà tình quê này nhé…
Bình luận (0)