Mùa này Tây Bắc đã dứt những cơn mưa rừng. Những trảng ruộng bậc thang chạy vòng đuôi cáo tựa như những dải sóng xô vào chân núi rồi bị chặn đứng lại dưới bóng râm lờ mờ vách đá. Lại có những vòng sóng đẹp như nét vẽ com pa khoanh lấy triền núi, leo tót lên tận mỏm.
Nom xa có chỗ lại thấy tựa vành khăn có sắc vàng rực của người con gái quan họ Kinh Bắc quàng lên đó. Mùa này là mùa thu hoạch hái lượm. Người ra đồng đông như kiến, như đi họp chợ. Anh bạn trẻ Tòng Văn Vạn, người bản Nà Tâu bảo nếu lên sớm hơn xem người Thái thu hoạch thì còn vui nữa. Giúp nhau gặt, người ta mang nồi niêu bát đĩa ra đồng, thịt dê thịt lợn ăn uống ngay ngoài đồng. Giúp nhau như thế, người Kinh ngày xưa gọi là đi ăn mải.
Bữa tiệc tối ở Nà Tâu là buổi hội tụ của những cô gái trong bản đến hát khặp, một hình thức sinh hoạt cộng đồng của trai gái bản Thái. Tôi chẳng hiểu gì về lời hát mang đầy tính ngẫu hứng của các chàng trai cô gái, giống như hát đối, hát chúc của người miền xuôi trong buổi tối ấy, nhưng cái khác là kết thúc lời hát sô lô của một người thì cả dàn phụ họa theo một đoạn vuốt xuôi tạo nên âm hưởng dài như tiếng chiêng ngân… Ngay trong một bài hát cũng bộc lộ tính công đồng rất cao.
Trong sinh hoạt, nếu người Mông để nỗi lòng mình ẩn giấu sau tiếng khèn hoặc đàn môi thì người Thái lại mở lòng qua lời hát khặp, qua vòng xòe cả trai gái trẻ già. Hai lối sống khá khác biệt. Người Thái ở thì tụ tập thành bản, người Mông thì sẵn sàng một mình treo trên triền núi. Bản Mông lưa thưa vài nóc nhà, bám vách núi cao, còn bản Thái thường tụ tập lại thành làng bên sông bên suối. Người Thái có những sinh hoat cộng đồng như các hình thức xòe tập thể bất cứ lúc nào, còn người Mông chỉ tụ tập vui chơi vào dịp tết. Có rất nhiều ẩn chứa trong văn hóa sống của mỗi dân tộc Tây Bắc mà ta chưa thể hiểu biết hết được.
Tuy truyền hình đã về đến bản ở những nơi có điện, nhưng dường như cái đói văn hóa của rẻo cao vẫn thường trực. Những nhóm hát khặp giỏi từng vùng tự ghi thành đĩa DVD rồi bán 10.000 đồng/đĩa. Những đĩa mộc, không có phòng bá âm, nhạc cụ đệm nhưng mọi người vẫn nghe say sưa và vui thích hát theo. Người trên núi bảo tồn văn hóa của mình bằng chính tình yêu xứ sở và bảo trì văn hóa bằng những cách làm thô sơ mà hiệu quả chứ không theo hướng dẫn của mấy anh làm văn hóa và càng không phải làm theo nghị quyết. Họ có ý thức bảo vệ văn hóa sống của dân tộc mình bằng giữ những thói quen cơ bản và nếp sống ông bà.
Dù có bị chặt phá, nhưng như rừng tái sinh, những giống cây chính của khu rừng lại dần dần mọc lại. Văn hóa ở những sắc tộc lớn đều như thế cả, đều biết tái sinh.
Bình luận (0)